Sao không bảo vệ người mua nhà của DN nợ thuế thay vì khuyến cáo?!

“Thay vì khuyến cáo người dân không nên mua nhà của doanh nghiệp (DN) nợ thuế đất, cơ quan Nhà nước hãy sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của người mua nhà…”.

Đây là phát biểu của ông Đặng Hùng Võ-nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sau khi lãnh đạo cơ quan thuế Hà Nội khuyến cáo người dân không nên mua nhà của DN nợ tiền thuế đất.

Người mua nhà gặp khó

Trao đổi với báo chí tại cuộc thông tin báo chí của Thành ủy Hà Nội mới đây, ông Thái Dũng Tiến-Phó Cục trưởng Cục Thuế thành phố Hà Nội cho biết, sau khi công khai danh tính các DN-chủ yếu là các DN bất động sản chây ỳ nợ thuế, trong 6 tháng đầu năm nay, Cục Thuế Hà Nội đã thu nợ được hơn 6.300 tỷ đồng (nợ thuế phí hơn 4.600 tỷ đồng, 1.700 tỷ đồng nợ liên quan đến đất).

Sao không bảo vệ người mua nhà của DN nợ thuế thay vì khuyến cáo?! - 1

Tòa nhà Diamond Flower của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) đang nợ tiền thuế lên tới 115,9 tỷ đồng nhưng vẫn rao bán rầm rộ

Cục Thuế vẫn sẽ tiếp tục nêu tên những DN nợ thuế, đặc biệt là đối với DN bất động sản triển khai dự án nhưng vẫn nợ. Hiện Cục Thuế đang phân loại, tập trung xử lý những DN được nhà nước ưu đãi nhưng lại không nộp hoặc đã triển khai dự án, đã huy động tiền và có dòng tiền luân chuyển mà lại nợ tiền sử dụng đất.

Đặc biệt, ông Tiến khuyến cáo người dân không nên mua nhà của DN nợ tiền sử dụng đất để tránh bị ảnh hưởng đến quyền lợi.

Thực tế thời gian qua, theo danh sách của thành phố công bố đã có hàng loạt dự án nợ nhiều tiền thuế sử dụng đất. Trong đó điển hình là các dự án khu tổ hợp chung cư cao tầng, biệt thự tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai của Công ty Cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu với số tiền nợ hơn 322 tỷ đồng.

Khu chung cư cao tầng và Dịch vụ Phương Đông 62 Nguyễn Huy Tưởng của Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Mỹ Sơn nợ hơn 76 tỷ đồng. Dự án tổ hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và nhà ở Thành An - 21 Lê Văn Lương của Tổng công ty Thành An nợ 143 tỷ đồng.

Tòa nhà hỗn hợp nhà ở kết hợp dịch vụ thương mại và văn phòng (hay còn gọi là Sapphire Palace) của Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh Bất động sản Hà Nội Sông Hồng nợ 10,5 tỷ đồng...  Đặc biệt là Tòa nhà Diamond Flower của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội (Handico 6) đang nợ tiền thuế lên tới 115,9 tỷ đồng nhưng vẫn rao bán rầm rộ…

Cục Thuế Hà Nội khẳng định: Với những dự án bất động sản nợ đọng tiền thuế sử dụng đất, khi người dân mua nhà của các dự án này sẽ rất khó khăn trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thậm chí, khi UBND thành phố có cơ chế thu hồi dự án của những DN không nộp tiền sử dụng đất theo kiến nghị của Cục thuế thì người dân sẽ càng khó khăn để bảo đảm quyền lợi.

Cần “xử” mạnh tay

Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, GS. Đặng Hùng Võ-nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường cho biết, chúng ta đã có chủ trương khi người mua nhà hoàn thành hết các nghĩa vụ tài chính với DN bất động sản và được bàn giao nhà thì người mua nhà vẫn được cấp sổ đỏ. “Việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà là quan hệ giữa chính quyền với người dân còn việc chủ đầu tư dự án bất động sản đó nợ tiền thuế là quan hệ giữa chính quyền với DN, hai việc này hoàn toàn khác nhau”-ông Võ nói.

Điều này cũng có nghĩa về nguyên tắc luật pháp, DN bất động sản nợ thuế không ảnh hưởng gì đến việc cấp sổ đỏ của người dân mua nhà. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nơi lại giao cho chủ đầu tư các dự án bất động sản làm sổ đỏ nhưng DN lại chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài chính (tức nợ thuế) thì đã vi phạm các quy định của pháp luật, và như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc làm sổ đỏ cho người dân đã mua nhà của dự án đó.

Trong trường hợp người dân đã mua nhà của các dự án bất động sản còn nợ đọng thuế, ông Võ khuyến nghị người dân nên trực tiếp đi làm sổ đỏ cho mình. Muốn làm được, cái khó là người mua nhà phải thanh lý được hợp đồng với chủ đầu tư sau khi đã hoàn tất hết các nghĩa vụ tài chính. Bởi nếu nhà đầu tư không chịu xác nhận việc thanh lý hợp đồng đó thì người dân khó có thể tự đi làm sổ đỏ.

Hiện đã có không ít người mua nhà tại các dự án bất động sản đang có nợ thuế không nắm được các thông tin liên quan đến quyền lợi của mình. Người mua nhà thường chỉ quan tâm đến tiến độ của các dự án, nộp tiền cho chủ đầu tư chờ bàn giao nhà hoặc đã được bàn giao và về ở nhưng vẫn chưa làm sổ đỏ.

Ông Võ khuyến cáo, nếu người dân đã làm hết nghĩa vụ tài chính với chủ đầu tư bất động sản mà chủ đầu tư không chịu làm giấy xác nhận cho mình thì có thể khởi kiện ra tòa. Bởi phải có giấy xác nhận này người dân mới có thể tự trực tiếp đi làm sổ đỏ cho mình.

Quan điểm của ông Võ là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải xem xét để có giải pháp xử lý “mạnh tay” với các chủ đầu tư bất động sản có nợ thuế. DN vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó, nếu vi phạm hành chính thì phải xử lý hành chính, vi phạm hình sự thì phải xử lý hình sự.

“Tôi đánh giá cao ngành thuế đã minh bạch hơn trong việc cung cấp thông tin khi công khai danh tính các DN bất động sản nợ thuế cho cả xã hội biết nhưng chỉ cấp thông tin như thế thôi chưa đủ mà phải có giải pháp xử lý. Bởi nhiều DN đang cố tình chây ì không nộp thuế trong khi đã thu hết tiền của người dân mua nhà, thậm chí đã giao nhà cho người mua”-ông Võ chia sẻ.

Theo vị nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, ở các nước hành vi nợ thuế là tội rất nghiêm trọng. Tại sao tại Việt Nam, DN lù lù như vậy, nợ hàng trăm tỷ đồng tiền thuế nhưng lại không bị sao cả!?

“Thay vì cơ quan Nhà nước kêu khó thu hồi nợ quá thì hãy sử dụng các công cụ pháp lý một cách hữu hiệu để giảm thiểu và triệt tiêu hành vi nợ thuế của DN. Với các DN đã được gia hạn thời gian nộp thuế mà vẫn không nộp có nghĩa DN đó có ý đồ trốn thuế, cần phải được xử lý mạnh hơn để khuyến khích và đảm bảo quyền lợi của các DN làm ăn đúng đắn, từ đó đảm bảo quyền lợi của người dân, cũng là người tiêu dùng, khách hàng”-ông Võ khẳng định.

Theo Điều 42, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15.5.2014 của Chính phủ, những dự án chung cư chưa nộp tiền sử dụng đất sẽ không được phép bán căn hộ cho khách hàng. Chính phủ quy định: Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở phải bảo đảm các điều kiện trong đó quan trọng nhất là chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có). Theo lãnh đạo Cục Thuế Hà Nội, việc chủ đầu tư nợ tiền sử dụng đất, nghĩa là chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến người mua nhà. Nhất là khi làm thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở, người mua nhà sẽ gặp phải nhiều khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mai Hương ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN