Thành công đáng nể của cô bé 13 tuổi đã là chủ của doanh nghiệp triệu đô

Cô bé này từng gọi vốn thành công từ các nhà đầu tư của Shank Tank từ khi mới 9 tuổi.

Mikaila Ulmer, 13 tuổi, là người sáng lập kiêm CEO của công ty Me & the Bees Lemonade. Khi mới lên 9, cô bé đã gây kinh ngạc cho rất nhiều người khi kêu gọi thành công khoản đầu tư lên tới 60.000 USD từ “cá mập” Daymond John trong chương trình truyền hình thực tế Shark Tank.

Thành công đáng nể của cô bé 13 tuổi đã là chủ của doanh nghiệp triệu đô - 1

Mikaila Ulmer, doanh nhân 13 tuổi

Mới đây, Ulmer đã được tạp chí Time vinh danh trong danh sách những thiếu niên có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2017. Cô bé cũng đang ấp ủ kế hoạch xuất bản một cuốn sách chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp dành cho trẻ em. Chia sẻ với hãng tin CNBC, Ulmer nói: “Cháu có rất nhiều mục tiêu lớn, nhưng như cha cháu đã dạy, quan trọng nhất là bước từng bước một cách chắc chắn”.

Thành công đáng nể của cô bé 13 tuổi đã là chủ của doanh nghiệp triệu đô - 2

Ulmer diện kiến cựu Tổng thống Obama

Me & the Bees Lemonade là thương hiệu nước chanh giúp Ulmer trở thành triệu phú đô la khi mới 13 tuổi. Ý tưởng kinh doanh của cô bé nhen nhóm từ năm 4 tuổi. Cho tới nay, sau 9 năm kinh doanh, Me & the Bees Lemonade đặt trụ sở tại Austin, Texas đã thu hút được sự quan tâm của cả nước Mỹ.

Thành công đáng nể của cô bé 13 tuổi đã là chủ của doanh nghiệp triệu đô - 3

Ulmer trong chương trình truyền hình thực tế Shank Tank

Vài năm trước, cô bé từng có cơ hội diện kiến cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. Tháng 7 vừa qua, một tổ chức doanh nhân đã đầu tư 810.000 USD vào công ty của Ulmer.

Chia sẻ về thành công của mình, Ulmer cho biết, cô bé đã học được khá nhiều điều từ sau khi xuất hiện trên Shank Tank. Trong đó, điều quan trọng nhất mà Ulmer luôn khắc ghi đó là phải tìm được đối tác tốt, người dẫn đường tốt để khởi nghiệp vì việc bắt đầu kinh doanh 1 mình thực sự vô cùng khó khăn.

Thành công đáng nể của cô bé 13 tuổi đã là chủ của doanh nghiệp triệu đô - 4

Ulmer tự làm nước chanh mật ong từ năm 4 tuổi

Ulmer cho hay, cô bé không được chiều chuộng như các bạn đồng trang lứa. Nếu muốn cha mẹ muacho thứ gì đó, Ulmer phải làm một việc gì đó tương đương. Ví dụ muốn mua đồ chơi thì cô bé phải bán nước chanh trong hội chợ hoặc làm việc nhà để lấy tiền tự mua. Cha mẹ Ulmer khá nghiêm khắc với con.Cách dạy này ảnh hưởng khá nhiều tới suy nghĩ của cô bé hiện tại. Trong cuộc sống hay kinh doanh, Ulmer đều cho rằng, bản thân phải cố gắng hết sức thì mới đạt được mục tiêu như mong đợi.

Khởi nghiệp từ khi quá trẻ cũng mang đến nhiều thách thức cho Ulmer. Rất nhiều nhà đầu tư cảm thấy không thoải mái khi làm việc với một đứa trẻ. Họ thường khuyên Ulmer chú tâm học hành thay vì tập tành buôn bán. Việc cân bằng giữa lịch học, lịch làm việc và vui chơi cũng là khó khăn không nhỏ đối với cô bé. Ulmer vừa phải hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ của một học sinh như đi học đầy đủ, làm bài tập về nhà, vừa muốn vui chơi hay ngủ nướng như bao đứa trẻ khác. Tuy vậy mọi việc thật khó để cân bằng khi cô bé đang là chủ của cả một công ty.

Thành công đáng nể của cô bé 13 tuổi đã là chủ của doanh nghiệp triệu đô - 5

Nói về quá trình khởi nghiệp của mình, Mikaila Ulmer đưa ra 3 lời khuyên dành cho những người đang muốn start-up để kiếm tìm thành công:

1. Hãy bắt đầu từ sự đam mê

Mikaila Ulmer nói: “Đam mê nhiều khi còn quan trọng hơn những việc bạn làm, nó mang lại niềm hứng khởi cả trong và sau khi làm việc, có đam mê sẽ giúp bạn và công ty dễ dàng vươn tới thành công hơn. Đó là lí do tại sao trong kinh doanh, điều quan trọng mà mọi người thành công hướng tới không chỉ là kiếm được thật nhiều tiền mà còn là tìm thấy niềm vui trong công việc”.

2. Tin rằng bạn không hề cô đơn

“Rất nhiều người nghĩ rằng họ phải làm tất cả mọi việc một mình nên trong lúc khó khăn, họ không đề nghị được giúp đỡ. Điều quan trọng trong kinh doanh là đề nghị sự giúp đỡ và hợp tác từ mọi người. Hãy tin rằng, đằng sau bạn luôn có rất nhiều người sãn sàng dang tay ra lúc bạn gặp chuyện, vì thế, đừng sợ khởi nghiệp”.

3. Suy nghĩ như một đứa trẻ

“Giấc mơ lớn, hãy mơ những giấc mơ lớn nhưng cũng đừng quên ước mơ như một đứa trẻ. Khi trẻ con có một giấc mơ, chúng sẽ luôn muốn biến nó thành sự thật bằng mọi cách. Chúng không thấy bất cứ trở ngại nào ngáng đường và chỉ biết cố gắng hết mình để thực hiện mà không lo lắng quá nhiều. Đôi khi, bạn cần suy nghĩ và ước mơ như những đứa trẻ để có thể thiết lập mục tiêu lớn cho doanh nghiệp của mình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bình Nguyễn (Theo CNBC) ([Tên nguồn])
Doanh nhân và 1001 cách làm giàu Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN