Đại dịch Covid-19 khó kiểm soát khiến GDP quý I/2020 chỉ tăng 3,82%

Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Theo Tổng cục Thống kê, đại dịch cũng đã khiến tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2020 chỉ tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 0,08% (đóng góp 0,2% vào mức tăng trưởng chung).

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,15% (đóng góp 58,4%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,12%. Tuy đạt mức tăng không cao nhưng vẫn đóng vai trò là động lực chính của tăng trưởng kinh tế quý I năm nay.

Giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn đứng ở mức cao kể từ đầu năm 2020 đến nay

Giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn đứng ở mức cao kể từ đầu năm 2020 đến nay

Khu vực dịch vụ tăng 3,27% (đóng góp 41,4%), trong đó các ngành dịch vụ thị trường như: Bán buôn và bán lẻ tăng 5,69%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,19%.

Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2020, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,11%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 35,52%; khu vực dịch vụ chiếm 43,71%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 10,15%; 35,31%; 43,99%; 10,55%).

Trên góc độ sử dụng GDP quý I/2020, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,07% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó tiêu dùng cuối cùng của hộ dân cư tăng 2,92% (cùng kỳ năm trước tăng 7,22%); tích lũy tài sản tăng 2,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,59%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,05%.

Đại diện của Tổng cục Thống kê cho biết ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nền kinh thế thế giới tăng trưởng chậm lại. Những nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu (EU) chứng kiến tình trạng suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đại dịch đã khiến giá dầu thô giảm mạnh, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục cắt giảm lãi suất, nhiều nước châu Âu đóng cửa biên giới nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan đã đe dọa chuỗi cung ứng và làm tăng nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu sản xuất, sản phẩm tiêu dùng.

Theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I/2020 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Dịch cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu sản phẩm nông sản.  

Ước tính tổng đàn lợn cả nước tháng Ba giảm 17,5% so với cùng thời điểm năm 2019. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2020 đạt 811 nghìn tấn, giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Việc thiếu hụt nguồn cung thịt lợn thời gian qua khiến cho giá thịt lợn đến tay người tiêu dùng vẫn đang ở mức rất cao. Khảo sát tại một số chợ dân sinh khu vực Hà Nội ngày 27/3 cho thấy thịt ba chỉ vẫn từ 150.000đ – 160.000đ/kg, nạc vai, bắp giò cũng dao động từ 140.000đ đến 150.000đ/kg, sườn 160.000đ/kg,…

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 28/3: Biến động ”chớp nhoáng” khi số ca tử vong do Covid-19 tăng vọt

Giá vàng vụt tăng lên 48 triệu đồng/lượng trong phiên giao dịch lúc 10h sáng qua, sau đó đảo chiều hạ nhiệt dần nhưng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trung Kiên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN