Đầu tư chéo: Vòng tròn chết người !

"Động cơ sở hữu chéo là giúp các ngân hàng có thể đầu tư rủi ro mà không cần đảm bảo các quy định hoạt động an toàn."

Đó là nhận xét của ông Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fullbright trong buổi hội thảo "Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo: Thực trạng và giải pháp cho thị trường tài chính" do Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia tổ chức ngày 31/7 tại Hà Nội.

Vô hiệu hóa mọi quy định quản lý

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, hầu hết các tập đoàn kinh tế và doanh nghiệp nhà nước lớn tại Việt Nam đều đang sở hữu ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP). Các ngân hàng TMCP này lại quay lại cho chính các doanh nghiệp nhà nước là chủ sở hữu vay. Doanh nghiệp nhà nước lúc này vừa là chủ nợ, vừa là chủ sở hữu của các ngân hàng TMCP con. Thanh khoản của các ngân hàng TMCP sẽ được đảm bảo nhờ lượng tiền gửi lớn của chủ sở hữu là doanh nghiệp nhà nước . Nguồn vốn này tạo tiền đề cho việc ngân hàng này sở hữu ngân hàng khác, tạo ra một vòng tròn sở hữu chéo lẫn nhau phức tạp giữa các ngân hàng trong cùng hệ thống.

Đầu tư chéo: Vòng tròn chết người ! - 1

Ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright

Ngoài ra, ông Thành cho biết, ở VN có 1 loại hình doanh nghiệp thực chất là định chế tài chính nhưng ko được quản lý theo quy định của một định chế tài chính, đó là các công ty cổ phần đầu tư tài chính. Họ được hoạt động như 1 doanh nghiệp bình thường, không bị điều tiết bởi ai, không cần công bố thông tin, không bị ràng buộc nhưng lại là nhân tố giúp cho ngân hàng sở hữu ngân hàng. Có nhiều chiêu lách luật của các nhà đầu tư này: "Ở nước ngoài chỉ có giám đốc được thuê, còn ở VN ngay cả Chủ tịch HĐQT và Thành viên HĐQT của Ngân hàng cũng được thuê, mục đích để tránh việc phải công bố minh bạch thông tin" – ông Thành nói.

Nhờ nguồn vốn dồi dào, các nhóm nhà đầu tư này vừa sở hữu doanh nghiệp phi tài chính, vừa có thể sở hữu ngân hàng thương mại. Việc sở hữu chéo có thể vô hiệu hóa hoàn toàn các quy định về đảm bảo an toàn vốn đối với hoạt động của một ngân hàng. Theo đó, ngân hàng thương mại (NHTM) có thể tăng vốn ảo để vô hiệu hóa quy định về vốn pháp định của các NHTM; điều chỉnh tài sản "Có" rủi ro, từ đó làm tăng hệ số đủ vốn (CAR) một cách không thực chất; cho vay người có liên quan để vô hiệu hóa các quy định về giới hạn tín dụng của NHTM; chuyển nợ xấu sang các công ty con từ đó vô hiệu hóa quy định về kiểm soát nợ xấu và trích dự phòng rủi ro...

Theo nhận định của ông Sanjay Karla - Trưởng đại diện Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam: sở hữu chéo gây ra nhiều vấn nạn và tác động tiêu cực tới nền kinh tế của chúng ta. Nó không phải một giải pháp tái cấu trúc hiệu quả, thường tạo ra các bong bóng tài sản trong thị trường (thị trường BĐS), tạo ra nợ xấu mang tính hệ thống. Ví dụ điển hình là sự thất bại của Vinashinline, chính phủ VN hiện vẫn đang phải vật lộn để giải quyết những khoản nợ xấu liên quan đến doanh nghiệp nhà nước này.

Vẫn loay hoay giải pháp

Với góc nhìn của cơ quan quản lý, ông Nguyễn Thành Long – Vụ trưởng Vụ quản lý quỹ, Ủy ban Chứng Khoán nhà nước cho hay: nếu việc xử lý không khéo, không có một lộ trình hợp lý sẽ gây ra cản trở cho sự phát triển của nền kinh tế. Quá trình tái cấu trúc thị trường chứng khoán đang thực hiện có thể bao hàm một số giải pháp hạn chế sở hữu chéo thông qua các quỹ đầu tư, công ty đại chúng.

Đầu tư chéo: Vòng tròn chết người ! - 2
Các chuyên gia kinh tế, cơ quan liên quan kiến nghị giải pháp

Ông Bùi Huy Thọ, đại diện Cơ quan giám sát Ngân hàng – Ngân hàng nhà nước Việt nam kiến nghị bổ sung quy định pháp luật về "người sở hữu cuối cùng" của một Tổ chức tín dụng và trao Cơ quan Thanh tra của Ngân hàng nhà nước quyền thực hiện. "Cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề vốn ảo trong hệ thống và xác định danh sách cổ đông cần đặc biệt quan tâm và giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của các đối tượng này." – Ông Thọ nói.

Trao đổi trong buổi hội thảo, ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia đồng quan điểm về tác hại lâu dài của tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo. Ông Ngoạn cho rằng: cần tăng cường quyền truy soát nguồn gốc tài sản đầu tư vào để sở hữu các ngân hàng, việc này có thể sẽ giảm được các hiện tượng lách luật thâu tóm ngân hàng của các đại gia bí ẩn.

"Các tổ chức tài chính phụ thuộc lẫn nhau trong sở hữu chéo làm giảm tính năng động, tạo ra sức ỳ, ban đầu chỉ xuất hiện ở một công ty, một tập đoàn nhưng khi xuất hiện sở hữu chéo, sẽ lan truyền nhanh chóng tới cả nền kinh tế, tạo ra những hệ lụy lan tỏa nguy hiểm" – Ông Ngoạn nói rõ

Vấn đề sở hữu chéo và đầu tư chéo là đi ngược lại với nền kinh tế thị trường. Khi các nhà đầu tư đó liên kết với nhau, tạo nên một thế lực thao túng thị trường, thao túng lãi suất bất hợp pháp. Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo còn liên quan đến lợi ích nhóm. Đây là những vấn đề cơ bản nhất của bất cứ nên kinh tế nào. - Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – Người thành lập ngân hàng Việt Nam đầu tiên tại Mỹ chia sẻ trong hội thảo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Thủy ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN