Cần xử lý triệt để nợ xấu

Chủ trương của Chính phủ là không xử lý nợ xấu ngân hàng bằng cách dùng hoàn toàn tiền mặt vì dễ gây ra lạm phát mà sẽ dùng nhiều công cụ khác

Chiều 3-7, Chính phủ đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 6 do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì.

Tăng giá điện không được ảnh hưởng đến người nghèo

Tại cuộc họp báo, giải thích về việc tăng giá điện mới đây, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng về lâu dài, giá điện phải đưa về cơ chế thị trường. Hiện nay, giá điện vẫn được bán dưới giá thành dẫn tới nhiều hệ lụy và nhiều ngành sản xuất công nghiệp tiêu tốn điện nhiều được hưởng lợi như cán thép…

Do vậy, nếu hạch toán đầy đủ giá điện thì kết quả sản xuất, kinh doanh của các ngành sẽ công bằng hơn. Việc đưa giá điện theo cơ chế thị trường cần có lộ trình. Quan điểm của Chính phủ về việc điều chỉnh giá điện phải bảo đảm 3 yêu cầu.

Thứ nhất, phải công khai, minh bạch (giá thành, lỗ - lãi, lý do tăng - giảm). Thứ hai, điều chỉnh giá phải đúng các quy định của pháp luật. Thứ ba, việc tăng giá không được làm ảnh hưởng tới người nghèo, người có thu nhập thấp. Trường hợp có tác động, phải có giải pháp để bù đắp cho các đối tượng này. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết: “Chính phủ rất chia sẻ với một bộ phận doanh nghiệp (DN), người dân bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá điện. Đồng thời, Chính phủ cũng kêu gọi DN, nhân dân cùng nỗ lực vì các mục tiêu lớn hơn.

Đặc biệt, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải rút kinh nghiệm. Khi tăng giá hàng hóa có tác động tới người dân, ngoài việc công khai, minh bạch, cần có sự tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội”. Cũng liên quan tới vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh cho biết giá điện tăng 5% ảnh hưởng không nhiều tới các ngành sản xuất. Bà Minh trấn an: “Ở những ngành sử dụng nhiều điện như hóa chất, luyện kim thì chi phí tiền điện cũng chỉ chiếm 10% giá thành, tức là giá thành sẽ bị tăng 0,5%. Nếu DN điều chỉnh giờ sử dụng điện và áp dụng các biện pháp tiết kiệm thì việc tăng giá điện sẽ tác động rất nhỏ đến giá thành”.
Đang nghiên cứu mô hình xử lý nợ xấu.

Trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin Nhà nước sẽ thành lập một công ty mua bán nợ xấu với số nợ xấu lên tới hơn 100.000 tỉ đồng, việc thành lập công ty này đến đâu và quan điểm của Chính phủ trong vấn đề này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định chủ trương của Chính phủ là phải giải quyết nhanh các khoản nợ xấu và Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có giải pháp. Ông Đam nhìn nhận việc ngân hàng chưa có biện pháp giải quyết nợ xấu đã khiến DN không thể tiếp cận được nguồn vốn.

Cần xử lý triệt để nợ xấu - 1

Chính Phủ khẳng định việc giải quyết nợ xấu ở các ngân hàng là rất quan trọng ( ảnh minh họa)

Do đó, việc giải quyết nợ xấu là rất quan trọng. “Nhưng không có nghĩa là đợi NHNN cho thành lập công ty mua bán nợ xấu xong thì mới bắt tay vào giải quyết nợ xấu mà NHNN phải làm việc với hệ thống ngân hàng để xử lý từng khoản nợ xấu. Đặc biệt, chủ trương của Chính phủ là không xử lý nợ xấu ngân hàng bằng cách dùng hoàn toàn tiền mặt vì dễ gây ra lạm phát mà sẽ dùng nhiều công cụ khác” - ông Vũ Đức Đam nói.

Giải thích thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ - NHNN, cho biết việc thành lập công ty mua bán nợ xấu là một trong những nội dung tại Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015.

“Tại thời điểm này, NHNN vẫn đang nghiên cứu mô hình và hoạt động của công ty mua bán nợ xấu ngân hàng” - bà Hồng cho biết. Cũng theo bà Hồng, NHNN đã cơ bản hoàn thành các phương án xử lý các ngân hàng yếu kém để trình Chính phủ tới đây.

Cử cán bộ “nằm” tại các tập đoàn

Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã bàn việc sửa đổi Nghị định 132 của Chính phủ quy định về đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty.
Theo ông Đam, lần sửa đổi này có nhiều điểm mới, như các DN Nhà nước phải tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính. Ngoài ngành nghề kinh doanh chính, với những ngành nghề mà các tập đoàn, tổng công ty đã đầu tư sang như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán thì phải thoái vốn.
Đối với công tác cán bộ cũng sẽ có những quy định chặt chẽ hơn về trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành. Bên cạnh đó, thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo của tập đoàn, các tổng công ty 90, 91, có những vị trí tiếp tục do Thủ tướng bổ nhiệm; có vị trí do HĐQT, hội đồng thành viên bổ nhiệm.
Đặc biệt, sẽ quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý đồng vốn, tài sản Nhà nước ở các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước của bộ chủ quản, bộ quản lý chuyên ngành. Về ý tưởng lập thêm bộ quản lý chuyên ngành đối với DN Nhà nước, Bộ trưởng Vũ Đức Đam thông tin Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu, lấy ý kiến các chuyên gia.
Trả lời câu hỏi về xử lý trách nhiệm đối với ông Đào Văn Hưng, nguyên chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN, trong việc để EVN Telecom lỗ hàng ngàn tỉ đồng, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã tiến hành làm rõ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến việc thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả của EVN Telecom và đã có báo cáo lên Chính phủ. “Ban Cán sự Đảng Chính phủ cũng đã họp và nhận thấy đối với việc thua lỗ của EVN Telecom, tập thể lãnh đạo EVN và một số cá nhân lãnh đạo EVN phải chịu trách nhiệm. Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan chức năng thực hiện các bước cần thiết để xử lý kỷ luật cán bộ. Tinh thần là xử lý nghiêm minh, trách nhiệm lớn thì kỷ luật nặng. Khi có ý kiến kết luận, Chính phủ sẽ công bố công khai” - ông Đam nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thế Dũng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN