Nhiều doanh nghiệp chịu lỗ để bán tháo BĐS

Để tồn tại, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải chấp nhận cắt lỗ để giải quyết bài toán tồn kho và nợ xấu.

Từ đầu năm đến nay thị trường tiếp tục khó khăn, giá cả bất động sản sụt giảm ở tất cả các phân khúc thị trường. Số lượng giao dịch không nhiều, một số dự án không có giao dịch.

Tại TPHCM, thị trường trầm lắng kéo dài 3 năm và chưa có dấu hiệu phục hồi. Năm 2012 giao dịch tiếp tục trầm lắng mặc dù một số doanh nghiệp đã chủ động giảm giá bán căn hộ, bán hòa vốn, bán lỗ có nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng nhưng không cải thiện được tình hình thị trường.

Hiện các chủ đầu tư đã dần chuyển hướng sang đầu tư các dự án chung cư căn hộ diện tích nhỏ có giá bán thấp vì vậy giao dịch thành công có khá hơn. So với cuối năm 2011 giá cả và giao dịch trong năm 2012 tiếp tục giảm giá. Cá biệt có dự án giảm giá 30% như Hoàng Anh River View giảm 28 triệu đồng/m2– 18 triệu đồng/m2. Giá một số dự án chung cư diện tích nhỏ hiện đang được chào bán dưới 15 triệu đồng/m2 như căn hộ dự án Quang Thái giá 13,3 triệu đồng/m2, căn hộ diện tích nhỏ 63 m2 giá 870 triệu đồng/căn, căn hộ dự án Long Phụng Apart giá 11,5 triệu đồng/m2...

Nhiều doanh nghiệp chịu lỗ để bán tháo BĐS - 1

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã phải chấp nhận cắt lỗ để giải quyết bài toán tồn kho và nợ xấu.

Tại TP Hà Nội, trong năm 2012 giao dịch nhà ở thành công không nhiều nếu có thì chủ yếu tại nhưng dự án đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành, có diện tích trung bình nhỏ 60-90m2 giá 1-2 tỷ đồng/căn. Giá căn hộ chung cư cuối năm 2012 giảm 5-10% so với cuối năm. Trong đó giảm mạnh nhất quận Hà Đông, Thanh trì có những dự án giảm 20-30% do với cùng kỳ năm 2011 (các biệt có dự án giảm giá mạnh như chung cư VP 3 Linh Đàm giảm 31-32 xuống 25-26 triệu đồng/m2, tháng 11 giảm tiếp 23 triệu đồng/m2), dự án chung cư Đại Thanh giảm 15 triệu đồng/m2 xuống còn 10 triệu đồng/m2 đối với loại căn hộ nhỏ hơn 90m2. Giá đất nền giảm trung bình từ 15-20% so với cùng kỳ năm 2011. Ở những khu vực ngoại thành đã phát triển nóng 2010 như khu vực Đan Phượng, Hoài Đức giảm giá tới 28-35% so với cùng kỳ năm 2011 giảm tới 50% so với năm 2010.

Theo chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Châu, hiện nay đang là thời điểm khó khăn nhất của thị trường nên các doanh nghiệp phải cắn răng bán lỗ để cắt lỗ để giải quyết bài toán hàng tồn kho và nợ xấu để bảo đảm uy tín thương hiệu nhằm tăng cường khả năng tồn tại…

Ông Châu kiến nghị, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trước hết là sửa đổi ngay chính sách lãi suất cho vay quá cao hiện nay đang bóp chết doanh nghiệp và làm thất thu ngân sách. Chính sách tín dụng cần hỗ trợ lãi suất cho vay ưu đãi khoảng 6-8%/ năm trong thời hạn 20-30 năm cho người mua căn hộ đầu tiên hoặc đang ở chật hẹp (bình quân dưới 8 m2 / người). Bên cạnh cung cấp tín dụng cho người mua nhà thì ông Châu cho rằng cần cấp tín dụng cho doanh nghiệp để hoàn thiện công trình có khả năng tiêu thụ sản phẩm, cơ cấu lại nợ vay cũ và cho vay tiếp đối với các doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hải phòng cho rằng, cơ cấu giá thành của bất động sản thông thường tỷ trọng tiền đất chỉ có thể chiếm 30% là tối đa, lãi suất ngân hàng tối đa 10%, với cơ cấu này thị trường cầu dễ tiếp cận. Tuy nhiên, giá trị bình quân tổng hợp từ nhiều dự án tiền đất chiếm 40%, thậm chí 50-60%.Lãi suất ngân hàng quá lớn, có khi chiếm tới 50% cơ cấu giá thành.

“Bất cập này từ chính sách, từ đầu tư, thị trường đã cho đáp số. Bên cạnh những tác động về thủ tục, hai yếu tố trên cần sớm được cải thiện nhất. Đây là nguy cơ cho các nhà đầu tư trên thị trường bất động sản”, ông Thành đưa ra giải pháp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Anh Đào (VnMedia)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN