Lãi suất giảm, tiền nhàn rỗi vẫn ở lại NH?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn xuống 7,5%/năm, thấp hơn 0,5% so với mức cũ. Đây là động thái hợp lý bởi nguồn vốn của ngân hàng đang dư thừa, trong khi lạm phát có xu hướng giảm.

Bắt đầu từ ngày 26/3, lãi suất tối đa với các khoản tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng giảm từ 8%/năm xuống 7,5%/năm. Còn lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do các ngân hàng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn của thị trường.

Động thái điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn khá đúng với dự báo của thị trường trong bối cảnh lạm phát quý I/2013 năm nay chỉ dừng ở mức 2,39% so với cuối năm ngoái, riêng tháng 3, lạm phát giảm 0,19% so với tháng 2.

Hiện tại, các ngân hàng đều đồng loạt điều chỉnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 1 năm xuống mức trần quy định 7,5%. Riêng đối với kỳ hạn tiền gửi trên 1 năm, lãi suất phổ biến 10 - 10,5%/năm. Mức lãi suất 11%/năm được áp dụng ở một số ngân hàng nhỏ cho kỳ hạn dài (trên 1 năm). Đón đầu xu hướng trên, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 - 12 tháng xuống còn 6% đến dưới 8%/năm.

Mặc dù lãi suất được dự báo giảm và còn dư địa để giảm tiếp trong thời gian tới, song nguồn tiền nhàn rỗi vẫn chọn ngân hàng để gửi gắm trong bối cảnh các kênh đầu tư khác (chứng khoán, bất động sản…) còn khá bấp bênh.

Lãi suất giảm, tiền nhàn rỗi vẫn ở lại NH? - 1

Giảm lãi suất huy động, các NHTM sẽ có điều kiện để giảm lãi suất cho vay

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP. HCM cho biết, nguồn vốn huy động của các ngân hàng trên địa bàn 2 tháng đầu năm tăng trưởng khá tốt, đạt hơn 2%. Ngược lại, dư nợ tín dụng tuy đã có dấu hiệu tăng trong 2 tháng đầu năm, nhưng vẫn khá yếu ớt.

Cụ thể, dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn TP. HCM chỉ tăng 0,25% trong 2 tháng đầu năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Minh, với động thái điều chỉnh giảm thêm trần lãi suất huy động là điều kiện tốt để các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay. Từ đó, dòng tín dụng có thể chảy mạnh hơn, vốn vào nền kinh tế được khơi thông tốt hơn.

TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị DN, Trường đại học Ngân hàng TP. HCM cho rằng, bản thân lãi suất của Việt Nam phải gắn quá nhiều trọng trách, như phải điều hành lãi suất làm thế nào để kiểm soát lạm phát, lãi suất thực dương, lãi suất phù hợp với nhu cầu vốn của DN, ổn định tỷ giá… Vì thế, để lãi suất có thể phù hợp và đáp ứng được tất cả các điều kiện trên là điều không dễ.

Chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện nay linh hoạt, nhưng khá thận trọng và rõ ràng hơn so với trước. Trên thực tế, lãi suất cho vay đã được điều chỉnh giảm cho các đối tượng khách hàng thuộc 4 nhóm lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên về mức 12%/năm. Thế nhưng, để nền kinh tế và DN tiếp cận được vốn vay, lãi suất đòi hỏi phải giảm thêm. Vì vậy, lãi suất đầu vào giảm là điều kiện cần thiết để ngân hàng cắt giảm lãi suất cho vay.

Nhưng tại sao lần này NHNN không hạ 1% mà chỉ có 0,5%, theo ông Dương, lãi suất luôn theo xu hướng của lạm phát. Lạm phát tháng 3 giảm, song để thận trọng, lãi suất không thể giảm ngay một lúc mà sẽ được điều chỉnh dần. Trường hợp lạm phát tháng sau tăng, lãi suất sẽ tăng theo là điều có thể xảy ra. Mặt khác, việc NHNN điều chỉnh giảm thêm 0,5% đối với trần lãi suất huy động lần này là căn cứ vào thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại đã được cải thiện tốt hơn so với trước.

Cũng theo TS. Lê Thẩm Dương, với mục tiêu lạm phát kỳ vọng trong năm nay 7 - 8% thì với mức lãi suất huy động 7,5%/năm, người gửi tiền vẫn được hưởng lãi suất thực dương. “Nếu lạm phát cả năm ở mức 8%, nhưng khách hàng gửi tiền từ thời điểm đầu tháng 3 (kỳ hạn 3 tháng) vẫn được hưởng lãi suất thực dương. Còn nếu lãi suất thực âm cũng là chuyện bình thường trong bối cảnh thị trường có khó khăn, đầu tư chứng khoán, bất động sản thì mức lợi nhuận chưa chắc đã cao hơn 7,5% lại kèm theo nhiều rủi ro”, ông Dương nhấn mạnh.

Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, lãi suất huy động còn dư địa giảm thêm nếu lạm phát vẫn theo chiều hướng xuống. Tuy nhiên, mức giảm đối với trần lãi suất đầu vào sẽ không nhiều. Còn lãi suất đầu ra phải giảm thì tín dụng mới có điều kiện tăng tốc.

Khác với trước, việc điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động lần này đã được các ngân hàng dự báo và tính toán để giảm lãi suất cho vay. Thực tế, thanh khoản của các ngân hàng đã được cải thiện đáng kể vào những tháng cuối năm 2012, song không dễ dàng đẩy vốn cho vay do nền kinh tế khó hấp thụ vốn. Trong khi đó, nguy cơ nợ xấu vẫn luôn rình rập bởi hàng tồn kho tăng, nhưng sức cầu vẫn chưa được cải thiện.

Chủ tịch HĐQT OCB, ông Trần Anh Tuấn cũng cho biết, nguồn vốn tín dụng hiện đang dôi dư, tuy nhiên Ngân hàng không dễ tìm được khách hàng tốt để cho vay. Do đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% năm nay cũng không dễ dàng đạt được.

Tình hình thanh khoản của ngân hàng được cải thiện tốt hơn trước chính là một trong những điều kiện để giảm lãi suất, song theo các chuyên gia, điều đáng lưu ý là thanh khoản giữa các ngân hàng hiện nay không đồng đều. Ngân hàng lớn thừa vốn, trong khi nhà băng nhỏ vẫn phải cạnh tranh mới có thể huy động được tiền nhàn rỗi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thùy Vinh (ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN