'Làm xiếc' với vốn ODA giỏi như DN lương khủng

Sau một thời gian kiểm tra, cơ quan Nhà nước đã có thông tin về số lương chính thức của các lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty.

Theo đó, có không ít Chủ tịch, Tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế Nhà nước được hưởng lương, thưởng và nhiều khoản ưu đãi khác lên tới cả tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, các tập đoàn do các lãnh đạo này điều hành hoạt động kinh doanh chưa hẳn đã hiệu quả, thậm chí lại có không ít sai phạm bị phát hiện.

Để lý giải nghịch lý trên, PV đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá cả (bộ Tài chính).

Nên phạt mới đúng!

- Thưa ông, quan điểm của ông ra sao khi thấy lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước hưởng lương "khủng" trong khi đơn vị họ phụ trách lại có nhiều sai phạm, kinh doanh thua lỗ?

- Tôi được biết, bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ- TB&XH) đã có quy chế về mức lương tối đa của các lãnh đạo doanh nghiệp Nhà nước. Cơ quan kiểm tra cần căn cứ vào đó để xác định mức lương của các vị này đã đúng theo quy định hay chưa. Thứ hai, hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng là một trong những căn cứ xác định tiền lương của các lãnh đạo. Tiền lương phụ thuộc vào kết quả lao động, năng suất, chất lượng.

Là người lãnh đạo, điều hành kinh doanh mà lại để đơn vị mình thua lỗ, trong khi bản thân lại hưởng lương cao, cao gấp 4-5 lần so với thu nhập bình quân chung của các lãnh đạo khối doanh nghiệp Nhà nước và gấp vài chục lần lương của người lao động thì là điều đáng phạt mới đúng. Tôi thấy, hiện nay, tốc độ tăng lương của người lao động bình thường là rất chậm, mỗi lần tăng chỉ nhích lên mấy trăm ngàn đồng, thu nhập bình quân còn chưa đáp ứng được mức sống mà lương các vị lãnh đạo lại tăng cao và nhanh như thế là một điều rất đáng phê phán. Đây là việc cần phải xem xét lại. Thực tế về thu nhập của các cơ quan dịch vụ công ích ở TP. HCM mới đây là bài học nhãn tiền để rút ra kinh nghiệm.

'Làm xiếc' với vốn ODA giỏi như DN lương khủng - 1

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng viện Nghiên cứu giá cả- Bộ Tài Chính.

Trong điều kiện hiện nay, khi người lao động gặp nhiều khó khăn, liên tục bị chậm lương; nhiều doanh nghiệp không có vốn phát triển lại có những cá nhân hưởng lương "khủng" khi chính đơn vị mình còn nhiều bất cập là điều cần phải xem xét, thanh tra. Phải chỉ rõ xem, đó có phải là mức lương thực không, đã đúng với bản chất chưa hay còn cao hơn... Đây là một hồi chuông báo động, đòi hỏi vụ Lao động tiền lương (bộ LĐ- TB&XH) phải chú ý.

- Cùng là lãnh đạo các tập đoàn kinh tế Nhà nước nhưng mức lương của họ lại có sự chênh lệch rất lớn, từ 200 triệu đến 2 hoặc 3 tỷ đồng/năm. Theo ông, vì đâu mà có sự chênh lệch đó?

- Vụ Lao động tiền lương đã có quy định về mức lương tối đa của các vị Giám đốc, Chủ tịch tập đoàn, Tổng giám đốc Tổng công ty. Lãnh đạo các tập đoàn, các tổng công ty... chỉ được tăng lương khi lợi nhuận kinh doanh năm sau cao hơn năm trước, không thua lỗ, năng suất lao động tăng... Nếu kinh doanh thua lỗ hoặc lãi thấp mà hưởng lương như thế là không đúng.

“Làm xiếc” với vốn vay

- Có thông tin cho rằng, chủ tịch, tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế Nhà nước được hưởng lương cao là do đầu tư ngoài ngành, đem vốn vay ưu đãi của doanh nghiệp mình đi cho doanh nghiệp khác vay. Ông có đồng tình với nhận định này không?

- Đây là một thực tế đang diễn ra ở nhiều tập đoàn Nhà nước. Nhiều tập đoàn kinh tế vay vốn ODA rồi cho đơn vị khác vay lại sau đó lại kêu thiếu vốn sản xuất. Vốn dĩ, không phải đối tượng nào cũng tiếp cận được nguồn vốn ODA. Phải thoả mãn những điều kiện rất chặt chẽ thì doanh nghiệp mới được vay. Chính vì thế, nếu đã vay được thì phải sử dụng cho hiệu quả. Nhiều đơn vị cho vay lại như thế là không hợp lý và vô hình trung làm cho nguồn vốn sử dụng không hiệu quả. Đó chính là hành vi chiếm dụng vốn và gây thất thoát cho tài sản Nhà nước.

Nếu đã có hiện tượng như vậy, tôi nghĩ, phải kiểm tra lãi suất đó là bao nhiêu và ai được hưởng chênh lệch, từ đó mới quy trách nhiệm sai phạm cụ thể cho từng cá nhân.

Đã không ít lần cơ quan kiểm toán, báo chí công bố các số liệu về việc sếp hưởng lương khủng trong khi các tập đoàn kinh doanh kém hiệu quả, mắc sai phạm. Những cái tên như tập đoàn Dệt may Việt Nam, tập đoàn Hoá chất Việt Nam, tập đoàn Dầu khí Việt Nam, tập đoàn Điện lực Việt Nam… đã trở nên khá quen thuộc với danh sách này. Vậy tại sao nghịch lý này vẫn tiếp tục được diễn ra?

Tôi có cảm giác, sau nhiều lần công bố các con số cụ thể, thể hiện thực tế trái ngược về việc tập đoàn Nhà nước lỗ lớn nhưng sếp vẫn thu nhập tiền tỷ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra vẫn còn đứng ngoài cuộc, chưa có lý giải hợp lý đối với công luận. Đây là một nghịch lý mà ai nghe cũng cảm thấy bất bình. Chính vì thế, đã đến lúc chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận vấn đề, tiến hành công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hơn nữa.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Nhận định về thực trạng lương lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty có thu nhập "khủng", các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp được Nhà nước giao vốn kinh doanh rồi tự đưa ra mức chi lương và bộ ngành gật đầu thì vai trò chủ sở hữu là ở đâu, không thể vô cảm với những khó khăn chung của người lao động cũng như bà con nông dân.

Trả lời báo chí, ĐBQH Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, không chỉ kiểm tra các hoạt động với doanh nghiệp Nhà nước trong năm nay, mà cần phải kiểm tra lại cả những năm trước nữa, ai làm trái các quy định mà đã nghỉ hưu cũng phải đưa ra xem xét bình thường, dứt khoát phải ngăn chặn được tình trạng "hạ cánh" an toàn, không thể để những con người như vậy kéo tụt sự phát triển của đất nước.

Một chuyên gia kinh tế nhận định, các doanh nghiệp được Nhà nước giao cho họ cơ chế tự chịu trách nhiệm, song lỗ - lãi ra sao thì Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm vì Nhà nước quản lý vốn điều phối. Thực tế, có những nơi nộp ngân sách thì báo lỗ nhưng tổng kết, tính lương thì lại lãi?! Bên cạnh đó, vẫn có một số doanh nghiệp xác định tiền lương được hưởng chưa theo đúng quy định, như trích một phần từ quỹ tiền lương của người lao động để bổ sung vào quỹ lương của viên chức quản lý, hoặc gộp quỹ tiền lương của viên chức quản lý vào quỹ tiền lương của người lao động để phân phối, dẫn đến tiền lương thực tế của một số viên chức quản lý quá cao. Chính vì thế, cần có một cơ chế kiểm tra và đặc biệt sau khi kiểm toán thì phải nói rõ xử lý như thế nào, xử lý đến đâu. Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước sẽ kiến nghị như thế nào cho phù hợp và kiến nghị phải có cơ sở thực hiện.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Người đưa tin
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN