Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư: Kinh tế đang phục hồi, tích cực qua từng tháng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5, sáng 1/6, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình thế giới tháng 5 tiếp tục khó lường, do bất ổn chính trị leo thang tại Trung Đông, một số khu vực; và trái chiều giữa chính sách tiền tệ của Mỹ với các nền kinh tế lớn. Cùng đó, cạnh tranh về công nghệ, thương mại, tài nguyên giữa các nước lớn; biến động của thị trường tài chính, tiền tệ, giá vàng, xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa, vận tải thế giới.

Theo Bộ trưởng, trong nước, các hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, an ninh năng lượng được bảo đảm.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp Chính phủ ngày 1/6. Ảnh: VGP.

Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp Chính phủ ngày 1/6. Ảnh: VGP.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tăng trưởng quý I của Việt Nam cao nhất ASEAN. IMF dự báo Việt Nam sẽ duy trì tăng trưởng cao nhất ASEAN và thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu châu Á trong giai đoạn 2024-2029.

Số liệu từ Tổng cục thống kê cho biết, 5 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 2,78%. Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý, lạm phát có thể tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới, nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè. Đồng thời, tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài.

"Tâm lý thị trường do kỳ vọng lạm phát, tỷ giá tăng là vấn đề cần quan tâm, nhất là liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ", ông nói, thêm rằng giải pháp điều hành giá cần phải thận trọng, kịp thời, hiệu quả.

Ông Dũng cũng thừa nhận thị trường bất động sản, giá vé máy bay còn bất cập. Một số quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa cắt giảm triệt để, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Để đạt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị các bộ ngành sớm hoàn thành công việc để thực hiện chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7. Trung ương và địa phương cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn để áp dụng Luật Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở sau khi được Quốc hội cho phép thực hiện từ ngày 1/8.

Cùng đó, các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu cần được làm mới; khai thác tối đa các động lực mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Tâm lý sợ sai, trách nhiệm chưa xử lý dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi chưa nghiêm. Do đó, theo Bộ trưởng, thể chế, pháp luật phải thay đổi theo hướng tăng phân cấp, quyền; khắc phục né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa ưu tiên cho tăng trưởng càng cao càng tốt, đồng thời kiểm soát lạm phát theo mục tiêu dưới 4,5%.

Thủ tướng tiếp tục lưu ý ngành ngân hàng bình ổn thị trường vàng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng, giảm lãi suất cho vay. Ngành tài chính tiếp tục miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh.Cùng đó, quản lý ngân sách nhà nước theo hướng tăng thu, tiết kiệm chi; sớm có phương án huy động thêm 100.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng chiến lược. Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng tăng giải ngân gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội.

Nguồn: [Link nguồn]

Ông Nguyễn Hải Châu - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Chứng khoán Everest (mã EVS) - bị phạt hơn 75 triệu đồng, cấm giao dịch 2 tháng do mua "chui" cổ phiếu. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Dung ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN