Bộ Công thương cân nhắc cắt giảm điều kiện kinh doanh thương mại điện tử

Sự kiện: Kinh Doanh

Dự kiến có khoảng 464-612 điều kiện kinh doanh trong các ngành thương mại điện tử, thực phẩm, điện, xăng dầu… sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ Công thương cân nhắc cắt giảm điều kiện kinh doanh thương mại điện tử - 1

Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ảnh Internet.

Theo thông tin từ Bộ Công thương, nhằm tháo gỡ khó khăn, hướng tới mục tiêu tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự kiến có khoảng 464-612 điều kiện kinh doanh sẽ bị cắt giảm trong thời gian tới, tương đương với khoảng 38,15% - 50,3% tổng các điều kiện kinh doanh.

Tại cuộc họp giữa tổ công tác về cải cách hành chính với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa diễn ra tại Hà Nội, việc rà soát được quyết định thực hiện trên tinh thần xem xét, đánh giá, giải trình việc chỉ giữ lại những điều kiện kinh doanh thực sự cần thiết, trong đó hạn chế tối đa các điều kiện mang tính chất rào cản gia nhập thị trường.

Cụ thể, chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước từ nặng về tiền kiểm để chuyển dần sang hậu kiểm trong xây dựng, thực hiện các điều kiện kinh doanh; việc xây dựng, thực hiện điều kiện đầu tư kinh doanh phải tính đến các điều kiện gia nhập thị trường theo các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Phương án đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và chuyển đổi phương thức quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực phải được đánh giá, xem xét thận trọng về tính khả thi, các điều kiện nguồn lực của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, xem xét khả năng phân cấp mạnh mẽ hơn cho các địa phương trong quản lý, thực hiện…

Bộ Công thương cân nhắc cắt giảm điều kiện kinh doanh thương mại điện tử - 2

Thương mại điện tử đang phát triển tại Việt Nam

Theo tổ công tác, tính đến ngày 12/9/2017, tổng số điều kiện kinh doanh trước rà soát là 1216 trên 27 ngành, nghề (chưa tính ngành, nghề sản xuất, nhập khẩu ôtô là ngành nghề thứ 28).

Về tổng số điều kiện đề xuất cắt giảm, tổ công tác đề xuất 2 phương án. Trong đó phương án 1 đề xuất cắt giảm 464 điều kiện, tương đương với 38,15% tổng số các điều kiện kinh doanh.

Phương án 2, mức cắt giảm lên đến 612 điều kiện kinh doanh, tương đương với mức cắt giảm 50,3% tổng số 17 ngành nghề.

Một số ngành, nghề kinh doanh đề xuất cắt giảm gồm thương mại điện tử, giám định thương mại, đa cấp, điện, xăng dầu, khí, hóa chất, rượu; thuốc lá; nhượng quyền thương mại; logistic; tiền chất công nghiệp…

Như vậy, sau khi cắt giảm, tổng số điều kiện còn lại là 752, nếu áp dụng theo phương án 1 và 604 điều kiện, nếu áp dụng phương án 2.

Trên cơ sở đánh giá tính khả thi cũng như điều kiện thực tế tại Việt Nam, các đơn vị thống nhất sẽ song song thực hiện cả hai phương án, trên cơ sở: điều kiện nào có thể cắt giảm ngay, điều kiện nào không còn phù hợp và bị coi là rào cản thì cần cắt bỏ ngay. Điều kiện nào đã là quy chuẩn và theo thông lệ, tiêu chuẩn quốc tế thì cần tiếp tục nghiên cứu rà soát để đề ra lộ trình cắt giảm cụ thể, đồng thời cần ban hành kế hoạch hành động và giám sát cụ thể đối với quá trình thực hiện.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là công việc trọng tâm của quá trình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và vì mục tiêu Chính phủ kiến tạo.

Hạn chót ngày 21/9 tới, các đơn vị sẽ có báo cáo kết quả cụ thể trình Bộ trưởng Trần Tuấn Anh xem xét quyết định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo P.V (ICT News)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN