Kịch bản thị trường chứng khoán 3 tháng cuối năm

Thị trường chứng khoán (TTCK) đã và đang bước vào chu kỳ điều chỉnh sau quá trình tăng trưởng mạnh mẽ trong hơn một năm qua. Một số chuyên gia cho rằng thị trường có thể sẽ gặp không ít khó khăn những tháng cuối năm 2018.

Kịch bản thị trường chứng khoán 3 tháng cuối năm - 1

Thị trường chứng khoán cuối năm dự báo sẽ không ít khó khăn

TS. LS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính, thành viên của Đoàn Luật sư TPHCM: Đến hết quý III, thị trường chứng khoán nếu đạt 1.000 điểm thì sẽ thành công

Trong tháng 8 này, bắt đầu tháng 'cô hồn' (tháng 7 âm lịch) và kéo dài đến giữa tháng 9, kết quả quý III này cũng không khả thi so với quý II. Còn nếu nói về quý IV thì sẽ có sự kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, theo tôi, quý cuối năm này cũng chưa chắc tốt hơn so với quý I, vì đây là quý giáp tết.

Hiện nay chứng khoán trong nước bị ảnh hưởng của thị trường chứng khoán thế giới. Thị trường chứng khoán thế giới đang tác động tiêu cực bởi nhiều lý do: cuộc chiến tranh Mỹ - Trung; việc Ngân hàng trung ương của Trung Quốc liên tục giảm giá đồng Nhân dân tệ, bên cạnh đó; FED tăng lãi suất… đã tạo ra nguồn cắt giảm từ các nhà đầu tư nước ngoài rút vốn ở các thị trường mới nổi. Điều này thể hiện rất rõ ở việc 1 số thị trường bị rút từ 8-10 tỷ USD. Ở Việt Nam tuy chưa có con số chính xác nhưng chắc chắn cũng bị tác động bởi dòng vốn rút khỏi thị trường.

Kịch bản thị trường chứng khoán 3 tháng cuối năm - 2

TS.LS Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính ngân hàng

Ngoài ra, thị trường chứng khoán đang bị dẫn dắt bởi VN30 (chỉ số giá của 30 công ty niêm yết trên HOSE có giá trị vốn hoá và thanh khoản hàng đầu), tuy nhiên vẫn chưa có điểm sáng trên thị trường chứng khoán, thậm chí là cho hết quý III, đầu quý IV. Áp lực trong nước về chỉ số lạm phát. Hiện nay hệ thống ngân hàng cũng đang nỗ lực kiểm soát tốt hoạt động cho vay, kể cả Ngân hàng nhà nước cũng sẽ kiểm soát tốt tăng trưởng tín dụng, thậm chí mục tiêu tăng trưởng năm nay cũng thấp hơn năm ngoái, chỉ có 17%. Dòng vốn ngân hàng sẽ tập trung dần dần trong lĩnh vực sản xuất, hạn chế dòng tiền vào thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản… Những điều này cũng sẽ tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo tôi đánh giá, đến hết quý III, thị trường chứng khoán nếu đạt 1.000 điểm thì sẽ thành công.

Từ nay đến cuối năm, nhà đầu tư nên chọn cổ phiếu có bản chất tốt, có những kỳ vọng tốt, nghe lời tư vấn chuyên gia về chứng khoán; không nên đầu tư theo phong trào. Còn nếu nhà đầu tư thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm thì những nhà đầu tư nhỏ lẻ chính là những người bị ảnh hưởng, thiệt thòi nhiều nhất.

Lý do, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường chỉ dựa vào những thông tin cơ bản, những phân tích kỹ thuật… Trong khi những điều này lại chưa phải là dự báo đúng của thị trường mà phụ thuộc rất lớn vào nhóm những nhà đầu tư có vốn lớn (nhà đầu tư “cá mập”). Chính nhóm này đã tạo ra dòng sóng lên xuống của thị trường. Do đó, giá cả hiện nay đang lừng khừng, nhưng nếu chỉ cần nhích lên 1 chút thôi thì các nhà đầu tư lớn sẽ xả hàng, giá cả xuống thì họ sẽ mua vào. Dẫu vậy, theo tôi, chứng khoán cũng chỉ giao động ở mức 950-1.000 điểm trong khoảng thời gian từ đây đến đầu quý IV năm nay.

Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư – Công ty CP Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE): Cổ phiếu ngân hàng đã “hết thời”

Chứng khoán sẽ khó quay lại đỉnh cũ đã lập trong năm nay, trong trường hợp tốt thì sẽ tăng trưởng khá nhưng cũng không đạt đỉnh cũ.

Nói về cổ phiếu dẫn dắt, theo tôi nhóm cổ phiếu của VinGroup và Vinhomes tương đối là giữ giá. Tuy nhiên số lượng không nhiều, trong khi đại đa số cổ phiếu trên thị trường đều bị ảnh hưởng xấu.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã hết thời rồi, nên sẽ không dẫn dắt thị trường được. Chính vì vậy, sự dẫn dắt là không có. Trước đây, nhóm cổ phiếu ngân hàng được xem là dẫn dắt thị trường đi lên, còn giờ ngược lại, nhóm này dẫn dắt thị trường đi xuống. Đây chính là tác nhân khiến cho thị trường giảm rất mạnh từ giai đoạn tháng 4 cho đến tháng 8 năm nay.

Kịch bản thị trường chứng khoán 3 tháng cuối năm - 3

Giám đốc Tư vấn Đầu tư công ty CP Chứng khoán Maybank Kim Eng Phan Dũng Khánh

Đây chính là kịch bản tôi đánh giá là nếu nhóm cổ phiếu ngân hàng có tăng thì chỉ giúp cho thị trường tăng điểm vừa vừa, chứ không thể giúp sàn chứng khoán quay trở lại đỉnh cũ là 1.200 như đã từng đạt được.

Kịch bản tiếp theo tôi nghĩ đến là thị trường chứng khoán có thể tệ hơn ở chỗ ảnh hưởng từ những yếu tố khác như chiến tranh thương mại. Ngay trong trường hợp chiến tranh thương mại có giải quyết được đi chăng nữa thì cũng không có việc mọi thứ sẽ tốt lên. Nếu có giải quyết được thì chiến tranh tiền tệ cũng khó giải quyết trong ngắn hạn, khi các quốc gia đua nhau tăng lãi suất.

Mức tăng lãi suất của chúng ta vẫn có nhưng so với thị trường thế giới không đáng kể. Dẫu vậy, không đáng kể nhưng không có nghĩa là chúng ta đứng ngoài cuộc mãi mãi như vậy được. Nếu như vậy sẽ ảnh hưởng đến tỷ giá, khi mà đồng USD tăng quá mạnh khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ sẽ tăng lên trong thời gian tới. Do vậy mà ảnh hưởng đến thị trường tài chính nói chung. Điều này chúng ta cũng có thể thấy nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trong thời gian qua. Nếu họ đã bán trong 7 tháng thì đó không phải là chuyện chơi mà đã trở thành xu hướng.

Các nhà đầu tư cũng cần lưu ý, đối với những cổ phiếu bluechip chưa thể mua dài hạn được, nếu có chăng thì chỉ 'lướt sóng' được thôi. Tuy nhiên, nhiều cổ phiếu penny (Cổ phiếu Penny Stock (PS) là cổ phiếu có trị giá nhỏ hơn 5$) có xu hướng tăng mạnh. Thực ra trong mỗi giai đoạn, thị trường xấu thì dòng tiền sẽ chuyển đi nơi khác nhưng hiện nay theo tôi quan sát, cổ phiếu penny và thị trường chứng khoán phái sinh đang hút dòng tiền nhiều nhất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Uyên Phương ([Tên nguồn])
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN