23 đại gia Việt có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD

Nếu năm 2006, tính trên cả 2 sàn giao dịch chứng khoán, Việt Nam mới chỉ có duy nhất 1 công ty có giá trị vốn hóa trên tỷ USD thì đến ngày hôm nay trên toàn thị trường đã có 23 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.

Số liệu trên vừa được ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN đưa ra tại Hội thảo “Thị trường vốn- Động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế” do công ty cổ phần chứng khoán SSI tổ chức sáng nay (25-10).

Sự kiện này được xem như là cầu nối tin cậy giữa các nhà đầu tư tài chính trong và ngoài nước với những doanh nghiệp trong nước, là diễn đàn xúc tiến đầu tư hiệu quả của thị trường tài chính.

23 đại gia Việt có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD - 1

Thị trường chứng khoán Việt bùng nổ

“Trong 10 năm qua, quy mô của thị trường cổ phiếu đã tăng 3 lần, năm 2006 là 22% GDP, năm 2010 là 44% GDP và thời điểm hiện tại là hơn 63% GDP. Nếu vào thời điểm 2006, tính cả 2 Sở Giao dịch chứng khoán (Sở GDCK) chỉ có 192 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch và có duy nhất 01 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ đô la thì cho đến nay trên thị trường đã có trên 700 doanh nghiệp niêm yết, 640 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, trong đó có 23 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ đô la, ông Dũng cho biết:

Riêng trong năm 2016 và đầu năm 2017 đã có nhiều doanh nghiệp tên tuổi lớn tham gia TTCK như Sabeco, Vietnam Airline, Vietjet Air, Novaland, Petrolimex, Vpbank,… và những tên tuổi lớn khác sắp được chào sàn như Vin Retail, Hdbank, Techcombank,…

VN-Index – chỉ số đại diện cho TTCK Việt Nam đã tăng trưởng hơn 16% trong năm 2016. Đến thời điểm này của năm 2017, VN-Index tiếp tục tăng trưởng thêm 24,5% trong khi HNX-Index tăng trưởng 36%. Thanh khoản của TTCK đã tăng 50% từ mức 3000 tỷ đồng/phiên trong năm 2016 lên mức 4500 tỷ đồng/phiên trong năm 2017.

Bên cạnh thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu cũng đã có những bước phát triển nhanh, mạnh. Nếu năm 2006, dư nợ thị trường trái phiếu mới đạt mức 14% GDP thì đến thời điểm hiện tại đã đạt gần 40%, trong đó chủ yếu là thị trường trái phiếu chính phủ (gần 30% GDP) và thị trường trái phiếu doanh nghiệp (xấp xỉ 6% GDP).

Thanh khoản của thị trường trái phiếu chính phủ đã tăng ngoạn mục từ mức hơn 324 tỷ đồng/phiên năm 2009 lên mức gần 9000 tỷ đồng/phiên trong năm 2017, tăng 27 lần và gấp đôi giá trị giao dịch bình quân phiên của thị trường cổ phiếu.

Vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu đã đạt mức trên 100% GDP, so với mức 130% GDP của dư nợ tín dụng ở thời điểm hiện tại, cho thấy thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam đang từng bước đạt được cơ cấu cân bằng, vững chắc hơn so với trước đây.

23 đại gia Việt có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD - 2

Ngày càng nhiều nhà đầu tư mới tham gia vào thị trường chứng khoán

Những vấn đề cần quan tâm

Nói về cơ hội đầu tư tại thị trường Việt Nam tại Hội nghị, ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia, Tổ chức tài chính Quốc tế (IFC) đánh giá cơ hội đầu tư vào Việt Nam khá độc đáo so với các nước khác, với quy mô dân số 95 triệu người, sự ổn định kèm theo yếu tố an toàn. Ông khẳng định đầu tư sớm sẽ có cơ hội thu lợi nhiều hơn..

Tuy nhiên, thị trường Việt Nam vẫn đối mặt với một số yếu tố thử thách. Đại diện IFC chỉ ra thử thách trước hết nằm ở dân số khi dân số Việt Nam đang có xu hướng già hóa. Là thách thức nhưng cũng là cơ hội để các dịch vụ y tế phát triển, chăm sóc người cao tuổi, người về hưu. Thử thách khác liên quan tới hiệu suất lao động đang giảm, do đó cần tăng năng suất lao động hơn.

Việt Nam cũng đang trong quá trình đổi mới, cải cách. Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước giúp Chính phủ có nguồn thu. Nhưng làm sao để tiến trình này được minh bạch, theo cơ chế đa số hay thiểu số, lộ trình ra sao vẫn được chờ đợi. Song, triển khai cổ phần hóa vẫn tốt hơn là không làm gì cả.

Bên cạnh đó, ông Dũng cho rằng: Mặc dù có nhiều cơ sở để lạc quan về sự phát triển của TTCK Việt Nam, chúng ta cũng luôn theo dõi, để phòng ngừa rủi ro, những nhân tố không chắc chắn có thể ảnh hướng đến tốc độ phát triển và cơ hội đầu tư.

Có lẽ không ai trong chúng ta có thể đoán trước được diễn biến bất thường và ảnh hưởng của tình hình đàm phán Brexit, tình hình Triều Tiên, Trung Đông hay nạn khủng bố, khủng hoảng nhập cư… đến phát triển kinh tế Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên.

Ngoài ra, nợ xấu của ngân hàng chưa thể xử lý một sớm một chiều và nguy cơ lạm phát cao vẫn luôn rình rập. Hệ lụy từ hiệu quả hoạt động thấp của nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn cần thời gian khắc phục.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch hội đồng thành viên SCIC cho rằng: các doanh nghiệp cần phải cải thiện vấn đề quản trị. Đây là vấn đề cốt lõi để tạo nên một thị trường chứng khoán phát triển bền vững và minh bạch.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình cho biết: Môi trường đầu tư tại Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong các năm gần đây và sẽ có bước phát triển đột phá trong các năm tới.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình, Chính phủ Việt Nam đã và đang coi trọng phát triển thị trường vốn hiệu quả để thị trường chứng khoán thực sự đóng vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế.

Nhiều hàng hóa có chất lượng sắp xuất hiện

Với chủ trương và kế hoạch cụ thể đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn, trong thời gian tới của Chính phủ sẽ cung cấp một lượng hàng hóa có chất lượng cho thị trường.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, chính phủ đã cổ phần hóa thành công 34/44 DNNN nằm trong kế hoạch. Năm 2018, Chính phủ đã công bố kế hoạch cổ phần hóa thêm 64 doanh nghiệp, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn như Tổng công ty giấy Việt Nam, Mobifone, và nhiều doanh nghiệp lớn khác trong ngành vàng bạc đá quý, bất động sản, phát điện,…

Năm 2019, mặc dù kế hoạch của Chính phủ dự kiến cổ phần hóa chỉ 18 doanh nghiệp, nhưng có thể nhìn thấy nhiều tên tuổi lớn, hấp dẫn như Tổng công ty cà phê Việt Nam, Tổng công ty Bưu chính viễn thông, Tập đoàn hóa chất, Tập đoàn than và khoáng sản…

Từ nay đến cuối năm một số doanh nghiệp sẽ được đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa như PV Oil, PV Power, Tổng công ty thuốc lá Việt Nam và thực hiện đẩy mạnh bán cổ phần tại Sabeco và Vinamilk.

Như vậy, trong thời gian 1-2 năm tới, hàng trăm DNNN sẽ được thực hiện cổ phần hóa và tham gia niêm yết/đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán. TTCK chắc chắn sẽ tăng trưởng về quy mô và tạo ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.Linh (Pháp luật TPHCM)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN