Công ty mẹ Vinachem ngập trong thua lỗ vì gánh 4 "cục nợ"

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào 4 dự án thua lỗ, yếu kém, năm 2019, công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ tới 1.170 tỷ đồng.

Vinachem báo lỗ gần 1.200 tỷ đồng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) mới đây đã công bố báo cáo tài chính công ty mẹ năm 2019 đã được Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC kiểm toán.

Theo đó, năm vừa qua, công ty mẹ Vinachem lỗ tới 1.170 tỷ đồng do doanh thu suy giảm, trong khi chi phí tăng rất mạnh.

Cụ thể, tổng doanh thu (bao gồm doanh thu thuần và doanh thu hoạt động tài chính) của tập đoàn này ở mức 977 tỷ đồng, giảm 16% so với năm trước đó.

Trong khi đó, chi phí tài chính tăng hơn gấp đôi lên 634 tỷ đồng, chủ yếu do tăng dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và tổn thất đầu tư. Tương tự, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng hơn gấp đôi lên 1.469 tỷ đồng, chủ yếu do tăng chi phí dự phòng.

Được biết, trong năm, công ty mẹ Vinachem đã tăng dự phòng thêm khoảng hơn 600 tỷ đồng đối với khoản đầu tư vào công ty nằm trong 12 đại dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương là CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Cùng với đó, gia tăng khoảng 1.000 tỷ đồng dự phòng cho khoản phải thu về cho vay đối với Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.

Ngoài ra, tập đoàn này còn tăng dự phòng khoảng 370 tỷ đồng đối với các khoản phải thu khác.

Mức lỗ gần 1.200 tỷ đồng khiến vốn chủ sở hữu của công ty mẹ Vinachem giảm từ 13.752 tỷ đồng hồi đầu năm về 12.571 tỷ đồng vào cuối năm. Trong đó, lỗ lũy kế tăng từ 674 tỷ đồng lên 1.845 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/12/2019, tổng tài sản của công ty mẹ Vinachem ở mức gần 19.179 tỷ đồng, giảm 7% sau một năm.

Tổng đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết và các khoản đầu tư khác của tập đoàn này lên đến 12.750 tỷ đồng. Trong đó, trích lập dự phòng gần 6.000 tỷ đồng (gần 50%), chủ yếu tập trung ở CTCP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (2.658 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình (2.313 tỷ đồng), CTCP DAP số 2 - Vinachem (802 tỷ đồng), Công ty DAP - Vinachem (131 tỷ đồng).

Nhà máy Đạm Ninh Bình

Nhà máy Đạm Ninh Bình

Đối mặt với những khó khăn cần giải quyết tại các công ty thua lỗ, trước đó, Vinachem đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Thủ tướng xem xét gỡ khó một số khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho 3 dự án là đạm Ninh Bình, đạm Hà Bắc, DAP số 2-Vinachem.

Cụ thể đó là, cơ cấu kéo dài thời hạn vay tối đa thành 30 năm; không tính lãi phạt trên lãi và gốc chậm trả kể từ khi phát sinh; điều chỉnh giảm lãi suất tiền vay,... Đối với khoản vay Vietinbank, BIDV, Vietcombank, Vinachem đề nghị cho 3 dự án trên được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và không chuyển nhóm nợ; tiếp tục cho vay vốn lưu động.

Ngoài ra, Vinachem đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính cho phép các dự án Nhà máy đạm Ninh Bình, Nhà máy đạm Hà Bắc và DAP số 2-Vinachem được tiếp tục giảm 50% mức phải trích khấu hao tài sản cố định hàng năm theo phương án đường thẳng từ năm 2020 đến năm 2025, phần giá trị giãn khấu hao sẽ được phân bổ vào những năm còn lại của tài sản cố định.

Nguồn: [Link nguồn]

Cả thôn phất lên ầm ầm, thu hàng chục tỷ/năm nhờ cây bán ”hốt bạc”

Loại cây này có giá trị kinh tế giúp cả thôn thu về nhiều tiền.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hoa ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN