Vốn ODA chạm ngưỡng 80 tỷ USD

Sau 20 năm, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết hỗ trợ Việt Nam khoản vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lên tới gần 80 tỷ USD. Khoản tiền quan trọng này được ví như “chất xúc tác” góp phần làm thay đổi bộ mặt đất nước.

Thông tin trên được lãnh đạo Bộ KH&ĐT công bố tại hội thảo quốc tế về hợp tác phát triển Việt Nam - Hàn Quốc, diễn ra tại Hà Nội hôm qua (12/9). Theo ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Quan hệ Kinh tế Đối ngoại (Bộ KH&ĐT), hiện, tại Việt Nam có tới 51 nhà tài trợ quốc tế đang hoạt động. Trong đó, có 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương.

“Nếu không có các khoản ODA, đặc biệt là các khoản viện trợ không hoàn lại, Việt Nam khó phát triển nhanh và đạt được những thành tựu kinh tế xã hội như hiện nay”.

Ông Hoàng Viết Khang, Vụ trưởng Quan hệ Kinh tế Đối ngoại (Bộ KH&ĐT)

Ông Khang cho biết, kể từ năm 1993 (hội nghị đầu tiên tổ chức tại Paris - Pháp, các nhà tài trợ cam kết hỗ trợ Việt Nam 1,8 tỷ USD) đến nay, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đã sát cánh cùng Việt Nam 20 năm. Vốn ODA cam kết liên tục tăng theo từng năm; đỉnh điểm là năm 2009, khi vượt ngưỡng 8 tỷ USD.

Tính đến hết năm 2012, tổng vốn ODA cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam đã lên tới hơn 71,7 tỷ USD. Trong đó, số vốn ODA giải ngân đạt hơn 33,4 tỷ USD.

“Nếu cộng với số vốn ODA trong năm 2013, tổng vốn ODA cam kết hỗ trợ Việt Nam đã chạm ngưỡng 80 tỷ USD; trong đó, dự kiến vốn giải ngân là 58 tỷ USD”, ông Khang cho biết.

Theo ông Khang, khoản ODA nói trên đã góp phần làm thay đổi bộ mặt Việt Nam. Thông qua ODA, Việt Nam đã thực hiện được nhiều công trình quan trọng. Điển hình như dự án nâng cấp Quốc lộ 1A; xây dựng đường cao tốc Hà Nội-Lào Cai, cầu Cần Thơ, Bãi Cháy, Nhật Tân; các dự án giao thông đô thị tại Hà Nội...

Vốn ODA chạm ngưỡng 80 tỷ USD - 1

Cầu Cần Thơ khánh thành 30/4/2010 là dự án sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản. Ảnh: Phạm Anh.

Khác với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn ODA ngoài giúp Việt Nam xây dựng cơ sở hạ tầng, còn kéo theo các cam kết hỗ trợ, chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật cho Việt Nam. “Nếu không có các khoản ODA, đặc biệt là các khoản viện trợ không hoàn lại, Việt Nam khó phát triển nhanh và đạt được những thành tựu về kinh tế xã hội như hiện nay”, ông Khang nói.

Ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT khẳng định, nhờ dòng vốn ODA mà Việt Nam đã giảm được tỷ lệ nghèo đói nhanh chóng. Trong số các nhà tài trợ, Hàn Quốc là đối tác phát triển quan trọng của Việt Nam. Vốn ODA Hàn Quốc hỗ trợ cho Việt Nam vay ưu đãi không ngừng tăng, kéo theo là các cam kết hỗ trợ về khoa học kỹ thuật vô cùng quan trọng.

Ông Dae Joo Jun, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam cho biết, Hàn Quốc cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ ODA cho Việt Nam.

Cần lập Quỹ vốn đối ứng

Để đón dòng ODA mới trong thời gian tới, Việt Nam cần phải lập Quỹ vốn đối ứng để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án ODA cũ, mới. Theo ông In Kim, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (Koica) tại Việt Nam, các nhà tài trợ hiện đang có xu hướng giảm tài trợ ODA và thay phương thức tài trợ đối với Việt Nam. Do đó, Việt Nam nên coi ODA là “chất xúc tác” để thu hút thêm nhiều nguồn vốn quan trọng khác như FDI, vốn từ khu vực tư nhân...

“Việt Nam nên tập trung đầu tư vốn ODA vào các dự án hạ tầng cơ sở lớn để thu hút thêm các nhà tài trợ lớn như cách mà Hàn Quốc đã từng làm”, ông In Kim khuyến nghị.

Ông Akira Shimizu, Phó Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam cho rằng, để các dự án ODA vận hành suôn sẻ, thuận lợi, Chính phủ Việt Nam nên lập Quỹ vốn đối ứng. Quỹ này rất quan trọng vì nó thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với từng dự án ODA cụ thể. “Nếu lập được Quỹ vốn đối ứng, sẽ giúp Việt Nam vận hành các dự án ODA hiệu quả hơn, đỡ tốn kém và thời gian kéo dài như hiện nay”, ông Akira Shimizu nói.

Theo ông Akira Shimizu, trong thời gian tới, vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản dành cho Việt Nam không có gì thay đổi. Hiện, JICA đã đưa ra một kế hoạch tổng thể để hỗ trợ ODA cho Việt Nam. Cụ thể là các dự án như: đường sắt đô thị, dự án ONM nhằm xây dựng các đường giao thông phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân Việt Nam.

Ngoài ra, còn có dự án xây dựng 3 bệnh viện (đi kèm là chuyển giao công nghệ) tại miền Trung và Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM với tổng số vốn hỗ trợ khoảng 300 triệu USD.

Ông Young-Seok Kim, Trưởng đại diện Ngân hàng Korea Exim tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam là đối tác lớn nhất, nhận viện trợ ODA nhiều nhất từ Korea Exim.

“Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục chú trọng đến các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông, vì đây chính là nút thắt cản trở sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam”, ông Young-Seok Kim nói.

Để sử dụng hiệu quả ODA, ông Yong-Seok Kim cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam nên thiết lập Quỹ vốn đối ứng để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án ODA.

Theo Bộ KH&ĐT, giao thông vận tải và bưu chính viễn thông là hai ngành “ngốn” lượng vốn ODA lớn nhất khi chiếm tới 28%; năng lượng công nghiệp 20%; nông nghiệp phát triển nông thôn - xóa đói giảm nghèo 15%; môi trường - phát triển đô thị 14%; giáo dục đào tạo 4%; y tế - xã hội 4% và các ngành khác 15%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phong Cầm (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN