Ngân hàng nhà nước đã mua vào 9 tỉ USD

Tại phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội chiều 7-6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho biết về các giải pháp tiền tệ trước các câu hỏi đặt ra của các đại biểu.

Ông Bình cho biết, trần lãi suất huy động đồng Việt Nam sẽ được hạ về 9%/năm từ ngày 11-6 tới. Ông cho biết, Ngân hàng Nhà nước được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận hạ trần lãi suất huy động đồng Việt Nam về mức như trên từ 11%/năm hiện tại.

Bên cạnh đó, trước nhiều quan ngại của các đại biểu về chính sách tiền tệ quá chặt chẽ từ cuối năm ngoái, ông Bình cho biết Ngân hàng Nhà nước đã cung ứng ra thị trường là 180.000 tỉ đồng để mua vào 9 tỉ đô la Mỹ từ đầu năm đến nay.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra 60.000 tỉ đồng để phục vụ các chương trình nông nghiệp và nông thôn trong tháng 2-2012, và tung 30.000 tỉ đồng để cứu trợ các ngân hàng thương mại có nguy cơ mất thanh khoản vào cuối năm ngoái.

Ông nói: “Tổng các gói tiền là vô cùng lớn… từ chỗ các ngân hàng có nguy cơ đổ vỡ hàng loạt cuối quí 4-2011, nhưng đến nay thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã được cải thiện đáng kể”.

Tuy nhiên, ông thừa nhận chi phí vốn thực tế vẫn còn cao do nợ xấu trong toàn hệ thống ước tính từ 6-10%.

Một số giải pháp cho thị trường cuối năm, theo ông Bình, bao gồm lập công ty mua bán nợ quốc gia, trình Chính phủ đề án hỗ trợ vốn cho vay mua nhà để giúp vực dậy thị trường bất động sản, nghiên cứu cơ chế bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Lời giải thích của ông Bình đưa ra trong bối cảnh nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ lo ngại chính sách tiền tệ đã bị thắt quá chặt.

Đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, không thể tăng trưởng tín dụng ở mức mục tiêu 15- 17% trong năm nay khi các tháng đầu năm nay mức tăng trưởng này vẫn còn âm.

Ông Lịch đặt giả thiết là chỉ tăng tín dụng 12% trong năm nay thì từ nay đến cuối năm mỗi tháng Ngân hàng Nhà nước phải bơm vào thị trường 50.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, nếu cộng cả ngân sách, cộng cả tín dụng, mỗi tháng hơn 70.000 tỉ đồng bơm thị trường thì “nền kinh tế không hấp thụ được”.

Ông Lịch nói: “Chỗ nghẽn hiện nay là nền kinh tế không hấp thụ được, bị nghẽn từ hệ thống dòng vốn của nền kinh tế giống như hệ tuần hoàn mạch máu có cục máu đông nằm trong động mạch, tĩnh mạch. Cục máu đông đó là nợ xấu ngân hàng, nếu không làm xẹp đi cục máu đông này, nền kinh tế không hấp thụ được”.

Ông cho rằng, trong quá trình sắp xếp tái cấu trúc có một nhóm lợi ích nào đó thừa cơ "đục nước béo cò".

“Vì lợi ích quốc gia, tôi kiến nghị phải giải quyết một cách dứt khoát (nợ xấu), vấn đề là đừng để ai làm "đục nước béo cò", ông nói.

Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) lại cho rằng tuyệt đối không nên vì sức ép tăng trưởng mà nới lỏng tài chính tiền tệ.

Ông nói: “Theo tôi không nên nới lỏng tiền tệ lúc này, ít ra là từ nay đến hết năm 2012, lạm phát có thể quay lại bất cứ lúc nào. Trong lạm phát đời sống người lao động chịu thiệt đầu tiên và nặng nề hơn cả, chọn giữa kiềm chế lạm phát và tăng trưởng thì tôi và hơn 80 triệu cử tri của chúng ta là công dân, nông dân, công nhân, viên chức sống bằng lương sẽ quan tâm nhiều hơn đến kiềmchế lạm phát. Bởi vì nếu kiềm chế được lạm phát tức là Chính phủ đã giúp cho đời sống của đại đa số người dân lao động "dễ thở" hơn, giá cả hàng hóa, dịch vụ bình ổn hơn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tư Hoàng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN