Doanh nghiệp “vượt rào” vì quy chuẩn xây dựng thiếu và yếu

Sự kiện: Kinh Doanh

Quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam không được cập nhật liên tục nên các điều kiện quy định trong lĩnh vực nhà ở đang bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế. Thậm chí, nhiều tiêu chuẩn ban hành rồi để đó, doanh nghiệp vô tư “vượt rào”.

Ban hành rồi để đó

Tháng 6/2013, Bộ Xây dựng ban hành hướng dẫn về “Chỉ tiêu kiến trúc áp dụng cho công trình nhà cao tầng” bắt buộc các doanh nghiệp và địa phương tuân thủ. Cụ thể, về chỉ tiêu chỗ đỗ xe (ô tô, xe máy, xe đạp) của chung cư, với 100m2 diện tích sử dụng căn hộ, chủ đầu tư bắt buộc phải bố trí tối thiếu 20m2 chỗ để xe (với nhà ở thương mại) và 12m2 chỗ để xe (với nhà ở xã hội). Tuy nhiên thực tế, nhiều chung cư cao tầng tại TPHCM và Hà Nội hiện nay, chủ đầu tư không áp dụng quy định này khiến nhiều nơi thiếu trầm trọng chỗ đỗ xe như khu chung cư Trung Hòa - Nhân Chính, Linh Đàm (Hà Nội)…

Cũng trong năm 2013, Bộ Xây dựng ra Quyết định 212 hủy bỏ 169 tiêu chuẩn xây dựng không còn phù hợp, trong đó có tiêu chuẩn xây dựng về nhà cao tầng. Nhưng đến nay, sau bốn năm, tiêu chuẩn này vẫn chưa được bổ sung cho kịp yêu cầu thực tế và ban hành thay thế tiêu chuẩn cũ, khiến việc thiết kế, thẩm tra, cấp phép xây dựng các công trình cao tầng mỗi nơi một kiểu. Tiêu biểu như trục đường Lê Văn Lương, Tố Hữu (Hà Nội)…

Doanh nghiệp “vượt rào” vì quy chuẩn xây dựng thiếu và yếu - 1

Tiêu chuẩn xây dựng nhà cao tầng chưa được bổ sung kịp thời kiến “cao ốc” đua nhau mọc trên khắp tuyến phố ở Hà Nội. Ảnh: Như Ý.

Đến năm 2015, Bộ Xây dựng tiếp tục ban hành thông tư về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng công trình đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng. Theo đó, thông tư quy định, tại các công trình xây dựng chung cư phải dành ít nhất 2% chỗ đỗ môtô ba bánh, xe lăn để người khuyết tật vận động. Tuy nhiên, hầu hết các khu chung cư xây dựng từ thời điểm đó đến nay cũng đều “bỏ quên” quy định này. Cũng tại quy chuẩn này, quy định về việc công trình xây dựng khác phải dành không gian cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng, như: các công trình xây dựng công cộng, công trình văn hóa - thể thao, công trình khách sạn, thương mại, dịch vụ, công trình giao thông công cộng... cũng không hề được lưu tâm.

Thiếu quy chuẩn cho căn hộ khách sạn

Ông Đoàn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) Việt Nam phân tích, hiện nay, mô hình condotel (căn hộ khách sạn) đang phát triển mạnh mẽ ở các vùng biển như: Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng… Nhưng thực tế, chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật nào cho condotel khiến chủ đầu tư cũng loay hoay trong triển khai và có những nơi “vượt rào” xây dựng.

Theo ông Bình, hiện, quy chuẩn kỹ thuật cho condotel theo tiêu chuẩn khách sạn. Tuy nhiên, trên thực tế mô hình condotel lại gần giống với căn hộ chung cư hơn so với các khách sạn thông thường. Do đó, condotel nên được áp dụng một số quy chuẩn giống như căn hộ chung cư. Mặc dù vậy, nếu việc áp dụng hoàn toàn quy chuẩn kỹ thuật xây dựng chung cư cho condotel ven biển sẽ có những điểm bất cập, đặc biệt là với những yêu cầu của nhà chung cư nhằm phục vụ mục đích sinh hoạt của các hộ gia đình.  Ví dụ: Theo quy chuẩn kỹ thuật của chung cư, cứ 100m2 diện tích căn hộ, chủ đầu tư phải bố trí 20m2 diện tích chỗ để xe. Yêu cầu này nếu áp dụng cho condotel ven biển với mục đích nghỉ dưỡng, không hình thành đơn vị ở sẽ không phù hợp.

“Chúng tôi đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cần sớm ban hành quy chuẩn kỹ thuật riêng cho condotel ven biển trên cơ sở phù hợp với mục đích, yêu cầu sử dụng của dòng bất động sản này. Từ góc độ quản lý vận hành, với tính chất là một sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng, condotel ven biển cũng cần một cơ chế quản lý, vận hành khác biệt so với nhà chung cư. Nếu như chung cư bắt buộc phải thành lập ban quản trị thì ở condotel ven biển, chủ đầu tư tự mình hoặc thuê đơn vị quản lý khách sạn thực hiện việc quản lý, vận hành cho mục đích cho thuê nghỉ dưỡng”, ông Bình nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, PGS.TS Trần Chủng, Trưởng ban chất lượng- Tổng hội Xây dựng VN (nguyên Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng) phân tích, có một thực tế là hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn trong lĩnh vực Xây dựng ở nước ta đang còn “hỗn độn”, có quá nhiều tiêu chuẩn Việt Nam đã bị cũ và lạc hậu. Các tiêu chuẩn Việt Nam gần đây được biên soạn hay biên dịch lại xuất phát từ việc tham khảo tiêu chuẩn của rất nhiều quốc gia khác nhau như: Nga, Mỹ, Nhật Bản, Anh, Trung Quốc, EU…

“Để tháo gỡ sự hỗn độn này, theo tôi, mỗi dự án đầu tư xây dựng có thể lựa chọn tiêu chuẩn áp dụng cho dự án đảm bảo tính đồng bộ và được người quyết định đầu tư phê duyệt chấp thuận. Khi “Danh mục tiêu chuẩn áp dụng cho dự án” được phê duyệt thì ngoài quy định “Quy chuẩn bắt buộc phải tuân thủ” theo Luật Quy chuẩn và Tiêu chuẩn thì các tiêu chuẩn này trở thành căn cứ kỹ thuật buộc dự án phải tuân thủ”, ông Chủng nói.

Theo ông Chủng, việc tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật là việc bắt buộc nhằm đảm bảo an toàn cho công trình, cho người sử dụng, vì lợi ích của cộng đồng, an toàn và an ninh của toàn xã hội. Vì thế, việc vi phạm các quy định của quy chuẩn, tiêu chuẩn gây thiệt hại về vật chất buộc phải bồi thường. Còn nếu việc không tuân thủ quy chuẩn, tiêu chuẩn dẫn đến các thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, sinh mạng con người, an toàn môi trường… sẽ bị xử lý hình sự.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy trong cuộc họp tổng kết ngành xây dựng vừa qua cho biết, năm 2016, Bộ Xây dựng  rà soát, điều chỉnh các văn bản, tiêu chuẩn, quy chuẩn đã được Bộ Xây dựng thực hiện. Thực tế, nhiều văn bản chưa theo kịp những thay đổi mới về thiết bị, công nghệ thi công xây dựng công trình. Năm 2017, Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới cho phù hợp với phát triển công nghệ hiện nay. Mục tiêu của việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung nhằm hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn phục vụ công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt, với loại hình căn hộ condotel sẽ có tiêu chuẩn về xây dựng trong năm 2017.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN