Hãy bắt tay vào xử lý nợ xấu

Cuộc phỏng vấn của chúng tôi với nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Lê Đức Thúy, bắt đầu bằng hiện tượng một số tổ chức tín dụng đang huy động tiền gửi vượt trần 9%.

- Chuyện khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng, một tháng sau rút vẫn được hưởng lãi suất 11-12%/năm là có thật. Tại sao ngân hàng phải làm thế? Huy động cao làm gì vì có cho vay được đâu?

Huy động cao đồng nghĩa với việc ngân hàng cần có một dòng tiền bù đắp vốn vay đọng lại trong nợ xấu chưa thu hồi được. Ngân hàng vẫn phải trả gốc và lãi cho khoản đã cho vay ấy, do đó phải luôn huy động quá mức nhu cầu tín dụng.

Vậy theo ông nên hiểu như thế nào việc ngân hàng dồi dào thanh khoản, đến mức chấp nhận mua trái phiếu với lợi tức 9-10%/năm?

Thanh khoản nhìn bề ngoài có vẻ ổn. Ngân hàng nào thiếu tiền lên thị trường liên ngân hàng vay. Tuy nhiên ở đấy, có ai cho tôi vay dài hạn một năm hoặc trên một năm đâu, trong khi nợ đọng không biết bao giờ đòi được.

Mà trên liên ngân hàng bây giờ người ta trông giỏ bỏ thóc. Có ngân hàng vay được, ngân hàng không. Tốt hơn hết huy động giá cao của dân cho chắc ăn. Vốn ngân hàng vẫn đang loanh quanh để duy trì sự an toàn của chính ngân hàng.

Mới đây một số ngân hàng nói họ có thể tự giải quyết nợ xấu. Họ không vướng vào huy động lãi suất cao đúng không thưa ông?

- Những ngân hàng có nợ xấu dưới 2%, năng lực tài chính tốt không cần đến sự trợ giúp của Nhà nước để giải quyết nợ xấu. Nhưng họ vẫn bị nợ xấu làm khó, không cho vay ra được, và vẫn không thể hạ lãi suất tiền gửi dưới 9%/năm vì e ngại mất khách hàng, giảm thị phần.

Trong hoạt động ngân hàng ngưỡng an toàn của nợ xấu là dưới 5% tổng dư nợ. Hiện nợ xấu cả hệ thống 10%, tức là có những ngân hàng nợ xấu tới 20-30%. Những ngân hàng đó là hòn đá tảng kéo cả hệ thống đi lùi và tất nhiên họ không tự xử lý được. Còn xử lý chắp vá như hiện tại, thì những ngân hàng khỏe mạnh cũng chịu ảnh hưởng và nền kinh tế phải trả giá.

Hãy bắt tay vào xử lý nợ xấu - 1

Ông Lê Đức Thúy -  nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ông có thể giải thích rõ hơn ý nghĩa của từ “chắp vá” ở đây?

- Lúc này là lúc cần tỉnh táo, cái đầu bớt nóng để thấy rằng giải quyết nợ xấu không phải nhằm cứu mấy ngân hàng, mà là cứu nền kinh tế. Tôi cứu anh, nhưng tôi kiểm soát chặt để anh không thể tiêu một đồng nào trong vòng hàng năm, cho đến khi anh trả hết tiền tái cấp vốn. Thậm chí nếu anh không trả được, tôi biến phần cho vay thành cổ phần của tôi. Khi ấy các ông chủ ngân hàng mất đứt tiền. Chưa kể khi bị kiểm soát đặc biệt, cổ phiếu ngân hàng sụt giá. Nói ngân hàng trả giá là trả như vậy.

Nhưng khoan hãy nói ngân hàng phải trả giá. Phải cứu nền kinh tế khỏi nợ xấu để con tàu tăng trưởng không chậm lại và có nguy cơ bị chìm.

Nghĩa là sẽ có tổn thất phải không ông? Ai sẽ gánh chịu tổn thất ấy?

- Đương nhiên có thể có tổn thất, song đó là tổn thất đúng lúc, chi ra còn đỡ hơn để quá muộn, đến khi bệnh nặng không cứu nổi nữa thì gay.

Nợ xấu không thể tháo gỡ hết ngay lập tức. Tuy nhiên bắt tay vào giải quyết nợ xấu với một quyết tâm chính trị cao và chấp nhận cái giá thỏa đáng phải trả sẽ tạo nên động lực thay đổi lòng tin kinh doanh trong xã hội. Tự động thái bắt tay vào việc sẽ làm mặt bằng lãi suất sẽ trở về mức hợp lý. Không thể để tình trạng lạm phát giảm mạnh, tín dụng bằng không, sức mua giảm, hàng tồn chất đầy kho mà lãi suất cho vay vẫn cao. Đấy là nghịch lý và nghịch lý phải được gỡ bỏ từ gốc.

Hình như ông đang dồn cho nợ xấu quá nhiều lỗi và trách nhiệm?

- Xử lý nợ xấu phải gắn với tái cơ cấu ngân hàng, doanh nghiệp, làm cho nó hoạt động theo nguyên tắc thị trường, thanh lọc đơn vị yếu kém. Còn nếu để nhập nhằng như hiện nay, thì rồi nền kinh tế sẽ không có sự chuyển dịch nào.

“Thanh lọc” phải chăng là ngôn từ hơi mạnh?

- Thực ra doanh nghiệp đâu cần tuyên bố công khai tôi chết đây. Họ nói hiện chỉ biết đóng cửa chờ thời, cầm chừng. Tất nhiên vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp hoạt động bình thường, vì người ta vẫn sống.

Vấn đề không phải để doanh nghiệp kêu. Vấn đề là có những doanh nghiệp kêu to thì đôi khi phải xem chừng. Họ có thể đang gây áp lực để buộc xã hội phải gánh đỡ cho những yếu kém của mình. Có những doanh nghiệp không kêu, cắn răng chịu đựng, vì kêu cũng chẳng ích gì.

Trong bối cảnh hiện tại không phải chờ ai kêu, mà phải nhìn thấy tình hình xấu ở đâu và xử lý ngay.

Chắc ông cũng theo dõi gần đây các phương tiện truyền thông liên tục phản ánh về nợ xấu, nhưng biện pháp giải quyết vẫn chưa xuất hiện…

- Không ít người đổ cho ngân hàng gây ra nợ xấu, việc gì phải lấy tiền ngân sách ra cứu. Nói thế là chưa hiểu hết bản chất vấn đề. Chính phủ có trách nhiệm với cơ thể kinh tế này cho dù Chính phủ không có ý định bao bọc, che chở cho những doanh nghiệp làm ăn kém.

Một bệnh nhân nhập viện, không thể nói anh ta uống rượu, hút thuốc lá nhiều thế, nên không cứu nữa. Có bệnh phải chữa trị đã, còn nguyên nhân gây ra bệnh xử lý sau. Nếu để trái tim chết, cả cơ thể vẫn sống thì không nói làm gì. Đằng này không phải thế. Các bộ phận cơ thể gắn với nhau để tồn tại. Sau này phải tìm các thiết chế hạn chế nguy cơ mắc bệnh. Nhưng bây giờ tranh luận tốn thời gian để bệnh nhân chết sao?

Thưa ông, liệu có hợp đạo lý không khi lấy tiền đóng thuế của dân xử lý nợ xấu?

- Về nguyên tắc Chính phủ không dùng tiền của dân để bảo trợ lợi ích cho một nhóm nào đó. Chính phủ vì lợi ích tồn vong của nền kinh tế phải giải quyết nợ xấu cho hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp. Có thế mới đưa huyết mạch kinh tế trở lại bình thường, bơm máu nuôi cơ thể.

Việc giải quyết nợ xấu sẽ tốn thời gian. Trong thời gian ấy nền kinh tế phải chấp nhận tăng trưởng thấp, thưa ông?

- Không chấp nhận cũng không làm cách nào khác được. Chính phủ đang muốn thúc đẩy tăng trưởng, tránh suy giảm sâu, nhưng tín dụng không tăng được. Những quyết sách mang tính nhanh nhạy của NHNN như hạ mạnh lãi suất huy động, giảm lãi suất các khoản vay cũ cũng chỉ đủ sức cầm cự để tín dụng vừa qua không âm. Như vậy nguồn vốn đầu tư tư nhân không có. Còn đầu tư công đã cắt giảm. Nay có giải ngân mở rộng chăng nữa thì cũng khó như mong muốn vì nguồn thu không đạt chỉ tiêu. Tổng cục Hải quan cho biết mọi năm số thu bảy tháng đã đạt 60-70% kế hoạch, năm nay bảy tháng chưa được 50%.

Luồng vốn FDI cũng giảm. Chính phủ muốn đưa tiền ra không dễ. Bơm ra trong vòng mấy tháng không thể làm chuyển biến được nền kinh tế từ nay đến cuối năm. Hy vọng kinh tế chuyển biến năm sau.

Đừng nói bây giờ phải hy sinh tăng trưởng. Không hy sinh nó cũng không tăng. Cốt lõi là đừng để hy sinh quá dài!

Ông dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay khoảng bao nhiêu?

- Nếu năm nay tăng được 5%, theo cá nhân tôi, là đáng mừng. Càng ngày càng thấy 5% vẫn còn lạc quan. Đừng để năm sau cũng chỉ 5%, thậm chí thấp hơn. Nếu tình hình cứ như hiện nay, có thể năm sau còn thấp hơn nữa.

Ông có cho rằng các quyết sách của chúng ta đã đủ mạnh để tăng trưởng không thấp hơn?

- Ở một mức độ nào đó, tình hình kinh tế đang diễn biến ngoài khả năng kiểm soát của chúng ta. Khi đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay, Chính phủ để mức 15 -17%, không phải 5-6%. Nay NHNN đã và tiếp tục sẵn sàng nâng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng. Cung tiền cũng không bóp chặt, bằng chứng là tổng phương tiện thanh toán tăng khá tốt. Thế nhưng nền kinh tế vẫn không hấp thụ được vốn, vẫn đi xuống.

Trong khi đó, lạm phát như một thứ lửa. Thêm củi nó bùng lên, rút củi nó nguội lạnh. Một nguyên nhân khiến lạm phát cao là do sử dụng không hiệu quả vốn đầu tư. Đã đến lúc phải để thị trường đóng vai trò khách quan của nó trong phân bổ nguồn lực. Lãi suất không thể điều hành mãi bằng mệnh lệnh hành chính. Phải để thị trường quyết định lãi suất, tự nó tìm được điểm cân bằng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hải Lý (Trí thức trẻ)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN