Vì sao các dự án ồ ạt xin nhận chìm chất nạo vét xuống biển?

Sự kiện: Kinh Doanh

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đua nhau xin nhận chìm chất nạo vét xuống biển, phía sau mỗi vụ xin đổ thải là vô vàn lý do tưởng như không có gì thuyết phục hơn.

Mới đây, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký công văn gửi Thủ tướng để xem xét và chỉ đạo việc cấp phép nhận chìm ở biển và giao khu vực biển cho dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Công văn của Quảng Ngãi dựa vào báo cáo của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất thì khối lượng vật chất cần nạo vét để xử lý tại khu bến cảng, vũng quay tàu và luồng tàu của dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (bao gồm cảng chuyên dùng) là 15,5 triệu m3.

Vì sao các dự án ồ ạt xin nhận chìm chất nạo vét xuống biển? - 1

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đua nhau xin nhận chìm chất nạo vét xuống biển.

Tại văn bản của tỉnh Quãng Ngãi cũng đưa ra việc “Nhà đầu tư đang gặp nhiều khó khăn trong việc đưa vào bờ để tích trữ tạm thời cũng như chưa tìm được đối tác trong nước có nhu cầu sử dụng cát nạo vét để san lấp mặt bằng; trong khi đó, việc xuất khẩu vật chất nạo vét (cát) cũng gặp nhiều khó khăn do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo dừng xuất khẩu mọi loại cát”.

Đồng thời, cũng báo cáo “Nhà đầu tư đã hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (có bổ sung nội dung nhận chìm vật chất nạo vét) và đã được Hội đồng thẩm định của Bộ Tài nguyên và Môi trường thông qua”.

Trước đó, nhiều DN cũng từng xin nhận chìm vật chất nạo vét, chất thải xuống biển.

Đầu năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã có công văn gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh Bình Thuận và Ban quản lý Khu bảo tồn Hòn Cau về việc nhận chìm khoảng 1 triệu m3 vật chất nạo vét của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3.

Theo đó, chủ dự án dự kiến nhận chìm ở khu vực vùng biển Vĩnh Tân sâu 42-48 m, trên diện tích 300 ha, cách ranh giới Khu bảo tồn Hòn Cau 6 km, cách vùng đệm bãi cạn Breda 6 km và cách vùng đệm đảo Hòn Cau 9 km về hướng Tây. Đây là vị trí đã được UBND tỉnh chấp thuận vào tháng 3/2014…

Tuy nhiên, trong văn bản trả lời Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT cũng nêu quan điểm: Vị trí để đổ vật liệu nạo vét mà tỉnh Bình Thuận đồng ý vào năm 2014 là không đảm bảo yêu cầu theo quy định của Luật Tài nguyên, Môi trường biển và hải đảo hiện hành bởi vị trí này quá gần Khu bảo tồn biển Hòn Cau, có thể gây tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái biển tại khu vực này, đặc biệt là đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau và các cơ sở sản xuất giống thủy sản.

Mới đây, Bộ TN&MT cũng đã quyết định sẽ không bàn giao khu vực biển cách bờ khoảng 10km, độ sâu khoảng 15,39m (hệ Hải đồ) cho Tổng công ty bảo đảm an toàn hàng hải nhận chìm chất thải nạo vét ở Nghệ An.

Cũng như Bộ TN&MT chưa chấp thuận cho phép nhận chìm 2,5 triệu m3 vật, chất nạo vét xuống biển trong quá trình thi công cảng than của Dự án Trung tâm điện lực Quảng Trạch, Quảng Bình.

Năm 2017, Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 đã xin đổ 1 triệu m3 xuống biển Bình Thuận nhưng vấp phải sự phản ứng quyết liệt của báo chí, các nhà khoa học và người dân nên dù được cấp phéo cũng đã phải dừng lại. Thay vào đó là sử dụng bằng phương pháp lấn biển theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trước hàng loạt doanh nghiệp đua nhau xin nhận chìm chất nạo vét xuống biển, trao đổi với PV Infonet, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Hải dương học liên Chính phủ của Việt Nam (IOC Việt Nam), nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang cho rằng:

Các doanh nghiệp đua nhau xin nhận chìm vật chất xuống biển, có lẽ không đơn thuần là vấn đề kinh tế.

Theo ông An, nếu chỉ vì vấn đề kinh tế thì khi làm dự án, chủ dự án sao không nêu vấn đề này ra, mà đến khi thông qua dự án kinh tế mới phát sinh.

“Hiện nay nở rộ các dự án ở ven biển xây các trụ khói, nạo vét sâu… là vấn đề cần nhìn nhận ở góc độ khác, nhưng đến nay vẫn chưa tập trung vào vấn đề này. Các dự án phát triển ven biển khi cần đưa các vấn đề nạo vét thì phải đưa vào nhiệm vụ của dự án xem có thỏa mãn hay không. Vấn đề dự báo của nhà nước cần tính toán xu thế nạo vét ở Việt Nam sẽ như thế nào, chỗ nào được làm, chỗ nào không được làm? Trên cơ sở đó cần có định hướng cho nạo vét như thế nào?...” ông An nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, Nhà nước cần rà soát lại các dự án xin nạo vét xem có đề xuất trong nhiệm vụ kinh tế không? Bởi nếu không đề xuất trong nhiệm vụ kinh tế rồi đột ngột đề xuất với Thủ tướng cho nhận chìm chất thải là vô lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Thư ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN