Đề nghị thu hồi dự án 10 năm “không lớn” của tập đoàn Việt Á

Hội Đồng nhân dân TP Hà Nội đề nghị UBND TP kiểm tra, thu hồi theo quy định dự án Khu đô thị Việt Á (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh) của Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á do bà Phạm Thị Loan nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XII làm Chủ tịch HĐQT.

Theo báo cáo của Đoàn Giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội, dự án khu đô thị Việt Á, tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh do Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á làm chủ đầu tư.

Dự án được giao đất tại Quyết định số 2729/QĐ-UBND ngày 29.7.2008 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, diện tích được giao là 23,017 ha. Dự án này không có trong danh sách 161 dự án chậm triển khai theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Theo báo cáo của UBND huyện Mê Linh, dự án thuộc nhóm phải điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500, đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương thực hiện điều chỉnh, phối hợp với huyện thực hiện giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án. 

Đề nghị thu hồi dự án 10 năm “không lớn” của tập đoàn Việt Á - 1

Đề nghị xem xét thu hồi dự án của nguyên Đại biểu Quốc hội Phạm Thị Loan. (Ảnh minh họa)

Đồng thời Đoàn khảo sát kiến nghị UBND thành phố Hà Nội giao cơ quan chuyên môn thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định, dự án đã 10 năm không thực hiện, chưa cắm mốc giới, giải phóng mặt bằng, đề nghị xem xét thu hồi.

Được biết, Công ty cổ phần Tập đoàn thương mại công nghiệp Việt Á thành lập từ năm 1995, người đại diện theo pháp luật là bà Phạm Thị Loan cũng là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc.

Bà Phạm Thị Loan sinh năm 1962, quê quán tại Quỳnh Lưu, Nghệ An. Bà còn là Đại biểu Quốc hội khóa XII (2007-2011), Chủ tịch Hiệp hội nữ doanh nhân Hà Nội (2008-2013). 

Đề nghị thu hồi dự án 10 năm “không lớn” của tập đoàn Việt Á - 2

Công ty CP Tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á có trụ sở chính tại phố Duy Tân, quận Cầu Giấy. 

Công ty CP Tập đoàn thương mại công nghiệp Việt Á của bà Loan kinh doanh nhóm ngành nghề như: Thiết bị điện - Điện tử; Xây dựng - Nhà thầu EPC về điện, xây dựng công nghiệp và xây dựng dân dụng; Sản phẩm nhựa - Chất dẻo; Cơ khí - Công nghiệp nặng; và Chế biến khoáng sản, nông lâm sản và sản phẩm phục vụ nông nghiệp.

Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có 09 công ty con, đơn vị thành viên gồm: Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Thương Mại Công Nghiệp Việt Á; Công ty TNHH Thiết bị điện Việt Á – VAELEC; Công ty TNHH Cáp điện Việt Á – VACABLE; Công ty TNHH Cơ khí Việt Á – VAMECO; Công ty TNHH Nhựa Composite Việt Á – VAPLASCOM; Công ty TNHH Phát triển điện lực Việt Á – VAPDECO; Công ty CP Xây dựng Công nghiệp Việt Á – VAINCON; Công ty CP Việt Á Nghĩa Đàn – VADAN; Trung tâm Tư vấn Thiết kế Việt Á – VAECC

Đặc biệt, Việt Á sở hữu 04 nhà máy gồm: Nhà máy cơ khí Việt Á tại khu Công nghiệp Phố Nối B, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; Nhà máy thiết bị điện Việt Á, tại xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên; Nhà máy nhựa Composite Việt Á tại Khu Công nghiệp Phố Nối B, Huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên; và Nhà máy dây và cáp điện Việt Á tại Khu Công nghiệp Liên Chiểu, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

Hà Nội sẽ xử lý, giám sát 383 dự án chậm triển khai

Tại phiên họp giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai trên địa bàn, ngày 13.8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP sẽ công bố danh sách 47 dự án chậm tiến độ, cần thu hồi sau phiên giải trình.

Theo kết quả giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội tổng số dự án chậm triển khai, có dấu hiệu vi phạm lên tới 383. Một số quận, huyện có số dự án chậm nhiều là Hoài Đức với 51 dự án; Mê Linh 50; Nam Từ Liêm 48; Hoàng Mai 25; Bắc Từ Liêm 23...

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, việc để tồn đọng 383 dự án chậm do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc cơ quan quản lý các sở ngành, quận huyện chưa làm hết trách nhiệm, nể nang, né tránh. Bà Ngọc đưa ra ví dụ, từ tháng 10.2012 đến 3.2018, UBND TP ban hành 38 quyết định thu hồi dự án, nhưng đến nay còn 22 dự án chưa được thực hiện. Theo đó, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, sẽ giám sát việc tham mưu, xử lý 383 dự án chậm, đồng thời xem xét đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp HĐND cuối năm 2019.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Trần Kháng ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN