Năm 2017: “Sóng” của cổ phiếu rẻ

Trong xu hướng giá dầu và lạm phát trên thế giới tăng, Việt Nam với nội lực của mình vẫn có thể kiểm soát được giá trị của VNĐ, mở ra khả năng cho thị trường chứng khoán tiếp tục tăng trưởng.

Từ nhiều năm qua, Việt Nam chịu tác động và chi phối từ giá dầu thế giới. Năm 2011, giá dầu tăng mạnh lên vùng 100 USD/thùng đã ảnh hưởng mạnh đến lạm phát của Việt Nam.

Lạm phát đồng hành với giá dầu

Theo nhận định của Bloomberg, trích dẫn nhận định từ ADB - Ngân hàng (NH) Phát triển Châu Á - tăng trưởng của Việt Nam trong vài năm gần đây (2012 đến nay) xuất phát từ lạm phát thấp, trong đó giá dầu rẻ là nguyên nhân giúp lạm phát ở mức thấp.

Lạm phát thấp đã mang lại thuận lợi cho thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đã tăng gấp đôi cung tiền M2 (tổng phương tiện thanh toán) cùng với dự trữ ngoại hối tăng mạnh từ 23 tỉ USD vào năm 2012 lên 41 tỉ USD vào năm 2016, giúp VN-Index tăng mạnh từ đáy 330 điểm vào tháng 1-2012 lên đỉnh cao nhất 690 điểm vào tháng 10-2016 (cũng tăng gần gấp đôi). Có thể nói rằng chính môi trường lạm phát thấp trong nhiều năm qua đã mang lại sự ổn định kinh tế và tăng trưởng của thị trường chứng khoán.

Việc Tổ chức OPEC đạt thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu lần đầu tiên kể từ năm 2008 vào tháng 9-2016 và tháng 11-2016 đang mở ra khả năng giá dầu tăng cao hơn vào năm 2017. Điều này có thể khiến cho lạm phát quay lại trên quy mô toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Thực tế, lạm phát trên thế giới đã bắt đầu tăng từ tháng 6-2016 và kỳ vọng lạm phát cũng hướng đi lên. Điều này đã dẫn tới sự thay đổi trong chính sách tiền tệ của các NH trung ương nhằm chuẩn bị cho kịch bản lạm phát tăng mạnh trong năm 2017.

Năm 2017: “Sóng” của cổ phiếu rẻ - 1

Thị trường chứng khoán được dự báo tiếp tục tăng trưởng trong năm 2017 Ảnh: Hoàng Triều

Tháng 9-2016, BOJ (NH Trung ương Nhật Bản) đã công bố công cụ chính sách tiền tệ mới “Kiểm soát đường cong lãi suất” với cam kết giữ cho lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm ở mức quanh 0%. Công cụ chính sách tiền tệ mới này được cho là chuẩn bị cho sự tăng mạnh của lạm phát vì lúc này, BOJ không cần phải tiếp tục bơm thêm tiền cho nền kinh tế. Họ sẵn sàng thắt chặt tiền tệ khi lạm phát bị rơi vào tình huống mất kiểm soát. Cuối tháng 12-2016, đến lượt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố sẽ kích hoạt 3 lần tăng lãi suất trong 2017 để ngăn chặn lạm phát bị mất kiểm soát.

Việc lạm phát quay trở lại vào năm 2017 là một tín hiệu xấu đối với TTCK Việt Nam vì điều này buộc NH Nhà nước phải tăng lãi suất để đối phó lạm phát. Nếu nhìn vào biểu đồ lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 10 năm của Việt Nam, chúng ta đang thấy khả năng xuất hiện mô hình đáy kép ở mức lợi suất 5,9% của tháng 9-2014 và tháng 10-2016 (tương ứng với các đỉnh của TTCK Việt Nam). Lợi suất trái phiếu gặp phải mức hỗ trợ mạnh và tăng trở lại là một tín hiệu không tốt đối với thị trường cổ phiếu. Ở Việt Nam, lạm phát cao và VNĐ mất giá thường là câu chuyện song hành và ảnh hưởng xấu đến TTCK.

Tuy nhiên, nếu như lạm phát năm 2017 chỉ mới ở giai đoạn đầu và chưa vượt tầm kiểm soát, TTCK vẫn còn cơ hội tăng trưởng. Trong giai đoạn đầu của lạm phát, chúng ta thường thấy lạm phát, lãi suất, giá vàng và giá chứng khoán cùng tăng. Lúc này, độ biến động của TTCK sẽ trở nên mạnh. Bên cạnh xu hướng thị trường, độ biến động cũng là điều nhà đầu tư quan tâm vì độ biến động là “kẻ thù không đội trời chung” với các nhà đầu tư theo sau xu hướng.

Nhà đầu tư vẫn có thể thua lỗ trong xu hướng tăng nếu như độ biến động của thị trường tăng mạnh. Chúng ta từng gặp bối cảnh tương tự vào năm 2007. Lúc đó, lạm phát năm 2007 ở mức 8,3%, cao hơn mức 7,5% của năm 2006 nên có thể coi như là giai đoạn đầu của lạm phát (lạm phát tăng lên mức 23,1% vào năm 2008) và VN-Index mặc dù vẫn có xu hướng tăng trong năm 2007 và thiết lập đỉnh cao nhất 1,137 điểm vào tháng 3-2007 nhưng lại biến động mạnh trong khung 900-1.100 điểm. Điều này hoàn toàn có thể lặp lại vào năm 2017 nếu như lạm phát cũng tăng lên nhưng chưa vượt tầm kiểm soát.

Tỉ giá VNĐ/USD và đồng USD quốc tế

2016 là năm đầu tiên Việt Nam thực hiện việc quản lý tỉ giá theo cơ chế tỉ giá trung tâm. Diễn biến của năm 2016 cho thấy NH Nhà nước đang điều hành tỉ giá trung tâm theo sát với chỉ số USD Index trên thị trường tiền tệ quốc tế. Do đó, những chính sách tiền tệ của FED từ bên kia bán cầu có thể tiếp tục ảnh hưởng đến tỉ giá của Việt Nam.

Năm 2017, FED tuyên bố thực hiện 3 lần tăng lãi suất. Tuy nhiên, lãi suất tăng lên không hẳn sẽ làm cho đồng USD mạnh hơn mà thậm chí còn giảm. Thực tế, Mỹ không phải là quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất của lạm phát mà là các thị trường mới nổi và cận biên (trong đó có Việt Nam), Trung Quốc và châu Âu. Nếu như các khu vực này thực hiện tăng lãi suất nhanh hơn và mạnh hơn so với Mỹ thì đồng USD vẫn giảm giá.

Hơn nữa, các NH trung ương trên thế giới đang có khả năng sẽ mạnh tay can thiệp để ngăn chặn đà mất giá đồng tiền của họ khi tỉ giá chạm vào các điểm nhạy cảm. Ví dụ như 7 nhân dân tệ đổi 1 USD hoặc 1 euro đổi 1 USD. Việc các NH trung ương khác trên thế giới đồng loạt phản ứng để ngăn chặn đà mất giá của đồng nội tệ khiến cho đồng USD mất giá trở lại.

Hiện nay, Việt Nam với quỹ dự trữ ngoại hối ở mức 41 tỉ USD, thanh khoản trong hệ thống NH dư thừa (tính đến hết tháng 10-2016, tăng trưởng tín dụng đạt 11,45%, thấp hơn mức tăng trưởng 13,4% của tổng phương tiện thanh toán (M2) so với cuối năm 2015), Việt Nam hoàn toàn có thể dập tắt cơn sốt tỉ giá hiện nay. Do đó, tôi cho rằng VNĐ có thể tiếp tục mất giá trong năm 2017 nhưng khả năng vẫn được kiểm soát. Trong giai đoạn đầu của lạm phát (như năm 2007) sự mất giá của VNĐ chưa phải là mạnh. Điều này vẫn mở ra khả năng để TTCK tiếp tục tăng trưởng.

Cổ phiếu hàng hóa tiêu dùng vào nhịp tăng

Mặc dù chỉ số chứng khoán Việt Nam tăng trưởng vào năm 2016 và nhiều cổ phiếu blue-chip đã đạt mức tăng trưởng mạnh nhưng nhiều cổ phiếu penny lại giảm mạnh. Điều này mở ra khả năng các cổ phiếu penny sẽ chạm đáy trong 2016-2017 và bật tăng.

Trong giai đoạn đầu của lạm phát, giá dầu và giá hàng hóa sẽ tăng trở lại, đây là cơ hội cho các cổ phiếu liên quan đến giá hàng hóa như các ngành dầu khí, cao su, đường, ngũ cốc. Giá cổ phiếu ngành vật liệu cơ bản cũng tiếp tục tăng nhưng không phải là mạnh như năm 2016. Trong chu kỳ xoay vòng cổ phiếu, sau “sóng” ngành vật liệu cơ bản là “sóng” của ngành năng lượng và kim loại quý.

Một số loại cổ phiếu hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cũng sẽ khởi động chu kỳ tăng giá của mình. Dòng cổ phiếu này chưa phải là tâm điểm của cơn sóng (thường diễn ra sau “sóng” năng lượng/kim loại quý) nhưng cũng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư trong giai đoạn lạm phát. Thực tế, khi lạm phát tăng nhẹ, nhiều công ty kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu có thể tăng giá bán và đẩy phần thiệt hại về phía người tiêu dùng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tiến sĩ Lê Đạt Chí (Người lao động)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN