Doanh nghiệp kêu lỗ, chây ỳ nộp thuế

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhiều doanh nghiệp (DN) khai khoáng mua công nghệ lạc hậu, làm ăn thua lỗ, để lại cho địa phương những khoản nợ thuế khó đòi. Thậm chí, DN gây ô nhiễm môi trường, phớt lờ yêu cầu của cơ quan chức năng, tiếp tục hoạt động.

Mặc cả thuế như ngoài chợ

DN khai khoáng ở Cao Bằng hiện nợ đọng 47 tỷ đồng tiền thuế. Trong đó, Cty Cổ phần Công nghiệp măng gan Cao Bằng nợ trên 10 tỷ đồng; Cty Cổ phần Khoáng sản và Công nghiệp Cao Bằng nợ trên 13 tỷ đồng; Cty Than cốc và Khoáng sản Việt Trung nợ trên 14 tỷ đồng…

Theo bà Chu Thúy Oanh, Phó Cục trưởng Cục thuế tỉnh Cao Bằng,  trước khi khai thác, DN sẽ phải nộp một khoản tiền. Thực tế, chủ mỏ không đủ năng lực nên cơ quan chức năng tạo điều kiện cho tạm thời nợ. Đến khi khai thác ổn định, phát sinh nguồn thu, DN bắt đầu khai thuế phí lại dây dưa, không nộp, dù cơ quan chức năng áp dụng mọi biện pháp truy thu. Phần lớn DN kêu gặp khó trong khai thác, do trữ lượng không đảm bảo và giá bán giảm. Lãnh đạo Tập đoàn Tây Giang (một trong những công ty nợ thuế) hứa nộp 1 tỷ đồng tiền thuế nhưng sau đó công ty xin giảm, chỉ nộp 800 triệu đồng và cuối cùng không nộp đồng nào.

Doanh nghiệp kêu lỗ, chây ỳ nộp thuế - 1

Dù cơ quan chức năng yêu cầu đóng cửa, nhà máy vẫn hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

“Thuế là nghĩa vụ phải nộp nhưng DN mặc cả như ngoài chợ. Theo tôi, cơ quan quản lý trước khi ký quyết định cấp phép cho DN khai thác mỏ phải có trách nhiệm, chứ không phải cứ cấp bừa rồi đẩy sang cho ngành thuế”, bà Oanh nói.

Theo Sở TN&MT Cao Bằng, việc nợ thuế của DN chủ yếu là do tồn tại trước đây và sau khi thực hiện Nghị định 203 về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Hiện nay, quan điểm của tỉnh là DN không nộp thuế sẽ không gia hạn khai thác, nộp các loại thuế phí mới cấp phép khai thác.

Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết: “Để chấn chỉnh hoạt động khai khoáng, trong tháng 3/2017, DN nào không chấp hành nghĩa vụ thuế phí, nếu phải trả mỏ, tỉnh sẽ kiên quyết thu hồi”.

Phớt lờ yêu cầu cơ quan chức năng

Ngoài chây ỳ nộp thuế, một số DN khai thác khoáng sản ở Cao Bằng còn gây ô nhiễm môi trường do công nghệ lạc hậu. Thậm chí, khi cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoạt động, họ vẫn phớt lờ. Theo phản ánh của người dân xã Quốc Toản (Trà Lĩnh, Cao Bằng), Nhà máy luyện Feromangan của Cty Cổ phần Khoáng sản Nikko Việt Nam đóng trên địa bàn huyện thải khói bụi ra môi trường. Dù cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoạt động nhưng giữa tháng 1/2017, công ty vẫn phớt lờ.

“Khi cơ quan môi trường vào kiểm tra, tôi cũng trả lời với đoàn kiểm tra là không thể tránh khỏi khói bụi. Còn người dân kêu thì kệ dân, vì tôi cũng không biết được họ kêu thế nào”.

Bà Đặng Bích Hằng

“Nhà máy đốt lò khói bay mù mịt, mùi hắc rất khó thở. Chúng tôi phải đóng kín cửa để dễ thở hơn. Đoàn kiểm tra bảo dừng hoạt động nhưng tôi thấy họ vẫn đốt lò”, chị Lục Thị Vân, người dân thôn Lũng Sập (xã Quốc Toản) nói.

Theo Sở TN&MT Cao Bằng, hoạt động từ năm 2009 với công suất luyện 7.500 tấn/lò/năm, từ đó đến tháng 10/2014, lò luyện Feromangan hoạt động cầm chừng, trung bình mỗi năm hoạt động từ 2 đến 6 tháng. Riêng năm 2012, lò này dừng hoạt động. Tháng 2/2016, lò luyện Feromangan hoạt động trở lại và cuối 2016, người dân phản ánh việc xả khói bụi ra môi trường.

Bà Đặng Bích Hằng, Giám đốc Cty Cổ phần Khoáng sản Nikko cho rằng, khói bụi của nhà máy không thể tránh khỏi, vì công ty mua lại công nghệ cũ của doanh nghiệp trước. Khi được hỏi “tại sao đơn vị không nghiêm chỉnh chấp hành yêu cầu tạm dừng sản xuất để hoàn thiện hệ thống ngăn khói bụi”, bà Hằng cho biết, nhà máy không làm lấy đâu tiền trả lương công nhân và chúng tôi vừa hoạt động sản xuất vừa hoàn thiện công nghệ xử lý khí bụi.

Ông Lưu Văn Hòa, Trưởng Phòng TN&MT huyện Trà Lĩnh khẳng định, Nhà máy Feromangan chạy lò hoạt động khi chưa hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường và nhả khí bụi gây ô nhiễm. Tại kỳ họp HĐND trong năm 2016, nhiều người dân tại xã Quốc Toản phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm và huyện đã yêu cầu Phòng TN&MT báo cáo việc này. Theo kết quả kiểm tra liên ngành vào tháng 1/2017, Cty Cổ phần Khoáng sản Nikko chưa có báo cáo tình hình quản lý chất thải nguy hại, trong quá trình luyện măng gan không bật hệ thống xử lý khí bụi, hệ thống thoát nước mặt của nhà máy đã hư hỏng…

Ngày 9/2, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chỉ đạo Sở TN&MT lập biên bản yêu cầu công ty dừng hoạt động sản xuất của Nhà máy luyện Feromangan.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Linh (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN