Những dự án ODA sai phạm tiền tỷ

Một thực tế đáng buồn đang diễn ra tại Việt Nam là việc nguồn vốn tại các dự án ODA đang được sử dụng một cách hoang phí, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng.

Được biết, trong 15 năm qua, Việt Nam đã nhận đến 30 tỷ đô la từ nguồn vốn ODA để thực hiện hàng ngàn dự án phát triển cơ sở hạ tầng như sân bay, cảng biển, hệ thống điện, kể cả xóa đói giảm nghèo, cải thiện môi trường, môi sinh. Trong đó, nguồn vốn không hoàn lại được cho là chỉ chiếm 3-5% số tiền nói trên.

Thực tế ODA tại Việt Nam như vậy nhưng việc sử dụng nguồn vốn ODA tại Việt Nam lại cho thấy những sự lãng phí quá mức.Còn nhớ, vụ PMU18 vào năm 2006, một trong những dự án liên quan đến nguồn vốn ODA đã gây chấn động dư luận một thời gian dài bởi mức độ nghiêm trọng của nó.

Theo đó, trưởng ban PMU18 là Bùi Tiến Dũng thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã dùng tiền dự án vào việc ăn chơi. Sau một thời gian dài điều tra, thu thập chứng cứ, Bùi Tiến Dũng và những kẻ tham ô trong dự án này cuối cùng đã phải ra chịu tội trước vành móng ngựa.

Vào năm 2011, Huỳnh Ngọc Sĩ - giám đốc ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây bị kết án 20 năm tù do nhận hối lộ 262.000 USD từ các nhà thầu Nhật Bản. Một câu chuyện khiến không ít người dân nghi ngờ về các dự án ODA.

Những dự án ODA sai phạm tiền tỷ - 1

Ảnh minh họa

Mới đây, vào năm 2012 chính Bộ Ngoại giao Đan Mạch đã không ngần ngại tuyên bố ngừng 3/4 dự án ODA tài trợ cho Việt Nam do nghi ngờ một số cơ quan đơn vị sử dụng chi sai khoảng 11,4 tỉ đồng trên tổng số tiền 69 tỉ đồng do Đan Mạch tài trợ, tức là tương đương khoảng 19,9 triệu cua-ron.

Bên cạnh các dự án lớn liên quan đến nguồn vốn ODA nói trên, còn rất nhiều các dự án nhỏ nhiều người không biết hoặc không được công bố.

Liên quan đến dự án xây dựng cầu Thanh Trì và đoạn tuyến Nam vành đai III Hà Nội do bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư trên 5.635 tỷ đồng (chủ yếu vay vốn ODA từ JBIC-Nhật Bản), Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã đưa ra nhiều kết luận gây sốc.

Theo TTCP, giá thành xây lắp của dự án bị đội lên quá cao so với mặt bằng chung của Việt Nam từ 30-40%. Tại dự án này, cơ quan chức năng xác định: ban quản lý dự án (PMU Thăng Long) thanh toán, hạch toán một số khoản tiền không đúng như thanh toán sai đơn giá tại gói thầu số 3 gần 1,76 tỷ đồng; thanh toán trùng lắp khối lượng tại gói thầu 3 A trên 2,4 tỷ đồng; chi phí, hạch toán một khoản chi lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án chưa đúng quy định số tiền trên 3,6 tỷ đồng...

Cơ quan thanh tra còn cho rằng, tổng mức đầu tư thiếu chính xác, lớn hơn thực tế về khối lượng, giá trị tại các gói thầu xây lắp chính với tổng giá trị lên tới trên 1.010 tỷ đồng.

Theo kết luận của các chuyên gia thì sai phạm tại các dự án ODA Việt Nam chủ yếu xoay quanh việc kê khai sai, kê khai khống giá trị, quyết toán sai, quyết toán trùng chi phí, làm giả hóa đơn, chứng từ để rút tiền dự án…

Ngoài ra, một điểm rất được dư luận quan tâm về các dự án ODA Việt Nam là việc hầu hết các sai phạm tại các dự án này đều do người dân và các cơ quan báo chí phát hiện, ít hoặc thậm chí không có việc cơ quan Nhà nước phát hiện ra những sai phạm tại các dự án ODA

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phan An (Người đưa tin)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN