Thất thu thuế DN nhà nước, ngân hàng đứng đầu

Sự kiện: Kinh Doanh

Tại hội nghị tổng kết ngành Thuế hôm qua (11/1), việc thu thuế từ khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và ngân hàng được đánh giá là thê thảm do vướng nợ xấu, thua lỗ lớn.

Doanh nghiệp nhà nước lỗ, nợ xấu ngân hàng làm hụt thu ngân sách

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chỉ ra 3 nguyên nhân ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách năm 2017. Cụ thể, số lượng DNNN là trên 870 nhưng chỉ thu đạt 90%. Về thoái vốn DNNN mới đạt 5,5%. Ngoài 5 DN lỗ lớn mà Quốc hội yêu cầu báo cáo còn 7 DN đang phải xử lý. Lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu cơ quan thuế sàng lọc trong 870 DN và các DN có trên 50% vốn Nhà nước để biết lỗ bao nhiêu, trên cơ sở đó đánh giá tác động tới nguồn thu ngân sách như thế nào.

“Nhà nước phải có trách nhiệm công bố công khai các chỉ tiêu sử dụng vốn của DNNN, cơ quan thuế có phát biểu cũng đúng quy định của luật, để thấy đây là tồn tại lớn của nền kinh tế. Tôi cho rằng, năm 2017, tình trạng này vẫn tiếp tục làm suy giảm nguồn thu 5% so với năm trước và giảm 9% so với dự toán”, ông Tuấn nói.

Thất thu thuế DN nhà nước, ngân hàng đứng đầu - 1

Nguồn thu từ dầu sẽ tiếp tục giảm thêm 2.500 tỷ đồng nữa trong năm 2017 - Ảnh: PVN

Vì thế, lãnh đạo Bộ Tài chính yêu cầu ngành thuế phải tìm giải pháp khác để bù đắp lỗ hổng “chắc phải 12 đến 14 nghìn tỷ đồng”. “Ngành thuế phải chia nhau khoản thuế có nguy cơ hụt thu này từ đầu năm, mỗi đơn vị gánh bao nhiêu”, ông Tuấn yêu cầu và chia sẻ kinh nghiệm: Năm 2016, Bộ Tài chính đã giao Thanh tra Tổng cục Thuế “gánh” 1 nghìn tỷ đồng và yêu cầu tăng thu 1 nghìn tỷ đồng từ một số DN lớn. Kết quả, Thanh tra Tổng cục Thuế đã thu được 1.400 tỷ đồng, riêng DN lớn, qua thanh tra thu được gần 1.300 tỷ đồng.

Khoảng hụt thu thứ hai mà Bộ Tài chính và ngành thuế xác định là khối ngân hàng, gồm cả khối ngân hàng quốc doanh và khối ngân hàng thương mại ngoài quốc doanh. Khối ngân hàng trước đây đóng góp 8.600 tỷ đồng tiền thuế nhưng đến nay chuyển sang số thu âm. “Không ngân sách nào cấp bù số âm đó, họ phải tự bù. Nhưng không còn nguồn thu từ ngân hàng Nhà nước như mọi năm. Bởi hơn 60 ngân hàng và tổ chức tài chính đang hoạt động bình thường thì nhiệm vụ chính của họ vẫn là xử lý đống nợ xấu, tăng trích lập dự phòng”, ông Tuấn nói. Do đó, điều này sẽ tiếp tục làm giảm thu ngân sách 2017. Ngành thuế cũng xác định, phải tới năm 2019 tình trạng này mới chấm dứt. Bộ Tài chính đã giao ngành thuế phải tìm giải pháp khác bù thu.

Thu thuế dầu thô tiếp tục gặp khó

Xét theo cơ cấu, thu từ dầu thô năm 2016 mặc dù không bị “sốc” như các năm trước nhưng vẫn tiếp tục giảm. Theo số liệu báo cáo từ Tổng cục Thuế, năm 2016, số thu từ dầu thô đạt 40.168 tỷ đồng, bằng 73,7% dự toán. Cùng với thu nội địa ước đạt 844.214 tỷ đồng (bằng 111,8% dự toán, bằng 114,5% cùng kỳ) đã đóng góp vào số thu chung toàn ngành thuế quản lý cả năm 2016 là 884.399 tỷ đồng (bằng 109,3% so với dự toán pháp lệnh và bằng 109,9% so với cùng kỳ).

Năm 2017, ngành thuế được giao thu 968.580 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 38.300 tỷ đồng và thu nội địa là 930.280 tỷ đồng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho hay, năm nay giá dầu để dự tính thu 50 USD/thùng và thực tế giá dầu đang được giao dịch ở mức 53-54 USD/thùng. “Giá có thể không lo lắm nhưng lo tồn tại về tài chính của những dự án tập đoàn đang đầu tư ra nước ngoài mà chi phí cần phân bổ đang treo lại được phân bổ ngược lại với sản xuất trong nước, nên sẽ ảnh hưởng tới thu ngân sách”, ông Tuấn nói. Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho hay, vừa rồi nguồn thu từ dầu giảm 2.500 tỷ đồng và dự báo, năm 2017 sẽ tiếp tục giảm thêm 2.500 tỷ đồng nữa.

Tổng cục Thuế cho biết, năm 2016 các Cục Thuế đã đôn đốc thu hồi được 42.075 tỷ đồng tiền thuế nợ, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2015. Tổng số tiền thuế nợ toàn ngành thuế tính đến thời điểm 31/12/2016 là 72.405  tỷ đồng (không bao gồm tiền thuế nợ đã nộp ngân sách đang chờ điều chỉnh và tiền thuế nợ đang xử lý), giảm 1.489,4 tỷ đồng so với 31/12/2015. Trong đó, tiền thuế nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày là 30.404,5 tỷ đồng; các khoản phạt và tiền chậm nộp là 25.962,7 tỷ đồng; tiền thuế nợ không có khả năng thu là 16.037 tỷ đồng.

Năm 2016, toàn ngành thanh tra, kiểm tra được 84.472 doanh nghiệp với tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 17.164 tỷ đồng; số tiền thuế nộp vào ngân sách là 11.907 tỷ đồng. Riêng thanh tra chống chuyển giá đã thực hiện đối với 329 doanh nghiệp truy thu, truy hoàn và phạt 607,52 tỷ đồng, giảm lỗ 5.162,21 tỷ đồng; Cơ quan thuế đã chuyển sang cơ quan công an hồ sơ của 2.776 vụ việc; cơ quan Công an đã xử lý hình sự 23 vụ, kiến nghị thu hồi 1.159 tỷ đồng, bắt giữ, tạm giữ 20 đối tượng có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm pháp luật về thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn (Báo Giao thông)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN