Cười ra nước mắt với quy hoạch cá, dưa hấu, karaoke

Sự kiện: Kinh Doanh

Đã từng có doanh nghiệp kiện chính phủ Việt Nam đòi bồi thường 3,7 tỉ USD liên quan đến quy hoạch.

Hôm nay (26-5), Quốc hội sẽ thảo luận về dự luật Quy hoạch vốn rất gian truân trong quá trình soạn thảo. Theo thống kê, cả nước hiện có 19.825 quy hoạch các loại. Trong đó có nhiều quy hoạch vô lý, chỉ có tác dụng tạo cơ chế xin-cho, kìm hãm sức dân, sáng tạo của doanh nghiệp, trái quy luật thị trường.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Quang Các, Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ KH&ĐT, nói: “Nhiều bản quy hoạch lập xong không có giá trị thực tế, thậm chí là kéo lùi sự phát triển”.

Từng bị kiện đòi bồi thường 3,7 tỉ USD

. Phóng viên: Những quy hoạch nào tiêu biểu cho nhận định này, thưa ông?

+ Ông Vũ Quang Các: Tiêu biểu như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo (đã được bãi bỏ), quy hoạch sản xuất rượu và làng nghề sản xuất rượu địa phương, quy hoạch sản xuất thuốc lá và mạng lưới buôn bán thuốc lá. Thậm chí còn quy hoạch cả cá tra, cá rô phi, quy hoạch trồng hồ tiêu, trồng cà phê tầm nhìn 2030...

Như thế là sai lầm, vì chuyển sang nền kinh tế thị trường thì ở đó nguồn lực không chỉ của Nhà nước mà còn nằm trong túi của xã hội, của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.

Người ta cũng quên mất vai trò của thị trường. Thị trường cần bao nhiêu sản phẩm thì khi đó cung-cầu quyết định chứ không phải do ông kế hoạch đề ra năm nay sản xuất 10 tấn thóc hay 10 tấn tôm.

. Có ý kiến nói rằng quy hoạch đã băm nát đất nhiều nơi trong khi chi phí cho xây dựng quy hoạch là rất lớn, đã lên đến trên 8.000 tỉ đồng. Ông có đồng tình không?

+ Tôi có thể ví dụ cho anh thấy. Tỉnh Phú Yên là tỉnh nhỏ thế mà có hơn 200 bản quy hoạch đè lên. Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà từng nói rằng: “Hiện nay quá nhiều quy hoạch nên ký quyết định đầu tư thấy run, vì anh em tham mưu cứ bảo đúng quy hoạch nhưng mình không nhớ hết được”.

Cười ra nước mắt với quy hoạch cá, dưa hấu, karaoke - 1

Sắp tới, dự kiến hàng ngàn quy hoạch sẽ bị loại bỏ, trong đó có cá tra. Ảnh: Gia Tuệ

Những rủi ro mà ông Trà nói trên có ví dụ cụ thể ở Bình Thuận. Đó là việc Michael McKenzie (Mỹ) được cấp phép năm 2004 xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng South Fork. Nhưng khu đất được giao cho nhà đầu tư này lại nằm trong phần quy hoạch khai thác khoáng sản mà tỉnh Bình Thuận đã giao cho chủ đầu tư khác.

Không triển khai được dự án, công ty này đã kiện chính phủ Việt Nam và đòi bồi thường 3,7 tỉ USD trong khi họ mới bỏ ra 200.000 USD. Lý lẽ của họ là khai thác khoáng sản như thế sẽ làm hỏng mất khu du lịch, mất lợi nhuận tiềm năng của họ là 4 tỉ USD nên bắt Việt Nam phải đền bù số tiền đó.

Dù Việt Nam đã thắng kiện, song đó là bài học xương máu cho những quy hoạch chồng lấn.

. Nếu các quy hoạch không tuân thủ quy luật cung-cầu của thị trường thì chắc cũng khó đảm bảo được triển khai hoặc đúng với ý chí của nhà quy hoạch?

+ Quy hoạch trồng cà phê đặt mục tiêu đến năm 2020 thì tổng diện tích trồng cà phê cả nước đạt 500.000 ha. Tuy nhiên, đến năm 2015 thì tổng diện tích trồng cà phê của cả nước đã đạt 670.000 ha. Nhiều quy hoạch khác như cao su, tiêu, cá tra… cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Sở dĩ có những quy hoạch này bị phá vỡ một phần là do khi lựa chọn sản phẩm đã không dựa vào nhu cầu cụ thể của thị trường. Nguyên lý chung nhất là không thể ép buộc nông dân phải trồng loại cây trồng đúng theo quy hoạch.

Loại bỏ hàng ngàn quy hoạch vô lý

. Nhưng tôi biết là còn những loại quy hoạch khác như quy hoạch xi măng, quy hoạch các quán karaoke…

+ Quy hoạch xi măng thì nhiều người đã biết rõ. Nhưng câu chuyện về quy hoạch karaoke có lẽ là… cười ra nước mắt. Cụ thể năm 2012, Bắc Giang đưa ra quy hoạch này với tầm nhìn 2030 và ấn định toàn tỉnh có hơn 500 điểm karaoke. Đã 330 điểm kinh doanh karaoke được cấp phép. Sau vài năm thực hiện, nhiều đơn vị đã cấp phép đủ hoặc gần hết số lượng theo quy hoạch trong khi nhu cầu thực tế lại cần bổ sung điểm kinh doanh.

Chẳng hạn tại thôn My Điền, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên có đông công nhân nhưng chỉ được và đã cấp phép hai điểm karaoke. Thế là người dân đã mở chui thêm năm điểm khác. Huyện Lạng Giang hiện có khoảng 30 cơ sở kinh doanh karaoke có phép và năm cơ sở không phép do không đủ tiêu chuẩn vẫn đang hoạt động chui.

. Có lẽ không phải những bất cập về việc quy hoạch chồng chéo, vô lý không được nhận ra. Nhưng vì sao tình trạng này vẫn tồn tại như vậy, thưa ông?

+ Theo tôi, một trong những lý do là trách nhiệm người đứng đầu trong lĩnh vực quy hoạch đã không được áp dụng. Rồi tình trạng “cát cứ” quyền lực của các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt đâu đâu cũng muốn cấp ngân sách nhiều, có nhiều dự án. Tất cả đều bắt đầu từ quy hoạch.

Vậy là bộ nào, địa phương nào có quyền phê duyệt quy hoạch cũng sẽ kéo theo quyền quyết định rất nhiều chương trình, dự án đầu tư công. Đó là vấn nạn quyền gắn với tiền ngân sách thông qua quy hoạch.

. Dự luật quy hoạch nếu được thông qua thì có giải quyết được những vấn đề nêu trên không, thưa ông?

+ Mục tiêu chính của dự luật này chính là giải quyết những tồn tại, lãng phí, chồng chéo, mâu thuẫn… trong lĩnh vực quy hoạch hiện nay. Nếu luật được thông qua thì nổi bật nhất vẫn là số lượng quy hoạch lập tức giảm rất nhiều.

Đơn cử như sẽ chỉ còn 38 quy hoạch ngành ở cấp quốc gia thay vì 3.372 quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu như hiện nay. Luật Quy hoạch ra đời sẽ chấm dứt các loại quy hoạch sản phẩm cũng như các kiểu quy hoạch chẳng giống ai như quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo, quy hoạch cơ sở kinh doanh thuốc lá, quy hoạch cá rô phi, quy hoạch dưa hấu...

. Xin cám ơn ông.

Phải có dũng khí

Việc lập quy hoạch phải xóa lợi ích nhóm, loại bỏ việc đan xen bất hợp lý các lợi ích cục bộ của bộ, ngành, các tập đoàn trực thuộc và những doanh nghiệp thân hữu. Lập quy hoạch phải dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc; lợi ích ngắn hạn không được mâu thuẫn với lợi ích chiến lược dài hạn.

Lập quy hoạch, kế hoạch chắc chắn có va chạm, vì vậy cần có dũng khí trong vấn đề này. Nếu tự tin điều đó là đúng thì cần quyết tâm bảo vệ cho được.

Thủ tướng Chính phủ  NGUYỄN XUÂN PHÚC

Cài cắm lợi ích trong quy hoạch

Tôi cho rằng Luật Quy hoạch sẽ triệt tiêu cơ chế xin-cho. Bởi hiện nay, các ngành đều được giao làm quy hoạch ngành và sau đó ở một số ngành xuất hiện việc ngành phối hợp với doanh nghiệp lớn trong ngành đó lập quy hoạch.

Đây chính là điểm hở để ngành đó và doanh nghiệp đó cài cắm các điều khoản quy định có lợi cho mình vào quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Hệ quả dẫn đến tình trạng dự án “vào-ra” quy hoạch một cách thiếu căn cứ hay tình trạng xin-cho dự án đầu tư tùy tiện.

Ông VŨ QUANG CÁC

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Chân Luận (Pháp luật TPHCM)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN