Thú vui của giới nhà giàu: Chi hàng trăm đô phẫu thuật thẩm mỹ cho cá cảnh đắt nhất TG

Đối với những người đam mê cá rồng châu Á, chi phí nâng mắt hay độn cằm cho chúng chỉ là khoản nhỏ so với số tiền họ bỏ ra để sở hữu loài cá cảnh đắt giá này.

Eugene Ng gõ ngón tay vào tấm kính của bể cá như kẻ săn mồi vừa phát hiện mục tiêu xấu số. “Mắt của con cá này nhìn hơi ủ rũ”, Ng nói và chỉ vào con cá với những vảy lớn ánh vàng đang bơi tung tăng giữa đàn.

Vài phút sau, con cá được mang ra để nâng mắt, một thủ thuật thông thường trong công việc của Ng, bác sĩ phẫu thuật thẩm mĩ hàng đầu cho cá rồng châu Á ở Singapore. 

Thú vui của giới nhà giàu: Chi hàng trăm đô phẫu thuật thẩm mỹ cho cá cảnh đắt nhất TG - 1

Kenny Lim, người chơi cá cảnh, chỉ vào con cá rồng trong bể cá tại nhà anh ở Singapore. Ảnh: NY Times.

Sử dụng chiếc kẹp, Ng, người được khách hàng biết đến là Bác sĩ Ark theo tên gọi cửa hàng cá cảnh của anh, nhanh chóng nới một phần mô phía sau mắt cá rồi đẩy cầu mắt vào trong hốc. 

“Một số người nghĩ rằng làm vậy thật tàn nhẫn với cá. Nhưng thực sự thì tôi đang làm điều tốt bởi vì bây giờ con cá trông đẹp hơn và chủ nhân của nó sẽ yêu thích nó hơn”, Ng nói khi nâng con cá đã bị gây mê trên tay để phô ra phần mắt mới được chỉnh sửa.

Biểu tượng địa vị

Ý tưởng phẫu thuật thẩm mỹ cho cá nghe có vẻ cực đoan nhưng cá rồng châu Á không phải loài cá cảnh bình thường. Chúng được xem là một trong những loài cá cảnh đắt nhất thế giới với giá bán từ vài trăm đến hàng chục nghìn USD.

Một quan chức Trung Quốc được cho là từng mua một con cá với giá 300.000 USD (~6,8 tỷ đồng). Bởi vậy, đối với hầu hết chủ sở hữu, chi phí của một ca nâng mắt (90 USD/~2 triệu đồng) hay độn cằm (60 USD/~1,3 triệu đồng) cho cá cảnh chỉ là khoản tiền nhỏ.

Thú vui của giới nhà giàu: Chi hàng trăm đô phẫu thuật thẩm mỹ cho cá cảnh đắt nhất TG - 2

Tại Singapore, sở hữu cá rồng được cho là dấu hiệu của người có địa vị. Ảnh: NY Times.

“Ở Singapore, nếu anh có một con cá rồng, điều đó có nghĩa là anh có địa vị. Đó là dấu hiệu của sự giàu có”, Kenny Lim, một nhà sưu tầm địa phương, cho biết. Lim đã đầu tư khoảng 600.000 USD trong 8 năm để xây dựng cho mình bộ sưu tập thủy sinh bao gồm 13 con cá rồng và hơn 100 con cá đuối.

Trong khi giá các loài cá cảnh đều tăng mạnh những năm trước, cá rồng vẫn được coi là món hàng xa xỉ ở châu Á. Các thương gia Trung Quốc đặc biệt coi trọng loài cá này. Những vảy lớn óng ánh, bộ râu dài và tính cách hung hăng của chúng tương đồng với loài rồng trong truyền thuyết Trung Hoa.

Thêm vào sự hấp dẫn này là những câu chuyện được truyền tụng về cá rồng hy sinh mạng sống của mình khi nhảy khỏi bể để cảnh báo chủ nhân về những khoản đầu tư xấu hoặc những nguy hiểm tiềm ẩn khác.

Vì những lý do đó, những người say mê cá rồng gọi chúng là ông hoàng của loài cá. “Đối với người Trung Quốc, nuôi cá sẽ mang lại giàu sang, may mắn và cá rồng châu Á thì đặc biệt may mắn”, Kenny Yap, chủ tịch điều hành của Qian Hu Fish, một trong những nhà lai tạo cá rồng hàng đầu Singapore, cho biết.

“Ở phương Tây, rồng bị coi là quái vật. Nhưng trong văn hóa Trung Quốc, rồng là thần thánh”, Yap nói.

Thú vui của giới nhà giàu: Chi hàng trăm đô phẫu thuật thẩm mỹ cho cá cảnh đắt nhất TG - 3

Kenny Yap, chủ tịch điều hành của Qian Hu Fish, nhà lai tạo cá rồng hàng đầu Singapore. Ảnh: NY Times.

Nỗi ám ảnh của người Singapore

Có lẽ không nơi nào mà nỗi ám ảnh lại rõ rệt như ở đất nước nhiệt đới Singapore, trung tâm buôn bán cá cảnh toàn cầu, nơi có mạng lưới các nhà lai tạo và người chơi tôn thờ cá rồng châu Á.

“Người Singapore điên cuồng vì loài cá này”, Emily Voigt, tác giả cuốn The Dragon Behind The Glass (Tạm dịch: Con rồng sau tấm kính), cho biết. Cuốn sách kể về hành trình xuyên lục địa của tác giả để khám phá thế giới của cá rồng.

Theo Voigt, có thời điểm, cơn sốt toàn cầu đối với loài cá này điên cuồng tới nỗi có tới 4 vụ đánh cắp cá rồng xảy ra trong 1 tuần ở Singapore, nơi có tỷ lệ tội phạm rất thấp. 

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, những nhà nhân giống đã sử dụng công nghệ ADN để xác định các đặc tính nhằm tạo ra một con cá "hoàn hảo": râu thẳng, mắt sáng, vây lớn và tròn, đuôi lớn và vẩy đỏ óng ánh. Đèn neon màu hồng thường được sử dụng trong bể kính để tăng thêm ánh đỏ cho cá.

Thú vui của giới nhà giàu: Chi hàng trăm đô phẫu thuật thẩm mỹ cho cá cảnh đắt nhất TG - 4

Đuôi của con cá rồng tại nhà Kenny Lim, người đã đầu tư hơn 600.000 USD trong 8 năm để gây dựng bể thủy sinh của mình. Ảnh: NY Times.

“Nó giống như cuộc thi sắc đẹp vậy. Con cá không được béo. Trông nó phải khỏe mạnh và có cá tính. Nó phải bơi tự tin, mạnh mẽ và cứng rắn chứ không thể nhút nhát”,  Alex Chang, trưởng phòng nghiên cứu và phát triển của Qian Hu Fish, nhận xét.

Khoảng năm 2012, giá cá rồng sụt giảm mạnh do các trang trại nuôi trồng làm nguồn cung tăng vọt. Mặc dù vậy, cá rồng vẫn là xa xỉ phẩm và là niềm khao khát đối với người Singapore.

Từ thời thiếu niên, Nicholas Chia luôn mơ ước có một con cá rồng. Năm ngoái, anh cuối cùng cũng có đủ tiền để mua con cá rồng đầu tiên. Sau đó, anh đã mua thêm 5 con nữa. Hiện tại, Chia nuôi cá trong 6 bể lớn choán 1/3 diện tích phòng khách trong nhà.

“Đôi khi vợ tôi phàn nàn rằng tôi bỏ bê con cái vì cá. Tôi nghĩ có lẽ đúng thế thật”, anh thừa nhận.

Sốc: Áo dành cho thú cưng của hội nhà giàu có giá đắt ngang... biệt thự

Chiếc áo được dát vàng, đính kim cương sang chảnh và có giá lên tới gần 32 tỷ đồng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cẩm Chi (theo New York Times) ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN