Đại biểu QH: Bao giờ Việt Nam "tốt nghiệp" ODA?

Theo đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, có ý thức “tốt nghiệp” ODA mới hạn chế và nâng cao hiệu quả sử dụng.

Cần nhận thức đúng về ODA

Đăng đàn tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội sáng 30/10, đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho rằng, cần nhận thức đúng về ODA và không coi thường khuyến cáo của chuyên gia. Nếu lạm dụng ODA sẽ để lại nhiều hệ lụy, nhưng điều này lại chưa được nhận thức đúng.

Theo Đại biểu, nhiều nghiên cứu quốc tế về ODA đã chỉ ra những điểm cơ bản khiến nước tiếp nhận có khả năng chịu bất lợi.

Đó là nước tài trợ tạo ra và duy trì một nhu cầu viện trợ giả tạo; đòi hỏi những điều kiện đảm bảo lợi nhuận của các công ty nước ngoài tài trợ tham gia ODA...  Bà Nga dẫn lời: “Cũng có nhà kinh tế ví ODA như là sát thủ kinh tế, là bẫy ODA”.

Đại biểu cũng chỉ ra kinh nghiệm thành công của Thái Lan, Hàn Quốc và Singapore trong việc sử dụng nguồn vốn viện trợ phát triển ODA. Theo đó, tiền vay được quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả; hạ tầng được xây dựng với chất lượng rất tốt, được quy hoạch có tầm nhìn dài hạn; sử dụng có chọn lựa, chỉ vay để đầu tư vào hạ tầng thiết yếu, hướng đến khu vực tư nhân...

Đặc biệt, các nước này cũng đặt kế hoạch chấm dứt nhận ODA trong tương lai không xa. Thực tế Hàn Quốc đã giảm tiếp nhận ODA sau 20 năm và hoàn toàn “tốt nghiệp ODA” sau 30 năm.

Đại biểu QH: Bao giờ Việt Nam "tốt nghiệp" ODA? - 1

Theo đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), có nhà kinh tế ví ODA như là “sát thủ kinh tế”

Đại biểu nói: “Có ý thức “tốt nghiệp” ODA mới hạn chế và nâng cao hiệu quả sử dụng”.

Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang) phản ánh việc có những hội thảo tổ chức ở khách sạn 5 sao, một bài báo cáo bình thường trong nước chỉ chi trả khoảng 2,5 triệu đồng thì trong dự án có vốn ODA được chi trả tới 50-60 triệu đồng dù chất lượng không khác nhau nhiều.

Ông khuyến cáo, cần rất cẩn thận với các dự án ODA vay, bởi làm tăng nợ công. Đại biểu đề nghị không vay ODA để chi thường xuyên, các dự án vay ODA phải có ý kiến của cơ quan Quốc hội trước khi sử dụng.

Đề nghị Quốc hội giám sát vốn vay ODA

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) cho biết ODA là nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, đến nay, ngoài một tỷ lệ nhỏ hỗ trợ phát triển không hoàn lại thì phần nhiều là cho vay ưu đãi có điều kiện.

Qua hơn 20 năm, Việt Nam thu hút khoảng 78 tỷ USD, trung bình 3 tỷ USD/năm. Nguồn vốn này đóng  góp tích cực vào phát triển kinh tế xã hội. Nhiều chương trình, dự án đạt kết quả tích cực. Nhưng cũng có nhiều dự án thất thoát, lãng phí.

Điển hình là các vụ PMU 18, vụ Huỳnh Ngọc Sỹ, vụ nghi vấn tiêu cực tại dự án Daniza Đan Mạch năm 2012 hay vụ JTC đường sắt gần đây. Đáng lưu ý là có nhiều cơ chế kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn ODA nhưng những vụ vi phạm lớn lại chỉ được phát hiện do phía nước ngoài.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội - Lê Thị Nga lưu ý, pháp lý về ODA đã bộc lộ 2 điểm yếu. Cụ thể, Quốc hội – người chịu trách nhiệm cao nhất về nợ công và người dân – chủ thể phải đóng thuế và là người trả nợ cuối cùng gần như đứng ngoài quy trình về ODA.

Trách nhiệm giám sát của Quốc hội về ODA là chưa được coi trọng. Thực tế là hơn 20 năm qua, đã xảy ra không ít vụ việc gây chấn động dư luận nhưng Quốc hội chưa một lần giám sát tối cao về ODA.

“Đây là nguyên nhân không nhỏ góp phần làm cho những sai phạm trong sử dụng ODA chậm được khắc phục, góp phần đẩy nợ công lên sát ngưỡng mất an toàn”, bà Nga nhận định.

Đại biểu Nga đề nghị Quốc hội giám sát ODA, chỉ ra khiếm khuyết trong chính sách, nhóm lợi ích liên quan ở cả trong nước và nước tài trợ; Phân tích mặt lợi và bất lợi của ODA.

“Từ đó có chiến lược sử dụng chọn lọc theo lộ trình giảm dần tiến đến chấm dứt ODA. Bất cứ quốc gia nào phụ thuộc lâu dài ODA vào  thì đó là thất bại của chiến lược phát triển”, nữ Đại biểu này tỏ.

Đại biểu Lê Thị Nga kiến nghị 3 vấn đề:

    1) Quốc hội tiến hành giám sát tối cao và ban hành luật về ODA.

    2) Kiểm soát chặt chẽ hiệu quả sử dụng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong ODA.

    3) Sử dụng ODA có chọn lọc, hạn chế và có lộ trình chấm dứt ODA trong tương lai gần.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN