Thêm chuyên gia kinh tế ủng hộ TS. Alan Phan

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội Nguyễn Đức Thành, “để BĐS rơi tự do” theo quan điểm của TS. Alan Phan không gây hậu quả lớn. Ngược lại, nó giúp phục hồi nền kinh tế nhanh hơn.

Thị trường bất động sản (BĐS) đang chờ Chính phủ giải cứu để thoát khỏi khủng hoảng thông qua gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với 43 năm hoạt động trong lĩnh vực BĐS tại Mỹ và Trung Quốc, TS. Alan Phan lại cho rằng “nên để thị trường BĐS trong nước rơi tự do”.

Quan điểm của chuyên gia BĐS Việt kiều Mỹ này làm dấy lên làn sóng phản đối của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư. Họ được coi là những người giàu và chỉ chiếm số ít trong xã hội nhưng đang nắm giữ một lượng lớn BĐSgiá cao. Đa số, các nhà đầu tư đang nợ “ngập đầu” với các ngân hàng do không có ai mua nhà. Nguy cơ phá sản đang hiện hữu vì vậy mọi tín hiệu hỗ trợ của nhà nước đều khiến giới đầu tư mong chờ.

Để thuyết phục Nhà nước hỗ trợ, họ lập luận: Thị trường BĐS là xương sống của nền kinh tế. Nếu để thị trường BĐS sụp đổ, hệ thống ngân hàng và nhiều doanh nghiệp khác cũng sụp đổ theo, tăng trưởng GDP sẽ giảm và thất nghiệp sẽ gia tăng.

Không đồng tình với lý do này, TS. Alan Phan cho rằng nếu “bơm” 30.000 tỷ đồng ra giải cứu BĐS, vô hình trung chỉ cứu được số ít nhóm người trong xã hội.

Thêm chuyên gia kinh tế ủng hộ TS. Alan Phan - 1

“Quan điểm rơi tự do của TS. Alan Phan hơi thậm xưng một chút”, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQG Hà Nội Nguyễn Đức Thành nhận xét.

Theo lý giải của ông Thành, “rơi tự do” là tiếp tục để thị trường tự điều chỉnh giá BĐS xuống, không phải rơi “bịch” xuống đất. Trong thời điểm hiện nay, “quyền lực” đang ở người mua nhà. Họ có thể mua hoặc không để chờ giá nhà xuống tiếp.

“Để thị trường điều chỉnh tự do hiện nay rất quan trọng. Sự điều chỉnh diễn ra nhanh, kết thúc càng sớm càng tốt vì sau điều chỉnh mới có phục hồi”, ông Thành nói. “Hỗ trợ hay can thiệp bản chất là kéo dài kết quả phục hồi. Nó làm kinh tế càng khó khăn mà người dân vẫn không mua được nhà”.

Tuy nhiên, theo TS Thành, thị trường BĐS rất quan trọng, để đổ vỡ hàng loạt cũng không được. Nhà nước cần có can thiệp chính sách ít nhiều để “rơi” an toàn hơn, không gây tâm lý hoảng loạn.

Nói về gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Nhà nước dành cho BĐS, ông Thành cho rằng: không có nhiều ý nghĩa. Theo vị tiến sĩ này, bất kỳ nguồn tiền từ ngân sách nào cũng là tiền của nhân dân, do nhân dân đóng góp qua các loại phí, thuế…

“Tiền của toàn bộ xã hội rộng lớn ấy lại tập trung vào hỗ trợ cho một nhóm đối tượng rất nhỏ trong khi nhóm này đã được hưởng lợi lớn trong quá khứ rồi là vô lý”, ông Thành lưu ý. “Việc sử dụng nguồn ngân sách như hiện nay là hành động tự động, tự nhiên. Nó sẽ không có ý nghĩ với thị trường mà còn xâm phạm đến sự công bằng”.

Vậy nên, theo vị này, nếu dùng 30.000 tỷ đồng đầu tư cho sản xuất kinh doanh nói chung sẽ có lợi cho đất nước và người dân hơn nhiều.

Đồng ý với TS. Alan Phan, ông Thành nhận định, nếu để thị trường tự điều tiết, BĐS sẽ cần 3 - 4 năm phục hồi.“Đó là thời gian tương đối bình thường trong hành vi của thị trường lớn và và có tính chất đặc thù như thị trường BĐS”.

 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiến Sơn ([Tên nguồn])
Vụ “thách đấu” Alan Phan và giới BĐS Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN