Công ty quản lý tài sản quá khôn

"VAMC rất khôn, mua giá trị sổ sách trong 5 năm thì các NHTM vẫn phải là người xử lý nợ xấu. Sau 5 năm không xử lý được thì NHTM phải lấy lại nợ đó và ôm số nợ này. Như thế hoàn toàn không có rủi ro với VAMC mà rủi ro là chính NHTM".

Chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định về nhiệm vụ nặng nề dọn sạch "cục máu đông" nợ xấu mà Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đang phải "gánh" trên vai.

Xử lý được 1/3 nợ xấu đã là quá tốt

Theo quy định, VAMC sẽ mua nợ xấu dựa trên giá trị sổ sách. Mua theo phương thức này phải chăng VAMC đang "cầm dao đằng lưỡi" thưa ông?

Không, VAMC rất khôn, nếu mua nợ xấu trên giá trị sổ sách trong 5 năm thì các NHTM vẫn là người xử lý khoản nợ xấu đó. Sau 5 năm nếu không xử lý được thì NHTM phải lấy lại nợ đó và ôm số nợ này. Thực chất, VAMC hoàn toàn không rủi ro mà ngược lại chính các NHTM mới là người gánh rủi ro nhiều hơn. Vì, khi họ bán nợ đi không biết sẽ được hưởng chiết khấu bao nhiêu trong khi vẫn phải trích lập dự phòng cho khoản nợ này.

VAMC chỉ là một công cụ, một liều thuốc để xử lý nợ xấu, còn "bác sĩ" giải quyết tận gốc vẫn phải là toàn xã hội, ngân hàng, doanh nghiệp... Chúng ta không nên kỳ vọng quá nhiều vào VAMC.

Vậy việc định giá mua bán nợ xấu như thế nào để đảm bảo VAMC có lãi và người bán không bị thua thiệt?

Giá trị sổ sách không thay đổi, 100 tỷ đồng lúc mượn cách đây 4-5 năm thì vẫn còn nguyên nhưng trừ đi dự phòng rủi ro ví dụ là 10 tỷ đồng thì sẽ còn 90 tỷ đồng. Đây là giá trị VAMC sẽ mua và trao lại 90 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt trên danh nghĩa.

Tôi cho rằng cái khó là những món nợ được mua theo giá thị trường vì lúc này việc định giá cho những khoản nợ đó không hề dễ dàng. Với món nợ định giá 100 tỷ đồng trong hoàn cảnh khó khăn của doanh nghiệp có thể chiết khấu tới 90%,lúc đó giá trị còn lại chỉ còn vỏn vẹn 10%.

Công ty quản lý tài sản quá khôn - 1

Để dọn dẹp nợ xấu, có thêm vốn VAMC có thể bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

Giải quyết nợ xấu - đó là quyết tâm chính trị thì phải làm chứ không phải đặt vấn đề có làm được hay không. Phải tạo ra điều kiện để VAMC thực hiện điều đó.

Riêng với tôi, dự báo năm nay, có lẽ trong 4-5 tháng tới, VAMC chỉ có thể giải quyết 20.000-30.000 tỷ nợ xấu, tương đương khoảng 1/3 số nợ xấu so với mục tiêu đề ra.

Nên bán cổ phần VAMC cho nước ngoài

Với số vốn điều lệ ít ỏi, chỉ 500 tỷ đồng trong khi khối lượng nợ xấu gấp hàng trăm lần. Theo ông, có nên bán cổ phần của VAMC cho các tổ chức nước ngoài để tăng vốn?

Đó cũng là cách để VAMC tăng vốn thực hiện sứ mệnh của mình. Hiện VAMC mua nợ xấu theo hai cách: mua nợ trên giá trị sổ sách bằng cách phát hành trái phiếu đặc biệt hoặc mua nợ xấu theo giá trị thực tế. Nếu mua theo cách thứ 2 sẽ cần "tiền tươi thóc thật" và phải có tỷ lệ chiết khấu quy định giữa NHTM và VAMC. Trường hợp này đúng là cần tiền đầu tư của các tổ chức nước ngoài vào VAMC.

Vì VAMC không phải là định chế tài chính mà là công ty 100% vốn sở hữu Nhà nước, nên có thể bán tối đa tới 49% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.

Theo ông, VAMC có đủ sức thực hiện sứ mệnh của mình?

Thực tế, với vốn điều lệ 500 tỷ để giải quyết 100.000 tỷ thì đòn bẩy tài chính lên tới 1/200 lần thì chắc chắn không đủ khả năng tài chính để giải quyết số nợ khổng lồ. Giả sử nếu mua nợ của NHTM thì chỉ cần 10 món nợ, mỗi món 50 tỷ đồng mà không thu hồi được thì hầu như toàn bộ vốn của VAMC bị thu hồi. Do đó, Chính phủ phải có cam kết với nền kinh tế, luôn luôn bổ sung vốn cho VAMC, lỗ hay khó khăn trong bất cứ trường hợp nào thì đều được bổ sung.

Kế đến, để thỏa mãn được hệ thống tài chính, Chính phủ phải đứng ra bảo lãnh tất cả trái phiếu đặc biệt hay không đặc biệt mà VAMC phát hành ra, hoặc là Chính phủ và NHNN bảo lãnh 100% trái phiếu của VAMC. Đó là cách hay nhất nhưng vấn đề là ngân sách. Ngân sách thì không đủ thì làm sao xử lý được 100.000 tỷ nợ xấu. Nếu phát hành 100.000 tỷ đồng trái phiếu thì Chính phủ có bảo lãnh hay không? Đây là bài toán mà chính phủ phải suy xét.

Theo quy định hiện tại VAMC sẽ chỉ mua một số nợ như: tổ chức tín dụng có nợ xấu từ 3% trở lên, 60% bảo đảm bằng tài sản bất động sản, người đi vay có khả năng phục hồi… những quy định này quá chặt chẽ khiến các NHTM ngần ngại bán nợ cho VAMC. Chỉ có khi nào nới lỏng những quy định này thì các NHTM mới mạnh dạn bán nợ cho VAMC. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hoài (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN