Kinh tế VN trả lãi ngân hàng 20 tỷ USD?

Tính toán trên cơ cấu dư nợ theo mức lãi suất cho vay với dư nợ 2,7 triệu tỷ, thì tổng số lãi tính theo phương pháp gia quyền mà khách hàng trả cho tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ là 260,556 ngàn tỷ đồng, tương đương 13 tỷ USD, không phải 20 tỷ USD như ý kiến một chuyên gia đã nêu...

Theo chuyên gia ngân hàng Phạm Xuân Hòe, trong thống kê kinh tế hoặc toán xác suất dành cho kinh tế, cần phải tính toán theo phương pháp bình quân giá quyền, chứ không phải là số học đơn thuần.

Nếu tính toán trên cơ cấu dư nợ theo mức lãi suất cho vay với dư nợ 2,7 triệu tỷ, thì tổng số lãi tính theo phương pháp gia quyền mà khách hàng trả cho TCTD sẽ là 260,556 ngàn tỷ đồng, tương đương 13 tỷ USD, không phải 20 tỷ USD như ý kiến một chuyên gia đã nêu.

"Ngay cả con số này, trên thực tế doanh thu tín dụng của hệ thống ngân hàng sẽ không đạt được như vậy, mà phải trừ tiếp đi số dư nợ được xếp nhóm nợ xấu" - Chuyên gia Hòe cho biết.

Kinh tế VN trả lãi ngân hàng 20 tỷ USD? - 1

Nền kinh tế đang trả lãi cho ngân hàng hàng chục tỷ USD

Cũng theo ông Hòe, số lãi mà nền kinh tế trả cho ngân hàng còn phải trừ tiếp các khoản sau: Trước hết, ngân hàng phải trả cho người gửi tiền với các mức LS như hiện nay 2,4% một năm tiền gửi không kỳ hạn, lãi suất kỳ hạn từ 1 - 12 tháng là 8% một năm, tiền gửi trên 12 tháng khoảng 10% một năm. Từ phần lãi tiền vay thu từ khách hàng (hay nói cách khác là thu từ nền kinh tế), ngân hàng phải hoàn trả lãi đầy đủ cho người gửi (không thiếu một xu).

"Với cơ cấu tiền gửi của hệ thống ngân hàng hiện nay, tạm tính cả phí dự trữ bắt buộc, chi phí thiết kế sản phẩm, khấu hao trụ sở…. thì mức bình quân LS mà ngân hàng trả cho người gửi tiền lên đến 8,5%/ năm" - Ông Hòe nói.
 
Để có nguồn vốn cân đối để cho vay ra được 2,7 triệu tỷ đồng thì TCTD cũng phải huy động động nguốn vốn tương ứng và tính ra TCTD phải trả lãi cho người gửi tiền với mức lãi suất bình quân 8,5% sẽ là 229,5 ngàn tỷ đồng, tương đương 11 tỷ USD.
 
Thực chất, lãi mà nền kinh tế trả cho ngân hàng là để ngân hàng với vai trò trung gian trả cho người gửi tiền 11 tỷ USD.
 
"Một vấn đề cũng cần phải tính đến là phần trích lập dự phòng rủi ro, lương cán bộ của ngân hàng. Như vậy, phần lãi sẽ còn không đáng kể. Điều này sẽ cho ta thấy tại sao lợi nhuận của hệ thống ngân hàng năm 2012 giảm thê thảm, vì thu nhập từ tín dụng vẫn chiếm tới 90%" - Ông Hòe cho biết.

20 tỷ USD

Còn theo TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội thì mức chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra hiện nay là quá cao.

Với tổng dư nợ tín dụng hiện nay là 2,7 triệu tỉ đồng, LS 15%/năm thì DN nói riêng và nền kinh tế phải trả lãi cho NH gần 20 tỉ USD, tương đương 1/6 GDP. Đặc biệt, hiện nay tình trạng thanh khoản của các NH đang khá dồi dào thì việc giảm LS cho vay không thể cứ trì hoãn. Do đó, Chính phủ nên xem xét và có kế hoạch kéo giảm LS để khuyến khích đưa vốn vào nền kinh tế.

TS Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh (Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) thì cho rằng, các NH sẽ có nhiều lý do khác nhau để không giảm lãi cho vay. Một trong những lý do là trên thực tế một số NH nhỏ, yếu kém vẫn phải huy động với lãi cao hơn 8%/năm, thậm chí lên đến 10 - 10,5%/năm. Vì vậy, dù vẫn có những khoản vay được công bố với LS ở mức 12 - 12,5%/năm nhưng chỉ áp dụng cho vài đối tượng ưu tiên.

Chưa minh bạch thì khó giảm lãi suất

Một câu hỏi đặt ra là liệu trong thời gian tới, NHNN có thể điều chỉnh kéo giảm LS huy động tiền gửi nữa hay không. Tại một cuộc hội thảo mới diễn ra tại TP.HCM, TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nhận định các NH đang dồi dào về lượng tiền mặt nên vấn đề thanh khoản đã được củng cố.

Vì vậy, LS ngắn hạn sẽ giảm thêm 1 điểm phần trăm và nợ xấu đến cuối năm 2013 sẽ còn khoảng 4-5% tổng dư nợ. Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 12% cho cả năm nay, Chính phủ cần tiếp tục giảm LS và đẩy mạnh xử lý nợ xấu để dòng vốn không bị “nghẽn”.

Tuy nhiên, TS Lê Thẩm Dương cho rằng khả năng giảm thêm LS tiền gửi là khó, vì hiện Chính phủ đang kiểm soát với mức kỳ vọng lạm phát năm nay là 7 - 8%/năm nên không thể áp đặt thêm mệnh lệnh hành chính để giảm LS đầu vào.
 
Thế nhưng, điều này không có nghĩa là các NH không thể giảm LS cho vay. Bởi tình trạng NH đối diện với “tồn kho” vốn là đang có. Muốn giảm LS xuống thì các NH phải minh bạch hoạt động, minh bạch nợ xấu và quản trị chi phí tốt hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Duyên Duyên (Đất Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN