Nợ xấu ngân hàng được giấu như thế nào?

Ngoài Vinashin, có bao nhiêu DNNN khác mà NHNN đã đồng ý cho phép các tổ chức tín dụng được khoanh nợ, cơ cấu lại khoản nợ và không phải trích lập dự phòng? Nếu các khoản này được công bố thì con số nợ quá hạn, nợ xấu thực tế là bao nhiêu?

Nếu nhìn vào báo cáo tài chính của ngân hàng, tất cả người xem có thể dễ dàng nhận thấy được nợ xấu của ngân hàng là bao nhiêu trong phần thuyết minh của mục "Dư nợ cho vay khách hàng của ngân hàng". Nợ cho vay được phân loại làm năm nhóm theo quyết định 493/2005/QĐ - NHNN và đã được sửa đổi theo quyết định 18/2007/QĐ-NHNN. Tuy nhiên, nợ xấu thực tế của hệ thống ngân hàng cao hơn rất nhiều so với con số này.

Thống đốc ngân hàng Nhà nước (NHNN) nói nợ xấu theo số liệu NHNN là đáng tin cậy nhất, với mức 8,6% tổng dư nợ tại thời điểm 31.3.2012. Trong khi đó, số liệu báo cáo của các tổ chức tín dụng, dù cập nhật đến 31/5/2012, chỉ ở mức 4,47%. Sự chênh lệch này đến từ đâu và có dừng lại ở đó hay cao hơn nhiều như báo cáo của uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, của Fitch?

"Thủ thuật" hạch toán và đánh giá nợ

Trong những năm trước, để có thể đẩy mạnh được hoạt động tăng trưởng tín dụng và lách các quy định của NHNN, nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh hoạt động cho vay nhưng lại không hạch toán vào mục Cho vay với khách hàng. Thay vào đó, nhiều khoản mục khác trên bảng cân đối kế toán lại "phình to ra" do các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể đã lách các hoạt động cho vay vào các khoản mục này như mục Các tài sản có khác (trong đó có khoản phải thu, tài sản có khác), Chứng khoán đầu tư (trong đó có chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành), Uỷ thác đầu tư... Nhiều tài sản trong nhóm này có tính chất tương tự như tín dụng nhưng không được các NHTM trích dự phòng hay phân loại nhóm nợ do không có quy định cụ thể. Điều này đã làm giảm bớt các khoản nợ quá hạn và nợ xấu của các NHTM do các NHTM chỉ thực hiện phân loại nợ với các khoản cho vay trên mục Cho vay khách hàng.

Nợ xấu ngân hàng được giấu như thế nào? - 1
Không chỉ có Habubank mà nhiều NHTM khác cũng không trích lập dự phòng với các khoản cho vay Vinashin.

Ngoài ra, để không phải điều chỉnh nhóm nợ với các khoản cho vay, nhiều NHTM có thể đã chuyển từ việc cho vay sang mua trái phiếu do các tổ chức kinh tế phát hành. Hoàng Anh Gia Lai (HAG) đã phát hành thành công 850 tỉ đồng trái phiếu vào ngày 17.8.2012. Số trái phiếu phát hành lần này để cơ cấu lại các khoản nợ ở các ngân hàng. Trong thương vụ này, BIDV và công ty chứng khoán BIDV thu xếp phát hành, còn đối tượng mua là các NHTM nơi HAG có các khoản nợ.

Làm đẹp báo cáo tài chính

Quy định hiện nay về phân loại nhóm nợ của các NHTM như thế nào cũng tạo điều kiện giúp các NHTM làm đẹp báo cáo tài chính. Theo điều 6, điểm 3 của quyết định 493 được sửa đổi trong quyết định 18, nếu khách hàng có từ hai khoản nợ trở lên tại NHTM mà trong đó có một khoản nợ được phân loại vào nhóm có rủi ro cao hơn thì tất cả dư nợ của khách hàng phải phân loại vào cùng một nhóm nợ có rủi ro cao hơn. Đồng thời, NHTM cũng được NHNN cho phép phải chủ động phân loại nợ vào nhóm rủi ro cao hơn theo đánh giá của NHTM khi có những diễn biến bất lợi tác động đến hoạt động kinh doanh của khách hàng, các chỉ tiêu tài chính của khách hàng bị suy giảm...

Tuy nhiên, việc phân loại nhóm nợ như thế nào, đánh giá ra sao là các diễn biến bất lợi, các chỉ tiêu tài chính suy giảm lại hoàn toàn phụ thuộc vào các NHTM chứ không có quy định rõ ràng.

Tỷ lệ nợ xấu thấp nhưng thực tế đã ở một mức cao hơn rất nhiều do khách hàng được cơ cấu nợ. Khi cơ cấu nợ cho khách hàng như vậy, nợ lãi có thể được nhập vào nợ gốc và điều này sẽ làm tăng thêm dư nợ vay của NHTM nhưng thực tế, dòng tiền lại chưa hề quay về với NHTM.

Một trong những biện pháp phổ biến nhất chính là việc các NHTM có thể hỗ trợ giải ngân các khoản vay mới cho các khách hàng để trả nợ cũ hoặc giải ngân cho các dự án đã được hoàn thành để khách hàng trả nợ cũ. Khi đó, khách hàng không bị chuyển nhóm nợ.

Các NHTM cũng có thể tìm cách hỗ trợ cho khách hàng được cơ cấu lại nợ. Việc cơ cấu lại nợ là điều hoàn toàn hợp lý nhằm giúp khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ một cách hợp lý. Nhưng nếu như trong quá trình cơ cấu lại nợ, các NHTM thực hiện mà không đánh giá kỹ khả năng trả nợ đầy đủ gốc và lãi đúng hạn của khách hàng, chỉ thực hiện giải quyết vấn đề khó khăn trả nợ trước mắt cho khách hàng thì điều này sẽ làm gia tăng thêm rủi ro hệ thống NHTM. Tỷ lệ nợ xấu thấp nhưng thực tế đã ở một mức cao hơn rất nhiều do khách hàng được cơ cấu nợ. Khi cơ cấu nợ cho khách hàng như vậy, nợ lãi có thể được nhập vào nợ gốc và điều này sẽ làm tăng thêm dư nợ vay của NHTM nhưng thực tế, dòng tiền lại chưa hề quay về với NHTM.

Việc giải ngân lòng vòng giữa các khách hàng có mối quan hệ liên minh với nhau cũng là một cách để giúp các khách hàng này có dòng tiền để trả nợ. Nếu một khách hàng trong "liên minh" có nguy cơ bị nợ quá hạn hoặc nghiêm trọng hơn là bị nợ xấu, để giúp khách hàng này tránh phải chuyển nhóm nợ, nhiều NHTM có thể cho một doanh nghiệp khác hoặc cá nhân khác trong "liên minh" vay để giúp khách hàng này dùng tiền vay trên trả nợ. Bằng cách này, tuy dư nợ của NHTM với "liên minh" khách hàng trên thực tế không thay đổi, nhưng nợ vẫn được đảm bảo đủ tiêu chuẩn, và không phải trích dự phòng.

Ngoài ra, các NHTM có thể tìm cách uỷ thác các nguồn tiền đầu tư này ra ngoài cho các công ty khác để những công ty này cho vay lại những doanh nghiệp đang có nguy cơ bị nợ quá hạn kia. Dòng tiền chuyển giao thực tế vẫn được NHTM kiểm soát chặt chẽ khi đều luân chuyển ở các tài khoản khác nhau trên cùng NHTM đó.

Không chỉ có các NHTM và các khách hàng tìm cách làm giảm tỷ lệ nợ xấu cho mình, ngay chính các văn bản của NHNN cũng đã tạo điều kiện hỗ trợ cho việc trên. Đối với dư nợ cho vay Vinashin, nhiều NHTM đã không trích dự phòng các khoản cho vay này theo một cơ chế riêng. Sự đổ vỡ của Habubank khiến cho ngân hàng này buộc phải sáp nhập trong khi tỷ lệ nợ xấu ở mức rất thấp là một sự báo động lớn.

Không chỉ có Habubank mà nhiều NHTM khác cũng không trích lập dự phòng với các khoản cho vay Vinashin. Theo ý kiến kiểm toán của công ty kiểm toán Deloitte trong báo cáo tài chính năm 2011 của Oceanbank: "Ngày 31.12.2011, ngân hàng (tức Oceanbank) nắm giữ các khoản tiền gửi, dư nợ tín dụng và đầu tư trái phiếu của ngân hàng với tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam (Vinashin) và một số công ty thuộc tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam đã quá hạn thanh toán. Tuy nhiên, trong năm 2011, căn cứ vào văn bản chỉ đạo của cơ quan quản lý nhà nước về xem xét khoản nợ, cơ cấu lại các khoản nợ của tập đoàn Công nghiệp tàu thuỷ Việt Nam, ngân hàng đã thực hiện ý kiến chỉ đạo, giữ nguyên trạng thái nợ hiện tại và không trích lập dự phòng với các khoản nợ và phải thu trên. Hiện tại, ngân hàng đang tiếp tục làm việc với Vinashin và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về phương án xử lý và thu hồi các khoản nợ và phải thu này".

Liệu bên cạnh Vinashin, có bao nhiêu doanh nghiệp nhà nước khác mà NHNN đã đồng ý cho phép các tổ chức tín dụng được khoanh nợ, cơ cấu lại khoản nợ và không phải trích lập dự phòng? Nếu các khoản này được công bố thì liệu con số nợ quá hạn, nợ xấu thực tế của hệ thống NHTM sẽ là bao nhiêu?

Ủ nợ xấu

Mặc dù pháp luật không cho phép mua bán nợ giữa ngân hàng với các công ty con trực thuộc thế nhưng để giảm tỷ lệ nợ xấu thì hiện nay các ngân hàng vẫn có thể lách luật dưới hình thức: công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) trực thuộc ngân hàng sẽ nhận uỷ thác thu hồi nợ thay cho ngân hàng dưới hình thức hợp đồng uỷ thác, nhưng sau đó công ty AMC này sẽ thực hiện trả nợ thay cho khách hàng rồi sau đó tiến hành thủ tục thu hồi nợ theo uỷ thác sau (một biến tướng của việc mua bán nợ giữa ngân hàng và công ty con). Nhưng đồng thời việc hạch toán này khách hàng sẽ không biết và vì thế khách hàng vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.

Về mặt nghiệp vụ hạch toán, phía ngân hàng nhận được tiền trả của AMC và hạch toán bù trừ vào khoản dự thu, trong khi AMC thì chi số tiền này ở khoản mục tạm ứng cho việc thực hiện hợp đồng uỷ thác và treo vào khoản phải thu. Như vậy, trong nhất thời thì ngân hàng có thể thoát khỏi khoản nợ xấu này, còn AMC thì có một hợp đồng uỷ thác đang thực hiện với một khoản tạm ứng tương ứng với giá trị uỷ thác của ngân hàng mẹ.

Ngoài ra, hiện nay đa phần các nhóm nợ tại các NHTM đều được ghi nhận ở nhóm 1 (nợ đủ tiêu chuẩn - có thời gian quá hạn dưới 10 ngày), nhóm 2 (nợ cần chú ý - thời gian quá hạn từ 10 đến 90 ngày) hoặc nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn - quá hạn trên 360 ngày) theo quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN do thống đốc NHNN ban hành ngày 25.4.2007. Với việc ghi nhận như vậy thì dù khả năng tài chính của khách hàng hay nền kinh tế có suy thoái đến đâu mà cứ "gồng mình" đảm bảo thời gian quá hạn như trên thì vẫn chưa nằm trong nhóm nợ xấu. Với cách phân nhóm nợ như báo cáo của các NHTM hiện nay thì tỷ lệ nợ xấu là khá thấp, nhưng một khi các nhóm nợ "đủ chuẩn" và "đáng chú ý" như trên chuyển xấu thì đồng loạt sẽ chuyển thẳng nhóm 5 chứ không chuyển dần từ nhóm 3 xuống nhóm 4 rồi tới nhóm 5. Như vậy sự sụp đổ từ lỗ hổng này là hoàn toàn có thể xảy ra. Đây là một cảnh báo xác thực mà các NHTM cần phải xem lại.


H.M.P.P

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Đinh Hoa (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN