Rủi ro chực chờ khi ngân hàng ồ ạt tăng vốn
Dù đã có lộ trình nhưng gần đến hạn đáp ứng chuẩn Basel 2, các ngân hàng mới ồ ạt tìm cách tăng vốn...
Dù đã có lộ trình nhưng gần đến hạn đáp ứng chuẩn Basel 2 (Hiệp ước về vốn Basel 2 yêu cầu các ngân hàng trên thế giới tuân thủ), các ngân hàng mới ồ ạt tìm cách tăng vốn, hàng tỷ cổ phiếu được cung ra thị trường. Điều này ẩn chứa nhiều rủi ro với cả thị trường và nhà đầu tư.
PGBank là một trong 10 ngân hàng được NHNN chấp thuận tăng vốn điều lệ từ đầu năm đến nay - Ảnh: K.Linh
Ồ ạt phát hành cổ phiếu
Cách đây ít ngày, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho VietBank tăng vốn điều lệ từ 3.249 tỷ đồng lên 4.256,19 tỷ đồng (tăng 31%) thông qua việc phát hành 100.719.000 cổ phiếu (CP) cho cổ đông hiện hữu (90.972.000 CP) và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (9.747.000 CP), thực hiện trong nửa cuối năm nay, giá 10.000 đồng/CP. Lãnh đạo VietBank khẳng định, việc tăng vốn điều lệ năm 2018 là cần thiết nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng theo quy định Basel 2 và yêu cầu về vốn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư ngân hàng số, mở rộng mạng lưới…
Trên thực tế, việc tăng vốn để đáp ứng yêu cầu của Basel 2 đã hết sức cấp bách đối với cả hệ thống ngân hàng (NH) bởi các đơn vị chỉ còn 2 năm nữa để hoàn tất theo lộ trình. Nhưng theo con số mới nhất được công bố hồi tháng 2/2018, tổng tài sản của hệ thống tổ chức tín dụng bất ngờ giảm 70.000 tỷ đồng so với đầu năm, xuống còn 9,93 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) của các NHTM Việt cũng giảm mạnh 0,25% so với cuối năm 2017 xuống còn 11,98%; Trong đó, CAR của khối NHTM quốc doanh giảm 0,16% xuống 9,36%; khối NHTM cổ phần giảm 0,44% xuống 11,03%. Trong khi đó, nếu tính theo Basel II thì CAR phải đạt 12,6%. Chính vì thế, trong mùa đại hội cổ đông quý II vừa qua có 19/34 NH thông qua kết hoạch tăng vốn.
Theo thống kê của Báo Giao thông, từ đầu năm đến ngày 12/9, NHNN đã chấp thuận cho 10 ngân hàng tăng vốn điều lệ, trong đó có 6 ngân hàng trong nước như: HDBank, PGBank, MB, OCB… và 4 ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như Ngân hàng NongHyup - Chi nhánh Hà Nội (từ 35 triệu USD lên 80 triệu USD); Ngân hàng Bank of China (Hong Kong) Limited - Chi nhánh TP Hồ Chí Minh (BOC HCM) tăng vốn được cấp từ 80 triệu USD lên 100 triệu USD, Ngân hàng KEB Hana - Chi nhánh TPHCM tăng vốn từ 35 triệu USD lên 70 triệu USD…
Thị trường chứng khoán có “bội thực”?
Dự kiến với 19 NH đồng loạt tăng vốn, tổng số vốn khoảng gần 65.000 tỷ đồng. Bên cạnh các phương thức: Phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho người lao động, phát hành cổ phiếu trả cổ tức… một lượng cổ phiếu khổng lồ sẽ được tung ra thị trường. Điều này làm dấy lên lo ngại kịch bản cũ của giai đoạn 2008-2010 lặp lại khi hệ thống NH phải tăng vốn đáp ứng chuẩn Basel 1 tác động tới thị trường chứng khoán: Nhà đầu tư bị quá tải; giá cổ phiếu bị pha loãng; các chỉ số như tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản có bình quân (ROA), tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) giảm mạnh. Đó là chưa kể tới hàng loạt hệ lụy như sở hữu chéo, nợ xấu… mà ngành ngân hàng lao tâm giải quyết tới nay vẫn chưa xong.
Tiêu chuẩn Basel II quy định tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro (như Basel I). Tuy nhiên, rủi ro được tính toán theo 3 yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt gồm: Rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động), rủi ro thị trường và trọng số rủi ro bao gồm nhiều mức, từ 0% đến 150% hoặc hơn. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành nhiều văn bản luật và quy định theo định hướng Basel II, cũng như lộ trình triển khai tuân thủ. Như Thông tư số 13/2010/TT-NHNN quy định tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu 9%; Thông tư 36/2014/TT-NHNN (có hiệu lực từ 1/2/2015) quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu; giới hạn, hạn chế cấp tín dụng; tỷ lệ khả năng chi trả; tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn; giới hạn góp vốn, mua cổ phần; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi... |
Đơn cử như VietBank, nếu ngân hàng này phát hành thành công hơn 100 triệu CP, họ đã dự tính ROE giảm từ 8,21% năm 2017 còn khoảng 6,% năm 2018; ROA cũng giảm từ 0,67% 2017 còn 0,5%. Thậm chí, lãnh đạo NH này cũng đã dự phòng con số thấp hơn hơn rất nhiều.
Một số NH có sự chuẩn bị từ trước như Kien Long Bank cũng đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng lên 3.236,96 tỷ đồng. Bên cạnh huy động thêm từ cổ đông hiện hữu và cán bộ công nhân viên, NH dùng nguồn vốn từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến cuối năm 2017 và từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tích lũy được.
Tương tự, nhiều NH nhỏ đều có thuận lợi khi tăng vốn như: ACB, VPBank, MB, Techcombank, VIB, Maritime Bank... Còn các NH quốc doanh, nhu cầu vốn lớn nhưng lại không có tích luỹ. Năm ngoái, câu chuyện cổ tức của ba ngân hàng là Vietcombank, Vietinbank và BIDV đã dấy lên lo ngại về quá trình tăng vốn khi cổ đông nhà nước kiên quyết muốn chia cổ tức bằng tiền mặt trong bối cảnh ngân sách khó khăn. Năm nay, rất có thể ba ngân hàng này cũng không được giữ lại lợi nhuận để tăng vốn khi Vietcombank đã công bố lịch trả cổ tức bằng tiền mặt.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, việc cung hàng ồ ạt trong giai đoạn này sẽ tác động tới thị trường chứng khoán dù các NH có thuận lợi là kết quả kinh doanh năm nay đã khá hơn, nợ xấu đã “đẹp” hơn. Tuy nhiên, ông Hiếu nhận định giá cổ phiếu NH hiện đang ở mức cao. Trong khi đó, nhà đầu tư lại có nhiều kênh đầu tư khác sinh lời tốt và vốn nước ngoài chủ yếu là vốn nóng nên có thể rút bất cứ lúc nào.
Ông Hiếu phân tích thêm, hệ số tín nhiệm của cả hệ thống NH Việt Nam trên thị trường thế giới được cả ba định chế định giá tín nhiệm uy tín là Moody’s, Standard & Poors và Ficth đánh giá ở mức thấp. Do đó, nếu các NH phát hành cổ phiếu hay trái phiếu ra nước ngoài thì tỷ lệ thành công sẽ rất thấp.