Ép đại gia ngân hàng "cứu" đại gia BĐS

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng xem xét, cấp tín dụng hợp vốn cho các dự án lớn có hiệu quả trong trường hợp nhu cầu vốn của khách hàng vượt quá các hạn chế tín dụng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu 14 ngân hàng thực hiện các nội dung tháo gỡ khó khăn trong hoạt động để đáp ứng nhu cầu vốn cho các dự án có hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ của tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu 14 ngân hàng trên khi xem xét cho vay các dự án lớn có hiệu quả, trường hợp nhu cầu vốn vay của khách hàng vượt các hạn chế tín dụng, các ngân hàng thương mại trên thực hiện việc xem xét, cấp tín dụng hợp vốn theo quy định tại Thông tư số 42/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 .

Theo Thông tư 42 quy định việc cấp tín dụng hợp vốn của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, cấp tín dụng hợp vốn là việc có từ hai tổ chức tín dụng trở lên cùng thực hiện cấp tín dụng đối với khách hàng, thông qua các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác.

Trường hợp tổ chức tín dụng đầu mối cấp tín dụng hợp vốn chưa tập hợp đủ các tổ chức tín dụng thành viên tham gia hợp vốn (nếu có), tổ chức tín dụng đầu mối tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước để thông tin, khuyến nghị các tổ chức tín dụng khác tham gia hợp vốn.

Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp xử lý nợ theo các quy định hiện hành; thực hiện mua, bán nợ theo quy định tại Quyết định số 59/2006/QĐ-NHNN ngày 21/2/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Quy chế mua, bán nợ của tổ chức tín dụng.

Nếu tổ chức tín dụng có nhu cầu chào mua, bán các khoản nợ nhưng chưa tìm được bên bán nợ/bên mua nợ thì tổ chức tín dụng tổng hợp báo cáo Ngân hàng Nhà nước để tổng hợp chung. Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ, trong báo cáo cần nêu cụ thể giá trị khoản nợ, tình trạng khoản nợ (nội bảng, ngoại bảng), các quyền gắn liền với các đảm bảo cho khoản nợ…

14 ngân hàng được yêu cầu thực hiện các nội dung trên gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, các Ngân hàng thương mại cổ phần: Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Công thương Việt Nam, Ngoại thương Việt Nam, Á Châu, Xuất nhập khẩu, Sài Gòn thương tín, Kỹ thương, Quân đội, Hàng Hải, Việt Nam Thịnh vượng, Quốc tế, Đông Nam Á, Sài Gòn - Hà Nội.

Mặt khác, các tổ chức tín dụng nghiên cứu, báo cáo cụ thể các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện xử lý nợ theo quy định tại Quyết định số 493/2005/QĐ-NHNN ngày 22/4/2005 và Quyết định số 18/2007/QĐ-NHNN ngày 25/4/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng. Đồng thời, đề xuất, kiến nghị các biện pháp xử lý, sửa đổi phù hợp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương An ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN