Khối u ngân hàng bị bưng bít vì... Luật

Quy định không cho phép có ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán của các tổ chức tín dụng khiến NĐT không thể thấy được những khối u của các ngân hàng.

Quy định hiện nay không cho phép có ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán của các tổ chức tín dụng. Đây là lý do khiến có những khoản mục, công ty kiểm toán và các ngân hàng không thể thống nhất được cách hạch toán, nhưng kiểm toán vẫn phải chấp nhận và không để ngoại trừ. Đây cũng là lý do khiến NĐT bên ngoài vẫn chỉ thấy một bức tranh đẹp, bất chấp những nguy cơ thâm hụt tài chính đang hiện hữu của nhiều ngân hàng.

Khúc mắc người hành nghề

Phó tổng giám đốc một công ty kiểm toán cho biết, là người hành nghề lâu năm trong lĩnh vực kiểm toán, ông rất bức xúc khi có những điểm trong báo cáo tài chính của ngân hàng đã không được làm rõ, không được phản ánh đúng bản chất cuối cùng của nó, nhưng kiểm toán vẫn phải cho qua. Theo ông, không phải kiểm toán viên không biết sợ trước những rủi ro mà họ có thể gặp phải khi ký vào những báo cáo tài chính ấy, mà họ buộc phải hoàn tất một hợp đồng kiểm toán để giữ chân khách hàng khi quy định không cho phép có khoản ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán tổ chức tín dụng.

Mọi chuyện xuất phát bởi quy định tại Khoản 3 Điều 42 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010: Tổ chức tín dụng phải thực hiện kiểm toán độc lập lại trong trường hợp báo cáo kiểm toán có ý kiến ngoại trừ của tổ chức kiểm toán độc lập.

Ở khía cạnh tích cực, quy định này sẽ buộc các tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm chỉnh quy định chế độ hạch toán, kế toán để khi kiểm toán vào cuộc, báo cáo tài chính sau kiểm toán phải thực sự “sạch”. Nhưng trên thực tế thì không phải tổ chức tín dụng nào cũng sạch như vậy. Các công ty kiểm toán chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ và nếu không thích, ngân hàng có thể thay thế bằng một đơn vị kiểm toán khác. Trong không ít trường hợp, báo cáo tài chính lập ra với các khoản mục tài sản, kết quả kinh doanh… thể hiện rõ ý chí, mong muốn của các ông chủ, người điều hành tổ chức tín dụng. Nhiệm vụ của kiểm toán trong các trường hợp này là hỗ trợ tổ chức tín dụng làm báo cáo tài chính chuẩn trong phạm vi chấp nhận được của các ông chủ, chứ không phải là tuân thủ tuyệt đối các quy định kiểm toán. Điều này có nghĩa, nếu chẳng may báo cáo tài chính của tổ chức tín dụng phát sinh những khoản mà kiểm toán không thể truy đến cùng thực trạng tài sản đó ra sao, nhưng cũng không thể đàm phán với tổ chức tín dụng về cách hạch toán nào khác phù hợp hơn, thì cuối cùng vẫn phải chấp nhận cho qua.

“Đây là quy chế vô lý nhất mà chúng tôi gặp phải trong kiểm toán cho nhóm ngân hàng, công ty tài chính… Không được có ngoại trừ, nhưng đâu phải vấn đề nào kiểm toán và ngân hàng, công ty tài chính cũng thống nhất được với nhau. Ở góc độ chuyên môn, tôi xin nói thẳng là, có những khoản, thậm chí chúng tôi tin là ngân hàng đã mất rồi nhưng họ vẫn cố tính lờ đi. Kiểm toán vào cuộc, hạch toán cách nào cho phù hợp. Trong khi đó, nếu cố tình để ngoại trừ, thì báo cáo kiểm toán sẽ lại bị làm lại, còn chúng tôi bị mất khách hàng”, một kiểm toán viên trần tình.

Khối u ngân hàng bị bưng bít vì... Luật - 1
Quy định không cho phép có ngoại trừ trong báo cáo kiem toán của các TCTD khiến NĐT khó biết thực trạng tài chính của nhiều ngân hàng.

Những hệ lụy

Phó tổng giám đốc công ty kiểm toán nói trên cho biết, ông đã tham gia kiểm toán nhiều ngân hàng và thực tế, không ít ngân hàng có bản chất tài sản xấu rất nhiều, vốn chủ đã bị hao hụt lớn…, nhưng vẫn báo lãi trong kết quả kinh doanh các năm gần đây, báo cáo tài chính vẫn đẹp. Theo vị này, vì không được có ngoại trừ, nên không ít ngân hàng đã tìm cách thỏa hiệp với kiểm toán để đưa ra lời nhận xét “sạch” trong báo cáo kiểm toán.

Để cụ thể hơn những điểm “đen” mà ngân hàng thường hay “lách”, vị này đưa ra một số ví dụ. Công ty X là đơn vị có liên quan (gián tiếp) đến cổ đông A của Ngân hàng B. Khi B tăng vốn, X phát hành trái phiếu để B mua, rồi số tiền thu được từ trái phiếu này được chuyển đến A để mua cổ phiếu phát hành thêm. A sử dụng số cổ phiếu sau phát hành đem cầm cố tại chính Ngân hàng B, lấy tiền đi làm việc khác. Cuối cùng, về bản chất, cổ đông A không góp thêm đồng tiền nào vào Ngân hàng B, nhưng lại được tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu, có tiền để đi đầu tư lĩnh vực khác.

“Đây là tình trạng rất phổ biến tại khối ngân hàng. Nhiều trường hợp, kiểm toán biết nhưng đành phải thỏa hiệp cho qua”, vị phó giám đốc trên nói.

Trường hợp khác, ngân hàng chuyển tiền cho một CTCK, công ty quản lý quỹ trực thuộc (sở hữu 11% vốn điều lệ, nhưng chi phối về mặt quản trị) vay thông qua hình thức mua trái phiếu phát hành thêm của công ty thành viên trên. Số tiền này sau đó lại được CTCK, công ty quản lý quỹ đem cho vay, đầu tư theo chỉ định của ngân hàng, trong đó không ít trường hợp là cho chính các đối tượng có liên quan đến ngân hàng vay. Nếu truy đến cùng dòng tiền thì sẽ thấy, bản chất các khoản tín dụng này là các khoản đầu tư vượt hạn mức hay cho vay các đối tượng có liên quan, nhưng cuối cùng vẫn được ngân hàng “lách” thành công.

Một hiện tượng phổ biến hơn trong thời gian gần đây là hạch toán sai các khoản nợ, khoản đầu tư. Báo cáo tài chính một số DN niêm yết cho thấy, có những khoản nợ mà DN không có khả năng hoàn trả, tài sản đảm bảo có thị giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị lúc vay (nhất là trong các DN ngành hàng hải), nhưng ngân hàng vẫn cho phép kéo dài thời gian trả nợ, hạch toán dưới dạng nợ đạt chuẩn, trong khi về bản chất, DN thậm chí chỉ chờ ngày bị tuyên phá sản. Hay có những khoản đầu tư mà ngân hàng tham gia góp vốn, mua cổ phần, dù DN được đầu tư làm ăn thua lỗ, giá cổ phiếu giảm, nhưng do hạch toán vào các khoản đầu tư dài hạn, nên ngân hàng cũng không trích lập dự phòng đầy đủ.

“Đây là lý do khiến những trường hợp như Habubank - bỗng một ngày bung ra hàng loạt nợ xấu, thâm hụt vốn chủ sở hữu nặng nề… dù trước đó báo cáo tài chính vẫn đẹp, kiểm toán không có ý kiến ngoại trừ - có thể sẽ trở nên phổ biến hơn với các ngân hàng, nếu tình hình kinh tế vĩ mô không sớm khả quan trở lại”, kiểm toán viên của một công ty kiểm thuộc Top 5 công ty kiểm toán lớn tại Việt Nam cho biết.

Cũng theo kiểm toán viên này, nhiều điểm không hẳn là ngân hàng sai, nhưng có những nghiệp vụ mà điều khoản ký kết có thể gây rủi ro cao cho ngân hàng, nếu như kiểm toán viên có thể đặt ý kiến lưu ý, ngoại trừ, thì có thể sẽ tốt hơn rất nhiều trong trường hợp buộc phải đưa ra báo cáo kiểm toán “không tì vết” như hiện nay.

Kiểm toán gần như là đơn vị độc lập bên ngoài duy nhất được quyền tiếp cận bức tranh chân thực, đầy đủ nhất các tình trạng tài chính của các tổ chức tín dụng nói chung, trong đó có ngân hàng. Thế nhưng, vì những ràng buộc liên quan đến quy định pháp luật này, không ít những điểm đen trọng yếu về tình hình tài chính của ngân hàng đã được cho qua. Những khối u tài chính như vậy vì thế có điều kiện phát triển, che dấu và chẳng ai biết được khi nào bắt đầu phát tác.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Bùi Sưởng (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN