Bi hài chuyện nhà băng “siết nợ”

Một số ngân hàng, trong nỗ lực bảo toàn lợi ích tài chính của mình, đã áp dụng nhiều chiêu mới để đòi nợ, có thể nói là khá thô lỗ. Nào là spam tin nhắn, gửi email, gửi thư hoặc gọi điện nhắc nợ và thậm chí hăm dọa đủ các kiểu.

Tuy nhiên, không chỉ ngân hàng phải tập trung đi thu hồi nợ xấu mà khá nhiều trường hợp, ngay cả họ cũng trở thành đối tượng bị đòi nợ và đòi nợ lẫn nhau...

Chủ nợ, con nợ: 2 trong 1

Những vụ việc một loạt ngân hàng đua nhau siết nợ thời gian gần đây được cho là khởi nguồn ngay từ năm ngoái (2012), với một vụ việc có hơi hướng phim Hollywood của một ngân hàng thương mại, khi thuê dăm chục vệ sĩ từ Tp.HCM bao vây con đường ngang qua nhà máy cồn ethanol của Công ty Cổ phần Đồng Xanh (Quảng Nam), không cho bất cứ một người dân nào ra vào, và hút số cồn còn lại trong nhà máy của Công ty Đồng Xanh để bán xử lý nợ quá hạn của công ty này.

Bị dân ngăn cản không cho phá cửa vào nhà máy, nhóm vệ sĩ đã xô xát với người dân gây náo loạn. Tình hình quá phức tạp khiến công an địa phương phải cảnh cáo để lập lại trật tự.

Sau đó, lại xuất hiện nhiều vụ siết nợ mà chính các ngân hàng là những nạn nhân.

Tháng 8/2012, một số chi nhánh ngân hàng HDBank ở Hà Nội đã bị một nhóm người xưng danh là khách hàng mang băng rôn, biểu ngữ bao vây trước cửa. Theo những người đứng tập trung trước chi nhánh HDBank, lý do là phía ngân hàng nợ tiền công ty, từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh do nguyên giám đốc HDBank Thăng Long ký phát hành và hiện đã bỏ trốn. Đa số đều là cán bộ công nhân làm việc tại hai công ty Thành Đô và An Đô.

Nhóm người này còn chặn xe máy đi trên đường và người đi bộ tham gia giao thông để phát cho họ những bài báo trên đó có viết về vụ việc dẫn tới vụ việc này.

Bi hài chuyện nhà băng “siết nợ” - 1

Không chỉ ngân hàng phải đi thu hồi nợ xấu mà khá nhiều trường hợp, ngay cả họ cũng trở thành đối tượng bị đòi nợ...

Khi các nhà băng “đấu” nhau...

Hồi đầu tháng 5/2013, một loạt nhân viên của hàng chục ngân hàng như SeABank, MB, Techcombank, Ocean Bank, LienVietPost Bank... chặn xe, mắc võng bao vây trước hai cổng của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Châu Âu và Công ty Sản xuất - Thương mại Âu Mỹ nằm tại khu công nghiệp Quất Động (Thường Tín, Hà Nội) để ngăn chặn không cho hàng xuất ra khỏi công ty.

Nguyên nhân là do công ty Âu Mỹ đã vay lượng vốn không hề nhỏ của nhiều ngân hàng, nhưng hiện đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và có nguy cơ phá sản.

Sự việc được cho là bắt nguồn khi Techcombank tự ý mang phương tiện và người đến để lấy hàng ở trong kho và vấp phải sự phản đối của bảo vệ các ngân hàng đang trông giữ kho tại đây do nhiều hàng hóa trong kho chưa được sơn đánh dấu, chưa được vẽ sơ đồ kho hoặc dán tem niêm phong của ngân hàng nào, dễ dẫn tới tình trạng lấy nhầm tài sản đảm bảo của nhiều ngân hàng khác. Nên các ngân hàng buộc phải cử người canh giữ 24/24h đề phòng mất tài sản.

Như vậy, rất có khả năng các công ty Châu Âu, Âu Mỹ và các công ty liên quan đã thế chấp hàng inox để vay vốn tại nhiều tổ chức tín dụng khác nhau.

Hiện tại nhiều ngân hàng đã rút quân về nhưng vẫn còn bảo vệ của một số ngân hàng túc trực ở đây, vụ việc vẫn chưa ngã ngũ và đang chờ các bên ngồi họp bàn tìm phương án giải quyết.

Trong khi dư âm của vụ việc tại Công ty Âu Mỹ chưa lắng xuống thì đêm ngày 9/5/2013 lực lượng gồm 4 xe tải có cầu và 15 người tự xưng đại diện cho các ngân hàng MB và VIB đã tự ý vào kho hàng của Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Inox Thành Trung tại tổ 16, đường Tam Trinh, phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội và lấy đi 40 cuộn inox vốn là hàng hóa bảo đảm thế chấp vay vốn của công ty Thành Trung tại ngân hàng SeABank và do Công ty Bảo vệ Đông Nam Á trông giữ, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng bảo vệ.

Không chỉ có vậy, bảo vệ của ngân hàng VIB còn tự ý dán đè niêm phong của đơn vị này lên tem niêm phong của 16 cuộn inox còn lại trong kho vốn đã được công ty bảo vệ mà SeABank thuê trông giữ từ rất lâu!

Không chỉ có chuyện các ngân hàng tranh nhau tài sản đảm bảo, nhiều khi các ngân hàng đồng tài trợ cho một dự án nhưng cũng bị “lật kèo”. Đơn cử như trường hợp của một ngân hàng thương mại cổ phần cùng ký kết hợp đồng tài trợ vốn do ngân hàng LietVietPostBank đứng ra làm ngân hàng đầu mối cho một công ty vay.

Khi doanh nghiệp này gặp khó khăn, các ngân hàng đều phối hợp cùng tìm giải pháp xử lý nợ quá hạn của công ty này, sau một thời gian đã đòi được tiền nhưng ngân hàng đầu mối lại lờ đi, không trả tiền cho các “đồng tài trợ”...

Điểm nghẽn nợ xấu ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, số lượng doanh nghiệp phải dừng hoạt động, phá sản khá lớn, chưa kể đến việc nhiều đơn vị đang trong tình trạng vợ nợ, không có khả năng thanh toán hoặc kinh doanh cầm chừng. Điều này đã khiến tỷ lệ nợ xấu ở các ngân hàng tăng cao, nhiệm vụ xử lý nợ hiện là ưu tiên hàng đầu để giữ vốn, đảm bảo thanh khoản. Mỗi ngân hàng, mỗi doanh nghiệp thường có chiêu thức xử lý riêng khác nhau.

Thế nhưng, xử lý thế nào để đảm bảo đúng quy định của pháp luật cũng như tính nhân văn cũng là vấn đề cần được quan tâm. Pháp luật là thượng tôn, việc một số nhà băng, doanh nghiệp, rồi cả người tiêu dùng sử dụng các biện pháp thu hồi nợ không tuân thủ pháp luật, thậm chí sử dụng các biện pháp tiêu cực để đòi nợ bất chấp pháp luật và đạo đức xã hội có thể gây hại cho chính chủ nợ, biến họ từ chủ nợ thành tội phạm. Vô hình chung, các “chủ nợ” và có khả năng cả các phần tử tiêu cực trà trộn đã biến thành tổ chức gây rối trật tự công cộng, làm ảnh hưởng tới an toàn, an ninh tiền tệ... 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thành Tâm (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN