Bất thường các con số thống kê kinh tế VN

"Chuyện số liệu thống kê không chính xác vốn tồn tại nhiều năm nay, nhưng trong tình hình khó khăn hiện nay, nó sẽ ngăn cản nỗ lực phục hồi kinh tế. Không có số liệu chính xác, nhà điều hành không biết con bệnh đang ốm tới cấp độ nào, nên rất khó kê toa, tới khi chỗ nào cũng “đau” thì muốn cứu cũng quá muộn" - Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết.

Tại Diễn đàn Kinh tế Mùa xuân, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh dẫn lại công thức tính GDP dựa trên tổng mức tiêu dùng cộng với đầu tư, xuất khẩu và trừ đi nhập khẩu. Theo công thức này, việc tính toán để cho ra con số GDP quý I ở mức 4,89% không thuyết phục. Dư nợ tín dụng 3 tháng tăng không đáng kể 0,03% nhưng đầu tư của khu vực ngoài Nhà nước lại tăng tới 11%.

Sự bất hợp lý thể hiện ở chỗ tăng trưởng tín dụng gần như dậm chân tại chỗ mà dòng vốn chảy vào doanh nghiệp lại gấp nhiều lần.

“Doanh nghiệp lấy vốn ở đâu trong phần lớn doanh nghiệp đều lệ thuộc vào vốn ngân hàng”, ông Trinh băn khoăn.

Bất thường các con số thống kê kinh tế VN - 1
Các chuyên gia cho rằng số liệu thống kê GDP không thuyết phục .(Ảnh minh họa)

Một nghịch lý nữa là xuất khẩu được công bố tăng 19,7%, nếu loại trừ yếu tố giá sẽ tăng tới 25%, tức giá xuất khẩu đã giảm khoảng 5%. Nhưng thực tế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I năm nay so với cùng kỳ tăng 6,9%. Nếu số liệu đúng, điều này có nghĩa giá bán cho các nước giảm 5% còn mức giá bán cho tiêu dùng trong nước lại tăng cao. Đây là bất hợp lý thứ 2 trong thông số GDP. Chưa kể, giá so sánh với hiện nay lấy giá cơ sở của năm 2010 nên số liệu khó phản ánh chính xác thực trạng hiện tại.

Ông Trinh đặt câu hỏi: “Liệu có cần theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đến mức phải bán cho thế giới với giá rẻ, còn người dân lại chịu giá đắt”.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng thắc mắc, mọi năm, tăng trưởng tín dụng khoảng 30%, GDP mới tăng 6%, Nay tăng trưởng tín dụng quá bé nhỏ chưa tới 1% mà tăng trưởng GDP vẫn gần 5% là điều khó hiểu và các chuyên gia cũng chẳng thể lý giải.

“Chẳng lẽ Việt Nam không cần cung ứng tín dụng vẫn có thể tăng trưởng”, ông Doanh hoài nghi.

Theo ông, chuyện số liệu thống kê không chính xác vốn tồn tại nhiều năm nay, nhưng trong tình hình khó khăn hiện nay, nó sẽ ngăn cản nỗ lực phục hồi kinh tế. Không có số liệu chính xác, nhà điều hành không biết con bệnh đang ốm tới cấp độ nào, nên rất khó kê toa, tới khi chỗ nào cũng “đau” thì muốn cứu cũng quá muộn.

Ông Doanh cũng cho rằng, số liệu công bố nếu không chính xác sẽ chẳng giúp ích cho ai, có chăng chỉ để các cấp, ngành khen lẫn nhau. Chính việc dựa trên những con số “ảo tưởng” nên các quyết định can thiệp thường đưa rất muộn, không phản ánh tính cấp bách của thực tiễn. Ông lấy ví dụ: tình hình bết bát của Vinashin vốn đã có từ lâu nhưng nhiều lần thanh tra, kiểm soát vẫn không phát hiện. Nhiều vị đặt mục tiêu đưa Tập đoàn này thoát khỏi thua lỗ kể từ 2013, nhưng đến nay ai cũng nhận thấy điều này hoàn toàn không thể.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, số liệu nhiều khi khác nhau “một trời một vực” đến mức gây sửng sốt và đáng kinh ngạc giữa các địa phương, bộ ngành, dẫn tới chuyện tốc độ tăng GDP của cả nước chỉ bằng hai phần ba mức tăng trưởng của các địa phương do tỉnh thống kê.

Số liệu về nợ xấu và tồn kho bất động sản cũng chẳng đáng tin cậy nên không thể xây dựng chiến lược đúng để giải quyết vấn đề hay xác định nền kinh tế cần bao nhiêu vốn và phải mất bao nhiêu thời gian để giải quyết triệt để. Trong trường hợp này, việc dựa vào những con số không chuẩn để xử lý vấn đề luôn luôn chứa đựng rủi ro và nguy cơ rất lớn cho quá trình phục hồi.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Chủ tịch Hội Thống kê Việt Nam, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

Số liệu thống kê hiện nay ở nước ta luôn có hai số, một số là để dùng khi làm việc với các chuyên gia, người nghiên cứu lâu năm, vì họ biết về con số, nên có thể số này sẽ chính xác hơn; còn con số dùng để công bố công khai, con số này có thể bị tác động bởi nhiểu vấn đề, có thể bị chỉ đạo, nên cũng có điều chỉnh.

Như số liệu GDP, nếu thấp quá là phải tính lại cho cao lên, cái đó có. Nếu mời chuyên gia tới phân tích, sẽ có thể ra một con số khác, có thể không xa con số báo cáo, nhưng chắc chắn nó không phải con số trong các báo cáo đánh giá hàng năm. Chẳng hạn, trong khi năm 2012, GDP cả nước chỉ có 5%, vậy mà nhiều người vẫn nói con số 5% là còn cao, khi kinh tế đang khủng hoảng. Bệnh thành tích làm thống kê bị sai. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Duyên Duyên (Báo Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN