Người Việt chạy sang Lào làm việc vì lương cao gấp 2 lần Việt Nam?

Sự kiện: Kinh Doanh

"Việt Nam trả 5 triệu đồng cho lao động xây dựng nhưng ở Lào quy ra tỉ giá thì đạt 12,5 triệu đồng trong khi chi phí rẻ hơn Việt Nam" - đại diện một doanh nghiệp nêu thực tế.

Tại hội thảo "Xây dựng chương trình sản phẩm công nghiệp chủ lực TP.HCM" do Sở Công Thương TP.HCM vừa tổ chức, đại diện Hiệp hội Dệt may đặt vấn đề: Dệt may TP.HCM có phải là sản phẩm chủ lực không?

Phân tích rõ hơn, vị này cho biết trong quá khứ TP.HCM là trung tâm dệt may lớn của cả nước khi các doanh nghiệp (DN) lớn đều đặt ở đây nhưng ngày càng teo tóp lại. Hiện chỉ còn nhà đầu tư nước ngoài, DN nhà nước.

Tuy nhiên, nguồn lao động trong ngành dệt may đang thiếu trầm trọng. Trong sáu tháng đầu năm 2018, có DN dệt may mất 621 lao động nhưng tuyển lại 300 người. Điều này khiến DN không thể trụ lại TP.HCM mà có kế hoạch di dời đi các tỉnh để sử dụng nhân công ở đó. Vì vậy, tương lai các nhà máy dệt may có thể sẽ không tồn tại ở TP.HCM nữa.

Bên cạnh đó, thực trạng của các DN dệt may là làm gia công. Vì vậy, TP.HCM sẽ là trung tâm để nghiên cứu thiết kế, logistic và phân phối chứ không sản xuất và phải liên kết với các vùng.

“DN may của tôi có đến 50% lao động quê Thanh Hóa, Quảng Bình nhưng gần đây nhân công ở hai địa bàn đó đã sang Lào làm vì lương cao. Ví dụ, Việt Nam  trả 5 triệu đồng cho lao động xây dựng nhưng ở Lào quy ra tỉ giá thì đạt 12,5 triệu đồng trong khi chi phí rẻ hơn Việt Nam” - vị này dẫn chứng.

Người Việt chạy sang Lào làm việc vì lương cao gấp 2 lần Việt Nam? - 1

Mì gói đã được chọn là sản phẩm chủ lực của TP giai đoạn 2002-2005.

Nên hay không nên có sản phẩm chủ lực

Một số ý kiến chuyên gia và DN đặt câu hỏi liệu cần có sản phẩm chủ lực không? Có sản phẩm chủ lực để làm gì…? TS Trần Hoàng Ngân nói: “Nghe nhiều ý kiến bàn về  sản phẩm chủ lực của TP tôi cũng thấy nhiều vấn đề và tự hỏi nên có hay không.

Theo tôi là cần có sản phẩm đại diện cho bộ mặt TP để giới thiệu đến các DN, đối tác trong và ngoài nước. Ví dụ, khi nói đến Bến Tre thì có dừa, nói đến Cao Lãnh thì có xoài”.

Theo ông Ngân, khi có sản phẩm chủ lực nhà nước tiếp sức với DN bằng những chính sách, thủ tục. Đây là cách hỗ trợ thiết thực nhất. Ví dụ, ở Singapore DN chỉ cần có ý tưởng thì có một ban xúc tiến họ lo hết, DN không lo chạy thủ tục hành chính gì.

Trong khi đó, TS Huỳnh Thế Du, Trường ĐH Fulbright Việt Nam, chỉ ra bốn nhóm ngành công nghiệp trọng điểm: Chế biến lương thực-thực phẩm, hóa chất-cao su, cơ khí-điện tử, công nghệ thông tin mà TP chọn trong 20 năm qua dù có sự phát triển nhưng chưa đạt như kỳ vọng.

Ông Du dẫn chứng TP đã nhìn điện tử và công nghệ cao là một trong những trọng tâm nên đã có những nỗ lực lớn để thu hút được Intel đầu tư dự án có quy mô 1 tỉ USD.

Tuy vậy báo cáo đánh giá tác động đầu tư 10 năm của Intel Việt Nam 2006-2016 của ĐH Fulbright Việt Nam (2017) cho thấy trong chuỗi giá trị của Intel ở Việt Nam, các DN Việt chưa có vai trò trong chuỗi giá trị trực tiếp của quá trình sản xuất sản phẩm chip thuộc Intel. Chỉ vài DN trong nước đủ tiêu chuẩn cung ứng một số dịch vụ và thiết bị gián tiếp cũng như nguyên vật liệu gián tiếp.

Đáng chú ý, năm 2015, tổng giá trị gia tăng do Intel tạo ra chỉ 100 triệu USD, phần mà Việt Nam thực sự được giữ lại chỉ là một phần lương và thuế, chỉ khoảng 20 triệu USD. Trong khi lợi nhuận sau thuế DN vẫn có thể chuyển ra bên ngoài.

Theo ông Du, nguyên nhân là do quá ưu đãi DN FDI. Do cách tiếp cận truyền thống theo sản phẩm mà chưa quan tâm đến các nhân tố của cả cụm ngành.

“Để chọn được một ngành, một sản phẩm như kỳ vọng rất khó vì có nhiều chỉ tiêu đồng thời chi phối. Việc tính toán các chỉ tiêu cũng không đơn giản bởi hạn chế về số liệu và độ tin cậy. Hơn nữa, vị thế của ngành hàng có thể thay đổi tùy theo xu hướng và thị hiếu của thị trường” - ông Du nói.

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết TP đang rất quan tâm đến sản phẩm chủ lực. Từ nay đến cuối năm Sở tổ chức nhiều hội thảo, nghe ý kiến nhiều chuyên gia và đặc biệt các ý kiến của các DN.

TP nhận thức rằng chỉ có ý kiến của chính DN đưa ra thì sản phẩm chủ lực mới thực tế, mới hiệu quả. Khi có sản phẩm chủ lực Nhà nước sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ để những sản phẩm này phát triển trong tương lai.

Sản phẩm chủ lực rơi rụng

Giai đoạn 2002-2005, thời điểm này có 35 DN tham gia chương trình sản phẩm chủ lực (SPCL). Qua nhiều đợt khảo sát, đánh giá trên cơ sở các tiêu chí: Tổng doanh thu, tốc độ tăng trưởng, tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, trình độ công nghệ,…

Ban chỉ đạo Chương trình phát triển SPCL đã công nhận 11 DN với 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn chính thức là SPCL gồm mì ăn liền của Acecook Việt Nam, sữa đậu nành và nước ngọt lon của Tribeco, xe buýt và xe chuyên dụng của Samco…

Đến nay có những sản phẩm còn tồn tại, có những sản phẩm theo dòng đời không tồn tại được do sự cạnh tranh.

GS-TS Nguyễn Thị Cành, Trường ĐH Kinh tế-Luật, ĐHQG TP.HCM, cho rằng sản phẩm chủ lực (SPCL) là sản phẩm có lợi thế cạnh tranh trên bình diện quốc gia và quốc tế, có tỉ trọng giá trị sản lượng cao trong ngành và có tỉ trọng xuất khẩu cao; có thể là các sản phẩm động lực. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tú Uyên ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN