Đi Lexus, Cadilac nhưng trốn vài chục nghìn qua trạm BOT để… oai?

Sở hữu ô tô vài tỷ nhưng vẫn cố tình "ăn trộm" vài chục tới vài trăm nghìn đồng. Vấn đề ở đây không chỉ chuyện trốn phí đường bộ mà còn bởi có những người “thích ra oai” coi thường kỷ cương pháp luật.

Ý kiến này được ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nêu lên khi nói về tình trạng loạn xe biển hộ đê hưởng miễn phí qua trạm BOT. 

Đi Lexus, Cadilac nhưng trốn vài chục nghìn qua trạm BOT để… oai? - 1

 Nhiều người sở hữu ô tô vài tỷ nhưng vẫn cố tình ăn trộm vài chục tới vài trăm nghìn đồng qua trạm BOT

Tại buổi Tọa đàm trực tuyến "Cách nào quản xe hộ đê tràn lan trốn phí đường bộ" vào sáng nay (3/10), ông Thanh tỏ ra rất ngạc nhiên khi hành vi trục lợi, sử dụng giấy tờ giả để làm xe hộ đê vẫn ngang nhiên diễn ra trong mấy năm nay và chỉ khi báo chí phát hiện mới được xử lý.

“Rõ ràng trong câu chuyện này có những kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng. Trước tiên cơ quan quản lý cấp phù hiệu rất vô trách nhiệm, tới giờ này Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai vẫn lúng túng không rõ địa phương thực hiện như thế nào, cấp bao nhiêu biển, cấp đúng hay sai", ông nói.

Ông đề nghị Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cần kiểm điểm nghiêm khắc, xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm, không thể để nhẹ nhàng cho qua.

Theo ông, việc sử dụng phù hiệu hộ đê trục lợi chính là ăn cắp tiền của người dân, của nhà nước. Nhưng, đáng nói theo ông là các công ty quản lý, khai thác cao tốc cũng có biểu hiện vô cảm, vô trách nhiệm với thực trạng này.

“Nhiều năm trời thất thoát hàng chục tỷ mà không phản ánh đề xuất giải pháp. Phải chăng là nếu hụt thu thì các đồng chí lại xin kéo dài thời gian thu phí” ông đặt câu hỏi.

Ông cũng đặt thêm nghi vấn, tại sao người đi xế sang Lexus, Cadilac lại được cấp phù hiệu xe hộ đê? Có phải họ thiếu tiền không?

“Sao đã sở hữu ô tô vài tỷ mà vẫn cố tình ăn trộm vài chục tới vài trăm nghìn đồng? Theo tôi, ở đây có chuyện thích ra oai, coi thường kỷ cương pháp luật chứ không chỉ chuyện trốn phí đường bộ. Những người này hẳn phải thân quen với ai đó có quyền cấp phù hiệu xe hộ đê” ông Thanh lên tiếng.

Không chỉ vậy, Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó trưởng phòng Tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) thì cho rằng, điều nguy hiểm ở chỗ không chỉ dừng lại ở vấn đề trốn phí mà xe hộ đê còn nhiều quyền ưu tiên khác khi tham gia giao thông như đi không hạn chế tốc độ, được đi ngược chiều, đi vào đường ưu tiên... Vì vậy việc này rất cần thiết phải ngăn chặn ngay.

Nói về giải pháp, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, các trạm thu phí BOT đang triển khai thu phí không dừng và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kiểm tra và giám sát xe ưu tiên là hoàn toàn có thể thực hiện.

Tuy nhiên, về phía mình, ông Nguyễn Văn Thanh kiến nghị cơ quan pháp luật vào cuộc điều tra trách nhiệm cơ quan tổ chức buông lỏng quản lý cấp phù hiệu hoặc đối tượng sử dụng phù hiệu giả để trục lợi đồng thời cần phải xử lý hình sự làm rõ trách nhiệm cá nhân.

Trước đó, trên mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông đề cập đến việc loạt xe ô tô 4 chỗ mang biển trắng, chẳng hạn, xe biển kiểm soát: 15A-326.89, 29A-127.27, 14A-048.67,... đều đeo phù hiệu "TW - xe hộ đê" ghi cơ quan cấp phù hiệu là Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai đi qua trạm soát vé thuộc cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và được bảng điện tử chạy chữ thông báo xe ưu tiên miễn phí.

Đáng chú ý, nhiều xe sang như xe Cadillac biển kiếm soát 15A-154.68, xe Lexus biển kiểm soát 29A-127.27... cũng được gắn biển "Xe hộ đê".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN