Doanh nghiệp đừng để bị... cán bộ ghét!

Sự kiện: Kinh Doanh

Có khi một doanh nghiệp bị thanh tra mười mấy lần một năm.

Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ là bước đột phá nhưng một số địa phương và bộ, ngành còn trì trệ. Đó là ý kiến chung của các hiệp hội và doanh nghiệp (DN) tại cuộc họp đánh giá một năm thực hiện Nghị quyết 35, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 6-3.

Đây là cuộc họp nhằm thu thập ý kiến trước thềm cuộc gặp giữa Thủ tướng và cộng đồng DN dự kiến diễn ra cuối tháng 3-2017.

3 ngày không gặp được lãnh đạo

Tổng Thư ký Hiệp hội Cơ điện Việt Nam Mai Đình Mạnh kể có công ty trong hiệp hội làm dự án đường dây cao thế cho phường 14, quận 10, TP.HCM. Dự án kết thúc từ năm 2012, đưa vào hoạt động, đến giờ vẫn bị nợ 10 tỉ đồng.

“Công ty nhỏ mà bị nợ 10 tỉ thì chết rồi. Chúng tôi đã kiến nghị lên UBND TP.HCM, Bộ Tài chính, ngành điện… nhưng vẫn chưa đi đến đâu cả. Đề nghị VCCI giúp đỡ chúng tôi” - ông Mạnh cầu cứu.

Điều ông Mạnh lo ngại là không biết những kiến nghị này có đến tai Thủ tướng hay không. Bởi lẽ hiệp hội của ông đã từng mở ra nhiều hội nghị đối thoại với các ngành, cơ quan nhưng nhiều vấn đề vẫn không được giải quyết.

Ông Nguyễn Văn Đệ (bầu Đệ) là người có nhiều dự án đầu tư ngoài địa bàn Thanh Hóa nơi công ty ông đặt trụ sở. Tuy vậy, khi đến các tỉnh, thành khác đầu tư, không phải lúc nào ông cũng gặp thuận lợi, mặc dù chủ trương chung của các tỉnh là thu hút đầu tư.

Theo bầu Đệ, những khó khăn đó ngoài cơ chế, chính sách thì còn nằm ở tư duy quan liêu, bao cấp của các lãnh đạo, cán bộ, công chức của một số địa phương.

Doanh nghiệp đừng để bị... cán bộ ghét! - 1

Ông Nguyễn Xuân Dương: Khi trên nóng, dưới lạnh thì sẽ kéo lùi sự phát triển. Ảnh: CHÂN LUẬN

Bầu Đệ nói: “Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ DN là rất đáng hoan nghênh, có tác dụng khơi thông cho DN phát triển. Nhưng khi chúng tôi xuống tỉnh, có khi nằm lỳ cả ba ngày để xin gặp mà bí thư, chủ tịch tỉnh không tiếp. Thế thì làm sao địa phương lắng nghe ý kiến nhân dân, DN?”.

Theo bầu Đệ, Nghị quyết 35 chỉ có tác dụng với những người “có ý thức”. Nhiều tỉnh, thành ký kết với VCCI để thực hiện Nghị quyết 35 chỉ vì Thủ tướng yêu cầu, còn thực tế địa phương rất thờ ơ.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên, cho rằng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên rất tích cực thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ. Dù vậy, ông Dương cũng cho rằng: “Bên dưới các sở, ngành, huyện… còn chậm chuyển biến. Khi mà “trên nóng, dưới lạnh” thì sẽ kéo lùi bước phát triển.

Chưa hết nạn vòi vĩnh

Một vấn đề được các DN đề cập là nạn nhũng nhiễu, vòi vĩnh của cán bộ, công chức đối với DN. Điều này cũng làm cho các DN rất khó phát triển.

“Nạn thanh tra, kiểm tra nhiều cũng là vấn đề. Có khi một DN bị thanh tra mười mấy lần một năm” - bầu Đệ kể.

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Phú Thọ, nói rằng có hiện tượng trên là do cả hai phía DN và cán bộ, công chức. “Nhiều việc quan điểm giải quyết của cán bộ, công chức không thống nhất. Nếu một việc báo cáo ba “ông” thì sẽ có ba hướng khác nhau. Ông thứ nhất bảo được, ông thứ hai bảo cần xem lại, ông thứ ba bảo… không được đâu. Phải chăng cán bộ, công chức đang làm theo cảm tính chứ không theo luật pháp?”.

Tuy vậy, ông Thản cũng thừa nhận nhiều DN còn chưa có văn hóa kinh doanh, không biết luật nên bị “bắt nạt” và không tuân theo pháp luật. “Đó là những con sâu làm rầu nồi canh, cộng với tâm lý “vì một người xấu mà ghét cả làng” của cán bộ, công chức khiến nhiều DN chân chính ngán ngẩm” - ông Thản thẳng thắn.

Nói thêm về tình trạng khó khăn kiểu “trên trải thảm, dưới trải đinh”, ông Thản cho rằng chi phí không chính thức là một hậu quả của những vấn đề trên. ông Thản đề nghị: Thủ tướng phải có một tổ giúp việc tâm sáng, năng lực cao để tiếp thu và đề ra hướng giải quyết các vấn đề hiện nay.

Dù vậy, ông Đặng Thế Lưỡng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hải An, TP Hải Phòng, mang đến một điểm sáng khi ông nhận xét Nghị quyết 35 đã làm cho các ban, ngành ở Hải Phòng thực sự chuyển động.

“Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cứ ngày 10 hằng tháng là đối thoại với DN, có giám đốc các sở, chủ tịch các huyện tham dự. Chủ tịch của chúng tôi tuyên bố ý kiến các DN đưa ra phải được giải quyết đến cùng. Một khi thành ủy, chủ tịch UBND TP nói là phải sợ, phải giải quyết, không dám kéo dài kiến nghị của DN” - ông Lưỡng cho hay.

Thực thi còn trì trệ

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận xét Nghị quyết 35 là bước đột phá về chính sách và Chính phủ đã rất quyết liệt. Tuy nhiên, kết quả thực hiện còn chưa được như mong muốn bởi ở một số nơi, một số bộ, ngành còn trì trệ, không muốn bắt tay vào thực hiện và giải quyết với nhiều lý do.

“Sắp tới Chính phủ sẽ tổ chức sơ kết công tác thực hiện Nghị quyết 35. Thủ tướng sẽ nghe báo cáo từ cả chính quyền và phía DN” - ông Lộc thông tin.

Đầu năm 2017 đã có hơn 10.000 DN phá sản. Như thế cần có cơ chế để DN sống sót, nếu không mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020 là rất khó.

Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Hưng Yên

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận (Pháp Luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN