Lo tín dụng bơm tiền cho bất động sản?

Theo số liệu cập nhật mới nhất của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN, đến 8/5 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống NH đạt 3,69%. Đây là mức tăng trưởng tín dụng cao nhất so với cùng kỳ trong vòng mấy năm trở lại đây. Vì sao vậy và có phải điềm lành?

Doanh nghiệp sống dậy

Lý do tín dụng tăng trưởng mạnh nhất trong vài năm trở lại đây được lãnh đạo NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh (TPHCM) nhận định, tăng trưởng kinh tế và niềm tin của DN là yếu tố tác động tích cực đến hoạt động tín dụng của NH. Hiện dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh trên địa bàn TPHCM chiếm tỷ trọng trên 80% so với tổng dư nợ trên địa bàn. “Các hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN đã và đang có xu hướng mở rộng. Điều này được thể hiện ở việc tín dụng trung và dài hạn tăng trưởng cao hơn so với dư nợ ngắn hạn và chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ trên địa bàn”, vị lãnh đạo trên đưa ra nhận định.

Lo tín dụng bơm tiền cho bất động sản? - 1

Vốn tín dụng lại ưu ái BĐS. Ảnh: Như Ý.

Theo Tổng giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ, sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô, cùng với sự quay trở lại hoạt động và thành lập mới của hàng chục nghìn DN trong nước là một trong những thuận lợi cho hoạt động tín dụng trong thời gian qua. Riêng VietinBank trong 4 tháng đầu năm, tín dụng của NH tăng 4% so với cùng kỳ năm 2014. Không chỉ các NH lớn, tăng trưởng tín dụng tại các NHTMCP sự tiến triển khá tích cực. 

Chị Thu Hương - cán bộ tín dụng của một NHTMCP trên địa bàn Hà Nội cho biết, nếu như thời điểm này vào năm ngoái, các NH phải đỏ mắt đi tìm khách hàng vay thì năm nay công việc này đã bớt áp lực hơn. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là việc tìm kiếm khách hàng tốt dễ dàng. Theo chị Hương, để tăng khả năng cạnh tranh, tìm kiếm khách hàng tốt, NH đa dạng hóa các kênh tiếp cận khách hàng mới có thể khai thác tốt được. Như năm nay, NH này đẩy mạnh phát triển sản phẩm liên kết với các sàn bất động sản; cho vay tiểu thương tại chợ Đồng Xuân… “Nhờ kinh tế dần hồi phục thị trường bất động sản ấm lên nên nhu cầu vốn cũng ấm lên theo. Do đó, tín dụng trong mấy tháng đầu năm nay của NH khá hơn so với các năm trước”, chị Hương chia sẻ thêm.

Không thể lơ là với chất lượng

Nếu nhìn vào con số có thể lạc quan trong năm nay vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh đổ ra nền kinh tế tốt hơn những năm trước, thế nhưng mặt trái “huy chương” tín dụng là nợ xấu đang có xu hướng tăng. Điều này khiến TS Trí Hiếu chưa thực sự lạc quan về chất lượng tín dụng của NH. Sức khỏe của các DN vẫn còn yếu kém nên khả năng tiếp cận vốn còn yếu, những DN vướng vào nợ xấu ngày càng nhiều, nhất là lãi suất huy động đang chịu sức ép tăng sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá… đây là những trở ngại cho tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm theo nhận định của TS Trí Hiếu. Dù không còn là yếu tố quyết định nhưng, theo đánh giá của các chuyên gia NH, lãi suất cho vay không giảm như kỳ vọng thậm chí có thể tăng lên cũng là một yếu tố gây khó cho tăng trưởng tín dụng.

Cùng chung quan điểm không thể lơ là với chất lượng tín dụng,  TS Võ Trí Thành cho rằng, quá trình phục hồi này mới bắt đầu chưa thực sự ổn định, rất nhiều DN còn khó khăn. Vì thế chất lượng tín dụng vẫn còn tiềm ẩn rủi ro. Tuy hàng chục nghìn DN mới thành lập, nhưng cũng không ai dám chắc trong số DN mới này có tên các DN cũ thông báo tạm dừng hoạt động nên chắc chắn gây khó cho NH trong việc theo dõi khách hàng. Quả thực, để biết được DN làm ăn tốt hay không trong thời điểm hiện tại không phải đơn giản. Trước thường các NH dựa vào báo cáo tài chính đánh giá năng lực DN. Tuy nhiên, ở Việt Nam các DN có nhiều cách làm đẹp báo cáo tài chính cho mục đích khác nhau của họ. Giả dụ nếu muốn được NH cấp hạn mức cao thì họ đưa ra con số lợi nhuận rất đẹp. Nhưng nếu phải báo cáo tài chính với cơ quan thuế thì bỗng dưng những con số lợi nhuận đẹp chuyển thành xấu để giảm mức thuế phải đóng. Do đó, nếu cán bộ tín dụng NH chỉ theo dõi khách hàng qua các báo cáo tài chính là không đủ để đảm bảo chất lượng khoản vay mà phải sát sao trực tiếp xuống cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế và phải rất có kinh nghiệm để phát hiện các “chiêu bài” của DN.

Một mối lo về tình hình tăng trưởng tín dụng của lãnh đạo Viện CIEM là dòng vốn NH dường như đang khá ưu ái kênh bất động sản. Dù sự phục hồi thị trường này khá quan trọng gắn với câu chuyện xử lý nợ xấu nhưng vị lãnh đạo này vẫn khuyến cáo các NH phải rất cẩn trọng để tránh vết xe đổ trước đây. Đồng quan điểm, một chuyên gia NH cho rằng, tín dụng tập trung nhiều cho lĩnh vực bất động sản có thể sẽ tạo áp lực cho thị trường bất động sản quay trở lại chu kỳ bong bóng. Do vậy, tăng trưởng tín dụng cần có sự giám sát của cơ quan quản lý để làm sao tín dụng phải tăng trưởng lành mạnh, đảm bảo sự cạnh tranh và phù hợp với nhu cầu cũng như quy mô để phát triển kinh tế một cách bền vững.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN