Bóc trần thủ đoạn "vẽ" hồ sơ để vay NH

Chỉ vì cả tin, thiếu hiểu biết về pháp luật mà hàng chục hộ dân xã Quảng Thanh, Thủy Nguyên, Hải Phòng đã giao sổ đỏ cho cò ngân hàng làm thủ tục vay vốn. Hậu quả, tiền không được cầm, nhà thì bị siết.

Cần tiền để trang trải cuộc sống, nhiều người dân xóm Vối, Quảng Thanh, Thủy Nguyên, Hải Phòng đã tin tưởng giao sổ đỏ cho bà Mạc Thị Vân – Giám đốc công ty CP thương mại và kỹ thuật Hải Lâm và Công ty CP thương mại Hoàng Sơn Lâm- để nhờ làm thủ tục vay tiền ngân hàng.

Tuy nhiên, có điều khá đặc biệt rất nhiều hộ gia đình nhờ bà Vân làm thủ tục vay tiền ngân hàng đã không nhận được tiền vay. Ngược lại, họ nhận được giấy thông báo ngân hàng về việc nhà của họ sẽ bị ngân hàng siết nợ do người vay tiền không thanh toán nợ đúng hạn.

Câu hỏi đặt ra, ai đã diễn trò ảo thuật để biến hàng chục ngôi nhà của người dân xóm Vối thành tài sản của ngân hàng một cách quá dễ dàng ?

Theo điều tra của PV, năm 2007, gia đình ông Đỗ Văn Theo và bà Trần Thị Yến (xóm 5, xã Kỳ Sơn, Thủy Nguyên, Hải Phòng) đã nhờ bà Vân đứng ra vay tiền ngân hàng. Điều kiện kèm theo, gia đình ông bà Theo sẽ thế chấp 200 m2 đất ở xóm 5 và tài sản gắn liền trên đất là ngôi nhà 1,5 tầng.

Tuy nhiên, trong biên bản thẩm định tài sản đảm bảo số 73.1/07.105402/ĐGTS-BĐS ngày 24/9/2007 của ngân hàng Navibank chi nhánh Hải Phòng, ngôi nhà ông bà Theo lại là căn nhà 3 tầng và 1 quán bán hàng được xây dựng trên diện tích đất 200 m2. Với tài sản trên, Ngân hàng đã định giá là 616 triệu đồng.

Một trường hợp không bình thường khác là ở Biên bản định giá tài sản bảo đảm tiền vay ngày 24/01/2008 giữa Navibank chi nhánh Hải Phòng và bên thế chấp là ông Đỗ Văn Tề, bà Hà Thị Én và ông Đỗ Văn Đại thì ngôi nhà cấp 4 lụp xụp chỉ rộng 25m2 của ông Tề lại được ghi căn nhà rộng 1,5 tầng, diện tích 70 m2, mái bằng bê tông cốt thép, gạch hoa...Kết quả của việc “hô biến” này là tài sản thế chấp được nâng cấp lên tới 1,3 tỷ đồng để đảm bảo mức dư nợ tối đa là 816 triệu đồng cho bà Mạc Thị Vân.

Không chỉ có hai trường hợp trên mà còn nhiều người dân đã cho nhờ bà Vân đứng ra làm thủ tục vay tiền ngân hàng nhưng họ không biết nhà được định giá bao nhiêu, cũng như chưa từng gặp cán bộ tín dụng.

Ông Đỗ Văn Tề cho biết: "Bà Vân có nói với tôi khi nào vay được tiền thì sẽ dẫn tôi đến ký và tôi đã ký rất nhiều loại giấy tờ mà không biết trong đó ghi những gì. Ngoài ra, trong suốt thời gian ngân hàng làm thủ tục vay tôi cũng không thấy có bất kỳ cán bộ ngân hàng nào đến để hỏi thông tin về căn nhà cả. Cho đến khi ngân hàng thúc nợ, đòi “bắt” nhà đất, tài sản thì người dân mới “té ngửa”, mới biết hóa ra nhà đất của mình đã bị thế chấp với khoản tiền họ chưa một lần được nhìn thấy. Trong khi đó, toàn bộ số tiền vay lại chạy vào túi bà Vân".

Trước vấn đề này, bà Phạm Thị Lan Hương – Giám đốc ngân hàng Navibank chi nhánh Hải Phòng cho biết, “Hiện các khoản vay từ việc thế chấp những ngôi nhà trên đã không được bà Mạc Thị Vân (Giám đốc công ty cổ phần thương mại Hoàng Sơn Lâm – người mượn sổ đỏ của người dân để vay tiền- PV) trả . Và theo kế hoạch, ngân hàng Navibank chi nhánh Hải Phòng sẽ phát mại những ngôi nhà trên để thu hồi nợ".

Liên quan đến những bất thường trong việc thẩm định tài sản thế chấp, bà Hương cho rằng, hiện người cán bộ đã từng thẩm định các hồ sơ này đã chuyển công tác và trước khi chuyển công tác ông này cũng đã từng cam kết sẽ giải quyết các vấn đề tồn tại khi còn đang làm việc tại Navibank.

Bóc trần thủ đoạn "vẽ" hồ sơ để vay NH - 1

Hàng chục hộ dân ở xóm Vối, Thủy Nguyên, Hải Phòng đang có nguy cơ bị mất nhà.

Theo Luật sư Phạm Thanh Bình – trưởng văn phòng Luật Bảo Ngọc, thời gian gần đây những vụ việc cho mượn sổ đỏ sau đó bị chiếm đoạt tài sản ngày càng xuất hiện nhiều tại các địa phương trong cả nước. Những vụ việc như trên đều xảy ra trong tình huống cho người thân quen mượn sổ đỏ hoặc đưa sổ đỏ cho dạng "cò " ngân hàng để nhờ vay vốn. Người cầm sổ đỏ đã lợi dụng quyển sổ đỏ đó để vay thêm cả phần của họ thậm chí chiếm đoạt luôn cả số tiền vay. Kết quả, khi họ không trả được nợ thì người có tài sản bị ngân hàng siết nợ theo quy định hiện hành.

Đối với các trường hợp cụ thể trên, cán bộ tín dụng ngân hàng đã thực hiện sai phần thẩm định giá trị tài sản vay. Do vậy, cán bộ thẩm định sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về phần chênh lệch giá trị tài sản đó. Còn người dân họ phải chấp nhận việc bị ngân hàng tịch biên tài sản căn cứ vào hợp đồng thế chấp và hợp đồng tín dụng đã ký.

Tuy nhiên, ông Bình cũng nhấn mạnh rằng, cần phải xem xét đến các yếu tố hình sự bởi hành vi lừa đảo được thực hiện khi tiến hành thủ tục theo quy định của pháp luật để đưa nhà thành tài sản thế chấp của ngân hàng. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Đào (Vnmedia)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN