Thu thuế tài sản, ngành nào chịu ảnh hưởng nhất?

Nếu đề xuất thu thuế tài sản của Bộ Tài chính được thông qua sẽ có tác động đến giá nhà do hầu hết nhà tại các thành phố lớn có giá trị trên 1 tỷ đồng. Chính sách này cũng tác động đến giá cho thuê nhà, ngành VLXD và ô tô.

Bộ Tài chính đề xuất chính sách thuế mới đối với nhà và xe ô tô nhằm tăng thu ngân sách từ thuế. Đề xuất thuế mới được xem là có phạm vi rộng hơn so với đề xuất trước đó là chỉ đánh thuế căn nhà thứ 2 trở đi.

Bộ Tài chính đang xem xét một số cách tính thuế cụ thể như sau:

Nếu thuế suất bằng 0,3% (Phương án 1) hoặc 0,4% (Phương án 2) giá trị đất. Cách tính này cao gấp 10 lần so với thuế suất áp dụng cho đất phi nông nghiệp là khoảng 0,03% hiện nay.  

Nếu thuế suất bằng 0,3% (Phương án 1) hoặc 0,4% (Phương án 2) phần giá trị căn nhà vượt mức không chịu thuế là 700 triệu đồng hoặc 1 tỷ đồng. Thuế đối với xe ô tô trị giá trên 1,5 tỷ đồng được đề xuất là 0,3% (Phương án 1) hoặc 0,4% (Phương án 2).

Về thuế áp đối với giá trị xây dựng căn nhà, Bộ Tài chính muốn phương án (1) thuế suất là 0,4% và (2) ngưỡng giá trị không chịu thuế là 700 triệu đồng. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, ngưỡng giá trị không chịu thuế nên ở mức 1 tỷ đồng vì sẽ phù hợp hơn với người dân có thu nhập thấp. Và phía HoREA đề xuất, dự thảo nếu được chấp thuận thì nên có hiệu lực sau năm 2020.

Thu thuế tài sản, ngành nào chịu ảnh hưởng nhất? - 1

Hầu hết nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có giá trị trên 1 tỷ đồng nên nếu thu thuế tài sản thì phần lớn BĐS sẽ chịu ảnh hưởng.

Theo dự thảo của Bộ Tài chính, mức thuế suất trên sẽ được áp dụng cho mọi loại nhà đất. Gồm căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh. Tuy nhiên không bao gồm đất nông nghiệp. Theo Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nếu đề xuất trên được thông qua sẽ có tác động đến giá nhà. Hầu hết nhà tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM có giá trị trên 1 tỷ đồng nên phần lớn BĐS sẽ chịu ảnh hưởng.

Chính sách này cũng tác động đến giá cho thuê nhà do chủ sở hữu sẽ chuyển một phần chi phí thuế phải nộp sang cho người thuê (hộ gia đình và doanh nghiệp) bằng cách nâng tiền cho thuê.

Theo Bộ Tài chính, đề xuất thuế mới có thể đóng góp thêm khoảng 22,7 nghìn tỷ đồng đến 31 nghìn tỷ đồng mỗi năm vào ngân sách. Với mục tiêu tổng thu ngân sách từ thuế đặt ra cho năm 2018 là 964 nghìn tỷ đồng, con số trên bằng khoảng 2,3-3%. Nói cách khác, theo đề xuất trên thuế sử dụng đất sẽ đóng góp vào ngân sách tương đương 0,45-0,6% GDP thay vì 0,036% GDP như hiện nay.

Việc mở rộng đối tượng chịu thuế sẽ là giải pháp về lâu dài để giảm thâm hụt ngân sách vì thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu thường chiếm 13-15% tổng thu ngân sách từ thuế, và nguồn thuế này đang giảm do ảnh hưởng của các hiệp định FTA đã hoặc sẽ ký kết; thu từ dầu thô đã giảm từ mức đỉnh điểm 10 năm là 19% vào năm 2012 xuống chỉ còn 4% trong tổng thu ngân sách trong dự toán ngân sách năm 2018; thu từ cổ phần hóa và thoái vốn có thể giúp bù đắp phần hụt thu từ các nguồn khác trong vài năm tới nhưng đây không phải là giải pháp lâu dài.

Trong khi đó, đánh giá về Dự thảo Luật Thuế tài sản của Bộ Tài chính, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, việc thu thuế sẽ có tác động xấu đến nền kinh tế, gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, cản trở các hoạt động đầu tư, kinh doanh mới, cũng như gây tâm lý bất mãn trong dân. Các chính sách về thuế luôn có tác động trực tiếp đến diễn biến của thị trường chứng khoán. Nếu việc Luật Thuế tài sản được thông qua, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực và các nhóm ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp có thể kể đến bất động sản, xây dựng, ô tô…

Tuy nhiên, trao đổi với PV Infonet, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng lĩnh vực BĐS và VLXD nói riêng sẽ bị ảnh hưởng, nhưng có thể khẳng định mức ảnh hưởng là không lớn.

“Từ trước đến nay chúng ta đóng phí sử dụng đất, bây giờ cải cách thuế thành thuế tài sản thì không còn phí sử dụng đất mà sẽ được tính vào thuế tài sản. Mức thuế có tăng lên một chút nhưng không đáng kể”, PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh nói. 

Theo PGS-TS. Võ Trí Hảo, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, thuế bất động sản vốn dĩ tốt đẹp bởi tính đa mục tiêu của nó:

1. Kiểm soát đầu cơ bất động sản; 

2. Giãn dân ra khỏi khu vực mật độ cao (bằng thuế cao), thu hút dân đến khu vực mật độ thấp (bằng thuế thấp, hoặc mức thuế bằng 0);

3. Hạn chế kẹt xe, tắc đường; hạn chế việc doanh nghiệp cứ bám mặt đường, xin đấu nối vào đường cao tốc, biến cao tốc thành “cao tắc” sau 5 năm; đường huyết mạch đô thị thành đường “nghẽn mạch”. Bằng cách đánh thuế các căn nhà mặt đường cao hơn các căn nhà không nằm trong khu vực kẹt xe, sẽ không gây ra áp lực lên giao thông công cộng;

4. Khuyến khích phát triển thị trường nhà cho thuê (kèm theo nhiều quy định bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...);

5. Trở thành công cụ điều tiết việc nhập cư của mỗi đô thị (muốn hút, đẩy dân cư loại nào thì thiết kế ra chính sách thuế bất động sản tương ứng).

6. 100% thuế bất động sản thuộc về nguồn thu địa phương và sử dụng tái đầu tư phát triển địa phương và chỉ cho 3 mục tiêu: phát triển hạ tầng giao thông công cộng; giáo dục; y tế.

7. Mức thuế do chính quyền địa phương (HĐND) quyết định, không cào bằng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Giang (Infonet)
Đề xuất đánh thuế nhà đất từ 700 triệu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN