Chứng khoán bùng nổ, nhà đầu tư “hốt bạc”

Sự kiện: Kinh Doanh

Chỉ trong 3 tháng đầu năm, nhiều mã chứng khoán tăng mạnh tới 30%, thậm chí có mã tăng tới 200%...

Chứng khoán bùng nổ, nhà đầu tư “hốt bạc” - 1

Trong vòng 3 tháng đầu năm, nhiều mã chứng khoán tăng 30-50%, thậm chí có mã tăng tới 200% giúp nhà đầu tư “hốt bạc” - Ảnh: NDH

Thị trường chứng khoán liên tục tăng mạnh và đã thiết lập mức cao nhất trong 9 năm qua. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, nhiều mã chứng khoán tăng mạnh tới 30%, thậm chí có mã tăng tới 200% giúp nhà đầu tư “hốt bạc” từ đầu tư cổ phiếu.

Lợi nhuận bỏ xa đầu tư vàng, gửi tiết kiệm

Trước Tết Nguyên đán, anh K.Q.K., trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội bán căn hộ ở ngoại thành, tính sau Tết sẽ tìm vị trí gần trung tâm hơn. Đúng thời điểm đó, nhóm bạn anh K. đang rủ nhau đầu tư cổ phiếu (CP) KDC của CTCP Kinh Đô trên sàn chứng khoán TP.HCM vì doanh nghiệp này vừa có thông tin về việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cuối năm 2016. “Giá cổ phiếu KDC đã có lúc xuống 31.000 đồng rồi tăng lên trên 36.000 đồng/CP hồi đầu tháng 1, nhưng tôi vẫn quyết định mua vào với kỳ vọng mã này còn tăng tiếp. Thế nhưng, tôi cũng chỉ dám rót hơn 200 triệu đồng trong tổng số hơn 1 tỷ đồng bán nhà để mua 5.000 CP, còn lại đầu tư một ít vào vàng, một ít gửi tiết kiệm”, anh K. kể.

Do thường xuyên đi công tác và bận công việc, anh K. “khoán” việc theo dõi giá CP cho người bạn. Bẵng đi khoảng 3 tháng, khi cần tiền anh K. đã nhờ bạn bán ra gần một nửa số CP nói trên với giá 41.500 đồng/CP phiên giao dịch cuối tuần vừa qua và thu về gần 100 triệu đồng tiền lãi. “Nói thực, với mức lãi gần 15% chỉ trong ba tháng thì làm gì có kênh đầu tư nào được như vậy”, anh K. hoan hỉ và cho biết thêm, cũng thời điểm đó, anh mua vào 10 lượng vàng miếng SJC ở mức giá 35,35 - 36,67 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, đến cuối tuần này, vàng SJC dao động 36,340 - 36,540 triệu đồng/lượng. Nếu bán ra thời điểm này, khoản đầu tư vào vàng của anh K. lỗ nhẹ hơn 2 triệu đồng. Còn với món 300 triệu đồng gửi tiết kiệm ngân hàng, anh K. cũng chỉ nhận được hơn 6 triệu đồng tiền lãi trong 3 tháng qua.

Anh K. là một trong số nhiều nhà đầu tư thành công khi lựa chọn kênh chứng khoán để rót vốn thời điểm vừa qua. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, nhiều mã chứng khoán tăng mạnh tới 30%, thậm chí có mã tăng tới 200%. Đơn cử như VCS và PGI tăng giá hơn 28%, DHG tăng 44,3%, DXG tăng 76%, DPG tăng tới hơn 220%... “Nếu đầu tư vào những mã này thì hốt bạc, chỉ cần ngồi mát ăn bát vàng”, anh K. ví von.

Theo tính toán của chuyên viên phân tích Trần Minh Hoàng, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), hiện nay, chỉ số giá trên thu nhập mỗi cổ phần (P/E) tại sàn TP HCM đã xấp xỉ 17 lần, cao hơn so với mức P/E của các thị trường mới nổi khác (15,1 lần). Với những nhà đầu tư sành sỏi trên thị trường có khả năng “soi” ra những CP tiềm năng có mức sinh lời cao thì lợi nhuận trên thị trường chứng khoán là rất hấp dẫn.

Sức hút từ hàng loạt “hàng khủng”

Cách đây 9 năm, (ngày 31/3/2008), hàng nghìn nhà đầu tư chứng khoán đã bất lực khi chứng kiến cảnh thị trường rơi thảm từ sát 860 điểm xuống dưới 500 điểm và khởi đầu cho chuỗi ngày giảm giá không có điểm dừng. Thị trường xác định đáy sau đúng một năm và dần phục hồi nhưng quá trình hồi phục kéo dài trong nhiều năm. Trong mấy phiên giao dịch gần đây, nhà đầu tư lại hồ hởi khi chỉ số chứng khoán liên tục tăng cao và những nhận định “thị trường chứng khoán tăng cao nhất trong 9 năm” đã xuất hiện và hâm nóng kênh đầu tư này.

Theo giới phân tích, chứng khoán hấp dẫn do được hỗ trợ từ sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô và đồng USD không còn có những cú sốc kể từ khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng chính sách tỷ giá trung tâm đã hỗ trợ nhiều cho kênh chứng khoán. Thêm vào đó, kênh đầu tư vàng èo uột kể từ đầu năm tới nay. Theo ghi nhận trên hệ thống Doji, vốn tham gia thị trường hết sức èo uột, gần như không xuất hiện giao dịch lớn ngay cả trong những phiên thị trường tăng giá tốt theo thế giới. Điều này cũng giải thích lý do vì sao đợt tăng giá mạnh của vàng trên thị trường thế giới nhưng thị trường trong nước không tăng theo nhịp của thị trường thế giới. Diễn biến này cũng đã đặt ra giả thiết về việc dịch chuyển dòng tiền từ một số kênh sang chứng khoán.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, giá trị giao dịch của khối nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 2% toàn thị trường, phần còn lại là giao dịch của khối nhà đầu tư trong nước. Thời gian gần đây nhà đầu tư nước ngoài giảm mua nhưng theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI, nguồn vốn nội hoàn toàn có thể bù đắp thiếu hụt này. Bên cạnh đó, với sự gia nhập của hàng loạt cổ phiếu “khủng” chất lượng của các doanh nghiệp lớn vừa qua như: Vietnam Airlines, Vietjet Air, Sabeco, Habeco, Đường Quảng Ngãi, Novaland, Masan Consumer… hay sắp tới là Petrolimex đã tạo lực hút đối với dòng tiền trong nước. Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, việc phát hành CP lần đầu và niêm yết CP trên sàn chứng khoán của các doanh nghiệp nói trên cùng với sự phục hồi của nền kinh tế và khả năng mở room (tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài)… sẽ là nhân tố tác động mạnh tới thị trường trong năm nay.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp niêm yết, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực: Xây dựng, bất động sản, thép, cao su hay dệt may… đã dự kiến kết quả kinh doanh quý I/2017 với kết quả khả quan và dự báo cả năm 2017 cũng lạc quan. Đây cũng được coi là động lực hỗ trợ cho thị trường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Cao Sơn (Báo Giao thông)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN