Nợ xấu phải coi là vốn đã mất

Nợ xấu của ngân hàng (NH) là vấn đề được bàn luận khá nhiều nhưng đến nay giải pháp nào để xử lý vẫn còn đang tranh cãi. Xét theo cách phân định nợ xấu như hiện nay của NHNN, dường như đang có sự che giấu về nguyên nhân gây nên nợ xấu, đồng thời làm mờ nguy cơ mà nó có thể gây ra.

Về lý thuyết, quan hệ tín dụng luôn có hai chủ thể là người vay (doanh nghiệp - DN) và người cho vay (NH). Vậy, khi nợ xấu xảy ra, trách nhiệm trước hết được quy ngay vào việc quản lý yếu kém của hai chủ thể kinh tế này. Nhưng ở thực tế, nợ xấu còn có nguyên nhân khách quan khó tránh như: khủng hoảng, lạm phát, biến động tỷ giá, thay đổi pháp luật... Từ đó, để tạo điều kiện vật chất khắc phục rủi ro, luật đang buộc các NH phải tiến hành trích lập dự phòng.

Tính đến nay, chưa có con số thống nhất về nợ xấu, song nhận định chung là nó rất lớn và cần xử lý cấp bách. Bởi lẽ, nợ xấu thực chất là vốn đã mất nhưng vẫn được ghi trên bảng cân đối kế toán như là một loại tài sản. Vậy nên xử lý nợ xấu bây giờ không phải là tìm cách khôi phục vốn đã mất đó, mà chỉ là những thủ tục, những thao tác xóa khoản mục tài sản này trong bảng cân đối kế toán. Nói cách khác là “làm sạch” bảng cân đối kế toán.

Nợ xấu phải coi là vốn đã mất - 1

Đã có nhiều biện pháp đã được nêu ra, song điều đáng nói là các giải pháp mà Chính phủ đưa ra tính đến nay còn phân tán, chưa rõ trọng tâm. Thêm nữa, tâm lý xã hội lại nôn nóng, muốn giải quyết nhanh bằng cách dựa vào Nhà nước khiến mọi chuyện cứ lơ lửng không giải quyết được.

Đó là chưa kể tình trạng nợ xấu hiện nay là hậu quả của những yếu kém kéo dài của các chủ thể kinh tế và cả của Nhà nước, lại bị chi phối bởi nhiều nhóm lợi ích, cho nên việc xử lý cần có thời gian với những bước đi vững chắc, minh bạch, vì lợi ích chung, không vì các nhóm lợi ích.

Thông thường, vai trò điều chỉnh kinh tế của Nhà nước được đề cao trong việc tích cực hỗ trợ xử lý nợ xấu nhằm ổn định kinh tế, xã hội. Ở Việt Nam, vai trò này lại càng quan trọng. Nhất là khi mục tiêu kinh tế chưa phân định rạch ròi với mục tiêu chính trị - xã hội, quản lý nhà nước còn chồng chéo với quản lý kinh doanh, nhiều khi Nhà nước đã trực tiếp can thiệp vào quản lý kinh doanh của các chủ thể kinh tế, gây ra hậu quả thua lỗ. Như vậy, sau nhiều giải pháp được đề ra, hiện có 3 biện pháp được đúc kết từ các đề xuất được cho là đáng quan tâm lúc này.

Thứ nhất, NH và DN tự xử lý. Đây có thể được coi là hướng chủ đạo vì nhiều nguyên nhân. Chẳng hạn, điều này thể hiện quan điểm xử lý nợ xấu trước hết phải thuộc về NH và DN. Dĩ nhiên đã gọi là xử lý nợ xấu thì không thể hy vọng thu hồi được toàn bộ. Cho nên ở đây cần đặt vấn đề xóa/giảm/giãn.

Khả năng làm việc này trước hết phụ thuộc vào thiện chí cộng tác của hai bên và mức độ trích dự phòng rủi ro của các NH. Nhiều người đã kêu gọi NH “hy sinh” lợi nhuận bằng cách tăng trích dự phòng. Nếu NH và DN thỏa thuận được vấn đề xóa/giảm/giãn nợ cũ, tốt hơn nữa, nếu DN lại được tiếp thêm vốn để tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thì nợ xấu có thể được các bên liên quan từng bước giải quyết.

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo nhiều NH cũng đã khẳng định rằng họ có thể tự giải quyết. Vì thực tế thời gian qua, nhiều NH đã tiến hành mua bán- sáp nhập, qua đó nợ xấu của NH yếu kém trước sáp nhập được hòa trong tình trạng tài chính chung của NH hình thành sau sáp nhập.

Dù thực chất đây chỉ là một cách điều chuyển tài sản không mấy minh bạch giữa hai NH này, nhưng cũng đã là tiền lệ. Xét về lý thuyết, có thể sử dụng biện pháp này để xử lý nợ xấu, nếu NH/DN mạnh, kể cả của nước ngoài, có kế hoạch thôn tính, sáp nhập NH/DN yếu với những tính toán lợi ích dài hạn là sử dụng lãi trong tương lai bù cho nợ xấu hiện nay.

Thứ hai, xử lý theo cơ chế mua bán nợ. Nếu NH và DN không thống nhất được việc tự xử lý nợ xấu, cần sử dụng cơ chế mua bán nợ thông qua một tổ chức trung gian là công ty mua bán nợ. Hiện nay, nước ta đã có Công ty Mua bán nợ trực thuộc Bộ Tài chính (DATC), song quy mô còn nhỏ.

Nếu Công ty Mua bán nợ quốc gia hoạt động theo nguyên tắc kinh doanh trên thị trường như cơ chế mua bán nợ thông dụng trên thế giới, xã hội không có lý gì không đồng thuận. Song, nếu công ty này trở thành cái túi hứng nhận nợ xấu cho hệ thống NH, số người phản đối sẽ nhiều, bởi nếu làm thế có nghĩa là Nhà nước lấy tiền thuế của dân để trả nợ xấu, trong khi các đại gia NH, những người phải chịu trách nhiệm về nợ xấu lại vô can.

Cuối cùng vẫn là sự hỗ trợ của Nhà nước. Như đã nêu, nợ xấu còn có nguyên nhân khách quan, do đó Nhà nước không thể không tham gia xử lý nợ xấu. Vấn đề là ở mục tiêu: vì lợi ích quốc gia hay vì lợi ích các nhóm.

Muốn vậy cần tách hoạt động kinh doanh của Công ty Mua bán nợ quốc gia với những hỗ trợ trực tiếp, minh bạch của Nhà nước đối với các trường hợp cụ thể cần hỗ trợ. Và để thống nhất quản lý xử lý nợ xấu trong sự kết hợp chặt chẽ với những hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước, rất cần có một trung tâm điều hành cấp Chính phủ, có đủ uy tín và quyền quyết định các vấn đề liên quan.
 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Văn Tứ ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN