Khó tránh nghẽn ATM dịp Tết

Ngân hàng Nhà nước vừa yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ giám sát chặt mức tồn quỹ ATM để bổ sung kịp thời, đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch tăng cao vào dịp cuối năm.

Hằng năm, trước Tết nguyên đán, Ngân hàng (NH) Nhà nước đều chỉ đạo các NH thương mại và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, phát hành thẻ phải có giải pháp ứng phó, phòng chống nghẽn và hết tiền trên máy ATM. Tuy nhiên, theo các NH thương mại, 80% giao dịch trên máy ATM chủ yếu là rút tiền mặt và lượng khách hàng giao dịch rút tiền vào những ngày cận Tết thường tăng đột biến khiến khó tránh khỏi quá tải.

Nhu cầu tăng đột biến

Theo các NH, dịp Tết nguyên đán hằng năm, các cây rút tiền ATM thường quá tải vì lượng giao dịch tăng mạnh. Dù số lượng thẻ tín dụng và ghi nợ tăng lên trong những năm qua nhưng thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn còn phổ biến. Số liệu thống kê cho thấy 80% giao dịch của khách hàng thực hiện trên các cây ATM là rút tiền. Đặc biệt, dịp cận Tết nguyên đán là thời điểm người lao động được nhận lương và thưởng Tết nên ai cũng muốn rút tiền để chi tiêu, gây áp lực rất lớn cho hệ thống ATM.

Ông Nguyễn Hữu Phúc, Giám đốc Trung tâm Thẻ NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), nhận định nhu cầu rút tiền mặt của người dân vào dịp cuối năm cũ - đầu năm mới thường tăng rất cao, thậm chí gấp 2-3 lần ngày thường. Vấn đề này dù luôn được các NH thương mại dự đoán trước nhưng diễn biến mỗi năm một khác, dẫn đến việc nhiều NH dù đã chuẩn bị kỹ vẫn không đáp ứng được nhu cầu rút tiền mặt của khách hàng.

Khó tránh nghẽn ATM dịp Tết - 1

Hệ thống ATM thường bị quá tải vào dịp Tết Ảnh: Hoàng Triều

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cũng thường đến sát ngày Tết mới trả lương, thưởng. Việc này dẫn đến tình trạng khách hàng phải xếp hàng chờ rút tiền, gây khó khăn cho các NH.

Để bảo đảm chất lượng dịch vụ, an toàn hoạt động ATM, đặc biệt là vào dịp cuối năm và Tết nguyên đán 2017, NH Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ giám sát chặt mức tồn quỹ ATM để bổ sung kịp thời, đáp ứng tối đa nhu cầu giao dịch tăng cao của khách hàng, nhất là tại các KCN-KCX, khu đông dân cư có nhu cầu rút tiền mặt lớn. Các NH cần chủ động có biện pháp giảm tải cho ATM, tránh việc xếp hàng dài chờ rút tiền, bảo đảm cung ứng cho ATM được ưu tiên hàng đầu. Hệ thống máy ATM cần thường xuyên được rà soát, kiểm tra bảo trì nhằm hoạt động an toàn, hiệu quả; NH thương mại phối hợp với tổ chức chuyển mạch thẻ để kịp thời xử lý sự cố, khiếu nại, thắc mắc của khách hàng...

Đại diện NH TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cho biết để hoạt động của hệ thống ATM không bị gián đoạn, đủ lượng tiền cần thiết phục vụ nhu cầu của khách hàng trong dịp cao điểm sắp tới, VietinBank đã triển khai các biện pháp như hệ thống có chức năng cảnh báo tồn quỹ qua điện thoại cho cán bộ phụ trách tại từng chi nhánh kịp thời tiếp quỹ. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án, kế hoạch tiền mặt phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu tiền mặt cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá cho khách hành, cũng như bảo đảm an ninh, an toàn ở các máy ATM.

“Trong trường hợp ATM cố định quá tải, chúng tôi sẽ tăng cường ATM lưu động tại các KCN. Ngoài ra, chúng tôi hướng dẫn khách hàng đến trực tiếp các chi nhánh, phòng giao dịch gần nhất để rút tiền mặt. VietinBank thống nhất với các đơn vị, doanh nghiệp có kế hoạch trả lương, thưởng trực tiếp tại đơn vị, doanh nghiệp..., tránh tình trạng tập trung quá đông người cần rút tiền cùng lúc tại các điểm máy ATM” - đại diện VietinBank thông tin.

Khai thác giao dịch trực tuyến

Để tránh gặp phải sự cố không rút được tiền, ATM hết tiền hoặc phải chờ hàng giờ mới đến lượt giao dịch..., các NH khuyến cáo khách hàng có nhu cầu sử dụng tiền mặt cần chủ động, sắp xếp thời gian rút tiền sớm, tránh vào dịp quá sát Tết. Nên chọn ATM gần các chi nhánh, phòng giao dịch của NH để có thể được hỗ trợ nhanh chóng hơn trong trường hợp bị máy nuốt thẻ.

Hiện nay, bên cạnh giao dịch rút tiền tại ATM, nhiều NH thương mại đã cung cấp các dịch vụ như thanh toán trực tuyến qua NH điện tử (Internet Banking, Mobile Banking), thanh toán qua các thiết bị chấp nhận thanh toán thẻ (POS). Khách hàng nên ưu tiên sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Nguyễn Hữu Phúc khuyến cáo khách hàng đang sử dụng thẻ từ, do công nghệ bảo mật chưa cao nên tội phạm dễ làm giả. Nhằm bảo đảm an toàn cho khách hàng, Sacombank đã triển khai việc chuyển đổi thẻ từ sang công nghệ chip thông minh. Tuy nhiên, để bảo vệ tài sản, khách hàng vẫn phải cẩn trọng trong việc sử dụng thẻ.

Những khách hàng thường xuyên thanh toán trực tuyến cần cảnh giác với thủ đoạn ăn cắp thông tin thẻ qua việc lây nhiễm virus đang khá phổ biến. Khi giao dịch trực tuyến, chủ thẻ nên sử dụng phần mềm phòng chống virus trên máy tính, điện thoại; không bấm vào các đường link không rõ ràng hoặc làm theo yêu cầu nhập thông tin cá nhân, thông tin thẻ; nên gõ địa chỉ của NH điện tử trực tiếp vào trình duyệt khi giao dịch trực tuyến, không nên bấm vào đường link được gửi qua email hay các đường link Google đề xuất (trường hợp tìm kiếm bằng Google) vì có thể bị làm giả gần giống địa chỉ thật. Ngoài ra, chỉ mua sắm, thanh toán trực tuyến tại những website chính thức của các NH và đơn vị bán hàng online uy tín...

Theo các chuyên gia, để an toàn trong việc dùng thẻ, chủ thẻ nên sử dụng dịch vụ báo giao dịch tự động và thông báo số dư qua tin nhắn để xử lý kịp thời khi có phát sinh giao dịch đáng ngờ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thái Phương (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN