Tín dụng âm, ngân hàng vẫn lãi nghìn tỷ

Mặc dù tăng trưởng tín dụng 5 tháng đầu năm âm, nhưng kết quả kinh doanh của nhiều nhà băng vẫn đạt mức cao, ít nhất là đạt kế hoạch.

Trong khi đó, các ngân hàng cho biết, nguồn thu đóng góp vào tổng lợi nhuận chủ yếu từ hoạt động cho vay.

Lãi nghìn tỷ là chuyện thường

Tại Eximbank, tăng trưởng tín dụng 3 tháng đầu năm âm gần 7% và đến cuối tháng 4, dư nợ có phần được cải thiện, nhưng vẫn âm 5% và tháng 5 tăng trưởng đạt 2,4%. Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2012 của Eximbank cho thấy, Ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận 1.472 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ 2011. Trong khi đó, lợi nhuận từ các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, đầu tư chứng khoán, thu nhập góp vốn mua cổ phần trong quý I của ngân hàng này đều giảm mạnh so với cùng kỳ.

Tương tự, tăng trưởng tín dụng của HDBank cũng âm 5%, nhưng Ngân hàng vẫn đạt lợi nhuận 140 tỷ đồng trong quý I. Hay tại Sacombank, lợi nhuận trước thuế 5 tháng đầu năm vẫn đạt gần 1.600 tỷ đồng (chỉ tiêu cả năm là 3.400 tỷ đồng). Tại DongA Bank, lợi nhuận 4 tháng đạt 500 tỷ đồng. ACB đạt trên 1.100 tỷ đồng lợi nhuận trong quý I.

Đối với Vietcombank, vì nợ xấu Ngân hàng tăng vọt từ mức 2,03% đầu năm lên 2,87% vào cuối tháng 3, khiến lợi nhuận quý I giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước, do Vietcombank trích thêm 950 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng cho quý I. Thế nhưng, Ngân hàng vẫn đạt 1.346 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý đầu của năm 2012 này.

Trong khi đó, hoạt động cho vay, vốn được xem là mảng kinh doanh đem lại lợi nhuận chủ yếu cho các ngân hàng, lại gặp nhiều khó khăn từ đầu năm đến nay.

Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, con số lợi nhuận trên nghìn tỷ đồng trong những tháng vừa qua cũng là chuyện bình thường với các ngân hàng lớn, bởi tính trên vốn điều lệ hàng chục nghìn tỷ đồng thì mức lợi nhuận đó vẫn khá thấp.

Trong khi đó, theo PGS. TS. Trần Hoàng Ngân, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, sở dĩ tăng trưởng dư nợ của các ngân hàng âm trong thời gian qua là do nhiều nhà băng đã đẩy tín dụng tăng “ảo” vào cuối năm qua để có thêm điều kiện nhận được chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ trong năm nay. Nhờ đó, ngân hàng mới có cơ hội đạt chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Chính điều này đã khiến nợ xấu của các ngân hàng dần tăng lên.

Vẫn trông chờ tín dụng cải thiện

Các ngân hàng thừa vốn, nhưng bí đầu ra, nhất là trước xu hướng nợ xấu ngày một gia tăng. Thế nhưng, theo các ngân hàng, nguồn thu đóng góp vào tổng lợi nhuận vẫn kỳ vọng nhiều nhất vào hoạt động truyền thống, đó là cho vay. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, lợi nhuận từ hoạt động tín dụng vẫn chiếm khoảng 70% tổng lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng của Ngân hàng.

Kế hoạch lợi nhuận nhiều nhà băng đưa ra cho năm nay ở mức khá cao. Đơn cử như Vietcombank đăt mục tiêu 6.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế; ACB đặt kế hoạch 5.500 tỷ đồng; Eximbank 4.600 tỷ đồng… Ngân hàng kỳ vọng tín dụng sẽ cải thiện trong những tháng cuối năm để có điều kiện hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà ngân hàng sẽ đẩy mạnh dư nợ tín dụng bằng mọi giá. Ngược lại, trước xu hướng nợ xấu tăng, nhà băng tỏ ra thận trọng hơn trong cho vay.

Ông Phạm Trung Cang, Phó chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, hoạt động cho vay của Ngân hàng đã bị chững lại ngay từ đầu năm nay. Để hạn chế tối đa rủi ro nợ xấu, Ngân hàng chọn lọc khá kỹ đối tượng khách hàng trao vốn, dù vốn khả dụng của Ngân hàng đang dôi dư nhiều.

“Chúng tôi đã giảm lãi suất xuống dưới cả mức trần quy định, nhưng không dễ để cho vay ra. Vì tìm được khách hàng tốt trao vốn trong lúc này rất khó”, ông Cang nói.

Tín dụng âm, ngân hàng vẫn lãi nghìn tỷ - 1

Các con số lãi hàng nghìn tỷ đồng chủ yếu của các ngân hàng lớn về vốn, một phần có được từ việc mua trái phiếu chính phủ

Cứu cánh từ trái phiếu chính phủ

Bên cạnh tín dụng, lợi nhuận của ngân hàng vẫn đạt mức cao trong những tháng đầu năm được một lãnh đạo cấp cao trong ngành tài chính cho rằng, các nhà băng đã tận dụng cơ hội đầu tư vào trái phiếu khi nguồn vốn khả dụng dôi dư. Còn theo phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần tại TP. HCM, để đạt được lợi nhuận trước bối cảnh tín dụng thụt lùi, các ngân hàng chỉ còn cửa tìm kiếm nguồn thu từ hoạt động đầu tư. Trong đó, đầu tư vào chứng khoán sẵn sàng để bán thông qua hình thức M&A hoặc thâu tóm lẫn nhau giữa các nhà băng đang là cơ hội được không ít ngân hàng tranh thủ. Lãnh đạo Eximbank khẳng định, khoản đầu tư vào Sacombank chắc chắn có lợi nhuận.

Ông Mohit Mehrotra, Chuyên gia cao cấp Ban tư vấn tài chính ngân hàng, Tư vấn chiến lược và vận hành – Deloitte Consulting cho rằng, áp lực cạnh tranh về lãi suất, tăng vốn và năng lực cạnh tranh đang là những vấn đề còn tồn đọng đối với ngân hàng Việt Nam. Vì thế, với các nhà băng yếu kém, sẽ khó có thể cạnh tranh trong bối cảnh thị trường đang dần khốc liệt hơn. Theo ông Mohit Mehrotra, sự biến động của thị trường sẽ là cơ hội lớn cho các ngân hàng phát triển, nhất là khi số lượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa gia tăng. Tuy nhiên, điều đó cũng tạo ra thách thức và áp lực cho các ngân hàng Việt Nam khi thị trường có những biến động trong thời gian tới. Trong đó, có thể kể đến việc phát triển dịch vụ và nguồn thu từ phí trong hoạt động dịch vụ tài chính.

Thực tế hiện nay, nguồn thu đóng góp vào lợi nhuận của các nhà băng Việt Nam chủ yếu là từ hoạt động tín dụng và chưa thể kỳ vọng nhiều vào nguồn thu từ phí dịch vụ. Vì thế, yếu tố đòi hỏi đầu tiên đối với các ngân hàng Việt Nam chính là thực hiện việc cải tổ và tái cấu trúc lại bộ máy cũng như hoạt động của mình. Có như vậy, các nhà băng mới dần nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như gia tăng nguồn thu trong hoạt động.

“Các ngân hàng cần phải thay đổi cả quy mô và chất lượng để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng và thị trường. Điều quan trọng là các ngân hàng phải xác định được điểm mấu chốt tạo ra sự thay đổi”, ông Mohit Mehrotra cho biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thùy Vinh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN