Đầu cơ vàng, chứng khoán: Cú sốc nặng

Lãi suất giảm khiến nhiều người tính tới chuyện đầu cơ vào vàng, chứng khoán, nhà đất. Song, trên thực tế, những cú sụt giảm về giá vừa qua một lần nữa cho thấy rủi ro vẫn rất cao.

Hoa mắt vì vàng, chứng khoán

Sự gia tăng của một số cổ phiếu chủ chốt đã giúp chỉ số VN-Index tăng gần 6 điểm trong phiên ngày 17/4. Tuy nhiên, sự phục hồi có dấu hiệu không vững chắc khi mà thanh khoản trên thị trường tụt giảm nghiêm trọng.

Sự thận trọng của rất nhiều nhà đầu tư, bao gồm cả trong nước và ngoài nước có thể là nguyên nhân khiến VN-Index quay đầu rơi trở lại, giảm gần 11 điểm (-2,2%) vào cuối phiên giao dịch buổi sáng 18/4, trước kỳ nghĩ lễ giỗ tổ. Chỉ số HNX-Index của sàn chứng khoán Hà Nội cũng giảm hơn 0,6% với thanh khoản cực thấp.

Trước đó, chỉ trong 4 phiên 10-15/4 vốn hóa TTCK đã bốc hơi mất khoảng 2,5 tỷ USD mà gần như không có lý do. Thị trường giảm mỗi ngày 2-3% cho dù tin tốt được công bố khá nhiều, đại loại như: lãi suất có thể giảm tiếp, các gói giải cứu kích cầu BĐS được tung gia, VAMC giải cứu ngân hàng sắp ra mắt, mốc 500 điểm "đã rất quen mắt"...

Đầu cơ vàng, chứng khoán: Cú sốc nặng - 1

Rất nhiều người dân lao vào mua vàng trong thời điểm này

Thực tế lại khác hoàn toàn. Chỉ số VN-Index nhanh chóng xuyên thủng ngưỡng 500 điểm không do dự và hiện đang loanh quanh ở mức 475 điểm. Không ít nhà đầu tư bắt đáy trong tuần trước và đầu tuần này có nguy cơ lỗ nặng.

Diễn biến giảm nhanh của chứng khoán cùng với thanh khoản suy giảm khiến nhiều nhà đầu tư sốc bởi nó hoàn toàn khác với nhận định của rất nhiều người về một đợt tăng giá "khó tránh khỏi" của TTCK trong bối cảnh các kênh đầu tư khác èo uột.

Nhiều chuyên gia, nhiều CTCK cách đây vài tuần, vài tháng cho rằng, chứng khoán sẽ hưởng lợi từ các chính sách mới của Chính phủ như kích cầu BĐS, dự tính nới room, vốn ngoại vẫn đang vào...

Trên thị trường vàng, không ít người dân lao vào mua vàng trong thời kỳ giá mặt hàng này giảm từ đỉnh cao trên 49 triệu đồng/lượng xuống 44-45 triệu đồng/lượng đã thua đậm khi gần đây giá chỉ còn 40-41 triệu đồng/lượng.

Nhiều người mua vàng để "giữ tiền", để dành mua nhà, đất hay các tài sản khác hoặc để lướt sóng kiếm lời có thể còn lỗ thêm, nhất là khi mức chênh giá vàng trong nước với giá quốc tế quy đổi vẫn gia tăng từng ngày, lên mức kỷ lục gần 7 triệu đồng/lượng.

Vài ngày qua, khi giá vàng trong nước bất ngờ sụt giảm 3,5-4 triệu đồng/lượng, không ít người đổ xô mua vàng với kỳ vọng giá sẽ nhanh chóng tăng trở lại. Thực tế, ngay sau cú lao dốc đó, giá vàng đã "trở mặt" tăng khoảng 1,4 triệu đồng/lượng. Nhiều người mừng thầm nhưng cũng không ít người lo ngại vàng trong nước có thể giảm bất cứ lúc nào khi mà hạn chót tất toán cho các ngân hàng thương mại đang tới gần, 30/6.

Trên thực tế, giá vàng quốc tế quy đổi hiện chỉ vào khoảng hơn 34 triệu đồng một chút. Khả năng thua lỗ đối với nhiều người chạy đua đầu cơ có thể sẽ lớn hơn rất nhiều nếu các tổ chức không đôn đáo mua vàng tất toán trạng thái.

Với thị trường BĐS, hiện tượng đầu cơ mua để bán lại căn hộ chung cư, thậm chí đất nền không còn lan tràn phổ biến nhưng cũng vẫn có nhiều người đứt tay vì bắt dao rơi. Một số căn hộ gần đây được tung ra bán với giá rất rẻ, mua được thường có chênh nhưng thực tế những người nhanh chân kiếm được tiền trong thời kỳ đóng băng rất ít. Số đông vẫn không thể ngờ thanh khoản vẫn thấp như vậy, cho dù giá những dự án họ chọn thuộc loại "giá giảm sốc".

Quan trọng là thanh khoản

Hoạt động đầu cơ hay đầu tư không có ranh giới rõ ràng. Nhiều khi đầu tư có thể chuyển thành đầu cơ nếu giá lên nhanh và nhà đầu tư muốn chốt lời sớm. Các loại hoạt động này giúp hình thành nên giá cả và là cơ sở quan trọng cho một thị trường.

Về cơ bản, giá cả được hình hành dựa trên quan hệ cung cầu. Cầu cao hơn cung ắt giá sẽ tăng và ngược lại.

Thị trường vàng gần đây là một ví dụ. Giá vàng trong nước cao hơn giá thế giới quy đổi gần 7 triệu đồng/lượng cho thấy cầu vàng đang lớn hơn cung. Trong khoảng 3 tuần qua, NHNN tung ra thị trường gần 9 tấn vàng nhưng dường như vẫn không đủ. Các ngân hàng vẫn chấp nhận mua cao hơn giá vàng thế giới quy đổi đến 4-6 triệu đồng/lượng cho thấy điều này.

Nhu cầu đối với vàng vật chất rõ ràng. Tuy nhiên, xét về góc độ cầu thực trên thị trường thì dường như suy giảm rất mạnh. Trước đây, mỗi khi vàng giảm giá khoảng 1-2 triệu đồng/lượng, những người có tiền đổ xô đi mua vào, trong đó rất nhiều người mua vài lượng cho tới vài chục lượng, thậm chí vài trăm lượng một lúc. Song, trong đợt tụt giảm vừa rồi, số lượng người đi mua vẫn nhiều nhưng đa số chỉ mua vài chỉ hoặc vài lượng. Nhiều người cho biết mua để trả nợ, mua vì cảm thấy "giá như vậy dễ mua"...

Xu hướng nói trên cho thấy cầu đầu tư vàng vào thời điểm này không thực sự lớn. Thanh khoản trên thị trường vàng thấp hơn nhiều so với các đợt sôi động trong các năm trước đây. Nó cũng cho thấy rủi ro tiềm ẩn cho hoạt động đầu cơ vàng vào thời điểm này.

Với TTCK, tình hình có vẻ cũng không khả quan hơn. Cho dù vẫn được đánh giá là kênh đầu tư tốt nhất trong thời buổi hiện nay nhưng chứng khoán vẫn đi xuống, đặc biệt thanh khoản có dấu hiệu giảm nghiêm trọng.

Gần đây, một chuyên gia nổi tiếng trên TTCK cho rằng, trong bối cảnh thị trường suy giảm, điều ông quan tâm nhất là sự suy giảm về tính thanh khoản hơn là giá chứng khoán. Theo đó, TTCK mà giảm thanh khoản tức là giảm số lượng người quan tâm và giảm số lượng người tham gia.

Theo chuyên gia này, bất cứ thị trường nào, người trả tiền là quan trọng nhất. Sự sụt giảm thanh khoản là dấu hiệu đáng báo động.

Vấn đề thanh khoản còn liên quan tới niềm tin. Với TTCK, niềm tin đã suy giảm trong nhiều năm qua khi mà hàng loạt các vấn đề liên quan tới sự minh bạch, cách thức công bố thông tin, việc quản lý thị trường, quản trị doanh nghiệp, điều tra, xử lý sai phạm... vẫn chưa đáp ứng được mong đợi của đại bộ phận các nhà đầu tư.

BĐS cũng vậy, tính thanh khoản trên thị trường này gần đây được mô tả bằng các từ như: "đóng băng", "trầm lắng", "không có giao dịch"...

Để các thị trường hồi phục, điều quan trọng có lẽ nằm ở thanh khoản. Có thanh khoản thị trường sẽ ổn định và đi lên. Tuy nhiên, thanh khoản lại liên quan tới rất nhiều yếu tố, từ niềm tin cho tới giá trị của các sản phẩm trên thị trường... Quyết định đầu cơ giá rẻ trong bối cảnh nhiều người không quan tâm tới sản phẩm đó, ít người muốn bỏ tiền ra... có thể dẫn tới thua lỗ. Đây một nguyên tắc mà nhiều nhà đầu tư thuộc như lòng bàn tay: "không bắt dao rơi". Song, không nhiều người vận dụng đúng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mạnh Hà (VFF)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN