Luật Đất đai phải hài hòa giữa NN và tư nhân

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, bên lề Hội nghị góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của bộ này ngày 12-3.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói: Có người cho rằng đất đai cứ tư nhân hóa là xong. Tôi cho là không phải như vậy. Nhà nước vẫn phải nắm quyền sở hữu đất đai để giải quyết các vấn đề quốc gia. Vấn đề là cách thức vận hành như thế nào. Nhà nước phải vì nhân dân.

Vừa qua, tôi có tham gia một chuyến thực tế ở Thái Lan. Ở nước này, 70% đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình là không được chuyển nhượng. Tôi cho rằng, với điều kiện Việt Nam, sở hữu đất đai phải hài hòa chứ không thể tuyệt đối được.

Bộ trưởng kỳ vọng sửa đổi Luật Đất đai lần này sẽ giảm được tỷ lệ khiếu kiện như thế nào?

Khiếu kiện do nhiều nguyên nhân, trong đó có khâu tổ chức thực thi của cơ quan chuyên môn không thỏa đáng. Thời gian qua, việc thu hồi xảy ra khá tùy tiện, không công bằng, không công khai, minh bạch.

Phải thừa nhận rằng, vừa qua, khâu kiểm soát của chúng ta từ trung ương đến địa phương là có vấn đề. Cơ quan thu hồi có thể lợi dụng công việc của mình để thu lợi cá nhân hoặc lợi ích nhóm.

Đối với đất thu hồi vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, phải quy định cụ thể danh mục thu hồi đó là gì. Không phải cứ vì mục tiêu kinh tế - xã hội nào Nhà nước cũng đứng ra thu hồi. Phải thông qua một tổ chức của Nhà nước để thu hồi, sau đó đấu giá. Ngoài ra, phải sử dụng tiết kiệm đất đai.

Bình quân diện tích đầu người chỉ có 2.000m2 mà chúng ta sử dụng như vừa rồi là quá lãng phí, tạo ra bức xúc cho người dân.

Để đảm bảo quyền lợi của dân khi thu hồi đất, tránh lãng phí đất, bên cạnh cơ chế kiểm soát, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nên có cơ chế cụ thể nào?

Ta nói rất nhiều đến giá thị trường. Nhưng giá thị trường như vừa qua là không bình thường, là giá đầu cơ. Chẳng hạn khi mua là đất nông nghiệp nhưng về sau chuyển sang làm đô thị thì giá trị của đất khác. Để kiểm soát được vấn đề này, phải kiểm soát đầu cơ đất.

Trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có quy định những dự án đã giao cho nhà đầu tư, nhưng chậm đưa vào sử dụng một thời gian theo quy định thì khi thu hồi sẽ mất hết.

Ngoài ra, còn quy định ký quỹ, không đưa vào sử dụng thì mất số tiền đó; hoặc thuế lũy tiến. Doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng phải chịu thuế lũy tiến, không chịu nổi thuế thì phải mang trả chứ Nhà nước không phải thu hồi gì.

Trong dự thảo luật sửa đổi cũng nên quy định rõ về cơ quan tư vấn về giá của Nhà nước, còn quyết định vẫn phải là của UBND và chính quyền ở đó. Chính quyền nào hiện nay vẫn có tư duy đất đai là của Nhà nước, muốn thu thì thu là không được. Trong luật lần này cũng phải khắc phục điều đó.

Cảm ơn ông. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mỹ Hằng (Báo Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN