3 kịch bản kinh tế và 8 chiến lược cho doanh nghiệp Việt Nam trong đại dịch COVID-19

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và khó lường, chuyên gia Vietnam Report dự báo các kịch bản kinh tế có thể xảy ra và đề xuất các biện pháp ứng phó dành cho doanh nghiệp Việt giai đoạn dịch bệnh và sau dịch bệnh.

Trước sự bùng phát của đại dịch COVID-19, khó khăn kinh tế toàn cầu đang diễn biến rất nhanh và nghiêm trọng. Suy thoái kinh tế toàn cầu không còn là nguy cơ, mà đã trở thành thực tế, với việc tỷ lệ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020 sẽ ở mức âm.

Nền kinh tế Việt Nam cũng đang gánh chịu sự sụt giảm tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng kinh tế trong quý I/2020 của Việt Nam chỉ đạt 3,82%. Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên tới 18,6 ngàn doanh nghiệp, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.

Các kịch bản cho nền kinh tế Việt Nam

Mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ tăng chậm lại về 3,3% từ mức 7,0% của năm 2019. Ngày 31/3, một nghiên cứu độc lập khác của Fitch Solutions điều chỉnh tốc độ tăng trưởng của Việt Nam về mức 2,8%. Cả hai dự báo đều cho thấy nền kinh tế Việt Nam có thể là mức tăng trưởng thấp nhất tính từ giữa thập niên 1980. Tuy nhiên, Fitch kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến là 7,3% khi sức cầu trong và ngoài nước dần hồi phục, xuất khẩu, du lịch và FDI tăng trở lại.

Một nghiên cứu mới nhất của McKinsey cho thấy các kịch bản có thể xảy ra đối với các nền kinh tế dựa trên khả năng kiểm soát virus, phản ứng của hệ thống y tế và phản ứng chính sách của các Chính phủ.

Hình 1: Các kịch bản kinh tế dưới tác động của dịch COVID-19

Nguồn: Lược dịch từ bài viết “COVID -19: Implications for business” trên McKinsey

Nguồn: Lược dịch từ bài viết “COVID -19: Implications for business” trên McKinsey

Các kịch bản từ A1-A4 đều dẫn đến sự phục hồi dạng chữ V và chữ U – kịch bản được mong chờ thành hiện thực nhất, mặc dù có sự sai số ở các quốc gia và khu vực khác nhau. Trong khi đó, các kịch bản cực đoan (B1-B5) có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng về cấu trúc nền kinh tế do thời gian để ứng dụng vắc-xin trong cộng đồng bị kéo dài, kết hợp với các phản ứng chính sách không kịp thời để ngăn chặn hậu quả trên diện rộng như phá sản, thất nghiệp, và một cuộc khủng hoảng tài chính.

Dựa trên một số dữ kiện kinh tế vĩ mô, phản ứng chính sách của Chính phủ, hoạt động giao thương của nền kinh tế và các kịch bản khả thi nhất của kinh tế toàn cầu, có thể tạm đưa ra một số kịch bản sau với nền kinh tế Việt Nam:

Kịch bản thứ nhất: Kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh

Khi đại dịch được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu trong khoảng quý II/2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở lại nhanh chóng theo hình chữ V trong 4 kịch bản có thể xảy ra như dự đoán của McKinsey, nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng từ đầu quý III/2020, các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được khôi phục, có thể nhắm đến việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đã đặt ra khi các cơ quan chức năng tung ra các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như Chính phủ tăng cường giải ngân vào các dự án hạ tầng lớn. Xác suất để kịch bản này xảy ra dự báo khoảng 20%.

Kịch bản thứ hai: Kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh

Khi đại dịch được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu trong khoảng quý III/2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm theo hình chữ U trong 4 kịch bản có thể xảy ra như dự đoán của McKinsey, nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi ít nhất từ đầu quý III/2020, với tốc độ giữa hình chữ U và chữ V. Hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn nền kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại. Phần lớn các doanh nghiệp khôi phục năng lực sản xuất và lực cầu trong công chúng có dấu hiệu phục hồi nhanh. Trong kịch bản này, các cơ quan chức năng vẫn cần nhanh chóng tung ra các gói cứu trợ và Chính phủ vẫn cần tăng cường chi tiêu công để kích cầu và hỗ trợ sản xuất. Xác suất kịch bản này xảy ra dự báo khoảng 60-70%.

Kịch bản thứ ba: Nền kinh tế toàn cầu rơi vào chu kỳ suy thoái mới, kinh tế Việt Nam trì trệ

Khả năng sự lây lan virus trên toàn cầu tái diễn, sự phục hồi tăng trưởng của các nền kinh tế lớn (Mỹ, EU) chậm theo đồ hình giữa chữ L và chữ U, triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng 2020 của kinh tế Việt Nam là rất khó khả thi vì sự sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản. Tình trạng trì trệ của nền kinh tế sẽ kéo dài đến hết năm 2020. Xác suất kịch bản này xảy ra dự báo khoảng 10-20%.

Chiến lược cho doanh nghiệp Việt Nam trong đại dịch COVID-19

Chuyên gia Vietnam Report đề xuất 8 ưu tiên chiến lược thích ứng trong thời kỳ đại dịch COVID-19 và sẵn sàng cho giai đoạn phục hồi:

1. Cắt giảm chi phí tối đa: Rà soát kỹ lưỡng tất cả hạng mục chi phí và cắt giảm đến mức tối đa. Chuyển sang chế độ làm việc trực tuyến có thể giúp cắt giảm chi phí thuê mặt bằng, chi phí hành chính và các chi phí cơ bản trong vận hành trực tiếp tại doanh nghiệp.

2. Phát triển chuỗi cung ứng trong nước: Doanh nghiệp cần chủ động phát triển và khai thác chuỗi cung ứng trong nước, tận dụng sớm các điều khoản của hiệp định EVFTA, CPTPP để đa dạng hóa chuỗi cung ứng đầu vào, giảm sự phụ thuộc.

3. Phổ biến hóa việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động của doanh nghiệp: Công cuộc chuyển đổi số cần có chiến lược và định hướng cụ thể, lâu dài và toàn diện, nhưng chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả cao cho các doanh nghiệp.

4. Chuyển đổi mô hình kinh doanh, đổi mới cách thức marketing: Doanh nghiệp nên nghiên cứu các cách tiếp cận mới với thị trường, đầu tư vào hoạt động R&D để tìm ra mô hình kinh doanh hiệu quả nhất.

5. Hỗ trợ và bảo vệ nhân sự của mình trong bối cảnh mới: Lãnh đạo doanh nghiệp cần tăng cường sự trao đổi qua mạng, cân bằng nhu cầu kinh doanh với mục tiêu kỳ vọng, ổn định tinh thần cho nhân viên để đội ngũ nhân viên luôn ý thức được rằng phúc lợi và sức khỏe của họ mới là ưu tiên hàng đầu.

6. Theo dõi các chỉ số, tình hình tiến triển của đại dịch và triển khai việc lập kế hoạch các kịch bản ứng phó sử dụng cả các đầu vào kinh tế và đầu vào dịch tễ học: Theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh, tham khảo các kịch bản của đại dịch ảnh hưởng lên kinh tế vĩ mô từ các cơ quan nghiên cứu, cơ quan lập chính sách để đưa ra kịch bản ứng phó linh hoạt.

7. Tính đến các khả năng sau đại dịch COVID-19: Xây dựng kế hoạch chi tiết để phục hồi kinh doanh, tái định hình giai đoạn tiếp theo, từ đó cải tổ và đổi mới theo những thay đổi.

8. Phát triển mô hình Trung tâm điều hành với 4 nhóm chức năng chéo (Bảo hộ lao động, Ổn định chuỗi cung ứng, Tương tác với khách hàng, Quản lý tài chính) để lập kế hoạch cho các giai đoạn kế sau.

Nguồn: [Link nguồn]

Công ty dược phẩm hàng đầu Mỹ từ sản xuất thuốc thành ổ dịch siêu lây nhiễm

Nhân viên của công ty dược phẩm hàng đầu nước Mỹ Biogen đã vô tình phát tán virus corona từ Massachusetts đến Indiana, Tennessee...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.V ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN