Những tỷ phú"bốc hơi" trên sàn chứng khoán Trung Quốc

Những đợt xuống đáy của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã khiến cho tỷ phú giàu nhất Trung Quốc Lý Hà Quân trở thành đại gia thiệt hại thê thảm nhất Trung Quốc năm 2015 với 249,6 tỷ nhân dân tệ (tương đương 875 ngàn tỷ VND) bốc hơi.

Tháng 5/2015, Lý Hà Quân, ông chủ và là người nắm giữ hầu hết cổ phiếu của Tập đoàn sản xuất điện mặt trời Hán Năng (Hanergy Holding Group) vượt mặt ông chủ Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba Mã Vân và một loạt đại gia khác, trở thành người giàu nhất Trung Quốc. Vậy mà đến cuối tháng 12/2015, số lượng cổ phiếu của ông Quân trên thị trường chứng khoán Hông Kông giảm đến chóng mặt khiến tài sản của ông bị bay hơi 249,6 tỷ NDT.

Những tỷ phú"bốc hơi" trên sàn chứng khoán Trung Quốc - 1

Tỷ phú Lý Hà Quân.

Lý Hà Quân sinh tháng 8/1967 tại Hà Nguyên, Quảng Đông, Phó Chủ tịch Hội Công thương Trung Quốc, Ủy viên Chính Hiệp toàn quốc, Hội trưởng Thương hội Năng lượng từng được coi là một trong những doanh nhân thành đạt nhất Trung Quốc. Năm 1994 ông sáng lập công ty Hán Năng - lập một nhà máy năng lượng sạch ở Bắc Kinh với tôn chỉ “Dùng năng lượng sạch thay đổi thế giới”.

Năm 2013 Hán Năng trở thành công ty sản xuất cung ứng tấm pin năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới, các tấm pin của họ có hiệu suất chuyển đổi 15,7%, cao nhất thế giới. Hán Năng đầu tư thành lập các nhà máy sản xuất điện mặt trời cổng công suất tới 3 triệu KW tại Quảng Đông, Tứ Xuyên; ngoài ra, các nhà máy thủy điện của họ cũng có công suất hơn 6 triệu KW. Từ năm 2002, Hán Năng bắt đầu xây dựng nhà máy phong điện Hạ Lan Sơn, đến 2013 đã lắp đặt 31 tổ máy. Hán Năng trở thành công ty tư nhân sử dụng năng lượng sạch phát điện lớn nhất Trung Quốc và nhà sản xuất tấm pin mặt trời lớn nhất thế giới.

Những thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất năng lượng sạch đã đưa Lý Hà Quân đã trở thành tấm gương điển hình dám nghĩ dám làm và thành công với các loại giải thưởng và các danh hiệu vinh dự. Cuốn sách “Trung Quốc dẫn đầu - Cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba ở Trung Quốc” đã trở thành tác phẩm bán chạy nhất năm 2013 theo bình chọn của “Tân Kinh báo” Bắc Kinh.

Ngày 16/10/2013, ông chủ Lý Hà Quân của tập đoàn Hán Năng lần đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú Trung Quốc của “Forbes”, xếp thứ 4 với tài sản cố định 66,5 tỷ NDT. Ngày 23/9/2014, trong Bảng xếp hạng 100 người giàu nhất Trung Quốc (Hurun Rich List 2014), Lý Hà Quân đứng thứ 3 với 125 tỷ NDT. Nếu cộng cả tài sản trên lĩnh vực thủy điện, phong điện, Lý Hà Quân đã có tổng tài sản trên 200 tỷ tệ, trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Số tài sản của tỷ phú Lý Hà Quân thể hiện qua sở hữu cổ phiếu Hán Năng đã từ 255,2 tỷ NDT giảm xuống chỉ còn 5,6 tỷ NDT, sau 9 tháng đã “bốc hơi” 249,6 tỷ tệ - một con số kinh hoàng.

Các nhà phân tích thị trường chứng khoán cho biết, nếu tính theo giá 0,18 tệ/cổ phiếu thì ở thời điểm cuối tháng 12/2015, tổng giá trị trên thị trường của công ty sản xuất tấm pin mặt trời Hán Năng chỉ còn 7,5 tỷ NDT, tức là 2,2% thời điểm cao nhất, cũng tức là đã mất đi 97,8%; số tài sản của ông Quân thể hiện qua sở hữu cổ phiếu Hán Năng đã từ 255,2 tỷ NDT giảm xuống chỉ còn 5,6 tỷ NDT, sau 9 tháng đã “bốc hơi” 249,6 tỷ tệ - một con số kinh hoàng.

Sự mất giá của cổ phiếu Công ty sản xuất tấm pin mặt trời Hán Năng trên thị trường chứng khoán kéo theo sự sụt giảm, thất bát trong kinh doanh sản phẩm tấm pin mặt trời phát điện. Báo cáo tình hình kinh doanh trung kỳ do công ty công bố tháng 9/2015 cho thấy, 6 tháng đầu năm, công ty thua lỗ 803,1 triệu HKD, trong khi cùng kỳ năm 2014 lãi 1 tỷ 608 triệu HKD. Ngày 2/12, Hán Năng thông báo, 2 hợp đồng đặt mua tấm pin phát điện ký với đối tác bị vô hiệu. Dư luận cho rằng, hai hợp đồng bán hàng này thất bại do Hán Năng không có vốn đầu tư.

Những tỷ phú"bốc hơi" trên sàn chứng khoán Trung Quốc - 2

Tỷ phú Phan Tô Thông.

Lý Hà Quân chỉ là một trường hợp điển hình trong số hàng chục tỷ phú Trung Quốc lên đời và cũng rơi xuống rất nhanh nhờ chứng khoán. Một người khác là tỷ phú Hồng Kông Phan Tô Thông, ông chủ của Tập đoàn địa ốc Cao Ngân (Goldin Group). Đầu năm 2015, Phan Tô Thông mới có 3,7 tỷ USD, nhưng giá cổ phiếu Goldin tăng vọt đã khiến tài sản của ông vọt lên tới 25 tỷ USD vào cuối tháng 5, nhưng cơn bão chứng khoán từ cuối tháng 6 kéo theo sự lao dốc của cổ phiếu mà ông sở hữu khiến tài sản của Phan Tô Thông lại quay về mức 4 tỷ.

Những tỷ phú"bốc hơi" trên sàn chứng khoán Trung Quốc - 3

Nữ tỷ phú Chu Quần Phi.

Một trường hợp khác là nữ tỷ phú Chu Quần Phi, nữ doanh nhân trẻ sinh năm 1970, người từng được ca ngợi là tấm gương phấn đấu “từ một người làm thuê trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc”. Theo báo chí Trung Quốc ngày 10/7, bà chủ 45 tuổi của hãng Lens chuyên sản xuất mặt kính đồng hồ, mặt cảm ứng smartphone, laptop, PC… này đã mất đứt 42,4 tỷ tệ (trên 148 ngàn tỷ VNĐ) chỉ sau hơn 1 tháng.

Các tư liệu chính thức của Trung Quốc cho thấy, người phụ nữ làm thuê từ năm 15 tuổi, sau trở thành Chủ tịch Tập đoàn Lam Tư (tên tiếng Anh là Lens) nắm trong tay 592 triệu cổ phần, chiếm 87,96% tổng số cổ phiếu của Lens. Cổ phiếu của công ty này lúc mới lên sàn giá 22,99 tệ, sau đó liên tục tăng. Ngày 2/6, khi đóng cửa phiêngiao dịch, giá cổ phiếu của họ ở đỉnh 151,59 tệ, tăng 559% so với ban đầu, đưa số tài sản của Chu Quần Phi vượt qua Dương Tuệ Nghiên để thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc với tổng tài sản 46,6 tỷ tệ (Dương Tuệ Nghiên 44 tỷ tệ, Trần Lệ Hoa đứng thứ 3 với 40 tỷ tệ).

Tuy nhiên sau đó, cổ phiếu Lens bắt đầu lao dốc. Đến ngày 9/7, giá chỉ còn 74,3 tệ trước khi ngừng giao dịch, giảm 51%. Kết thúc đợt “bão chứng khoán” và mấy đợt đồng Nhân dân tệ giảm giá, tổng số tài sản của Chu Quần Phi đã giảm từ 13,9 tỷ USD xuống còn khoảng 7 tỷ, mất đứt một nửa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Thủy (Tiền Phong)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN