VN: Đang tìm kiếm vắc xin thay thế Quinvaxem

"Nếu WHO kết luận vắc xin Quinvaxem không đảm bảo chất lượng, Việt Nam sẽ tính đến một phương án dùng vắc xin khác thay thế". Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết.

Sau khi có thông tin Cục Quản lý dược, Bộ y tế chỉ đạo Sở  Y tế các tỉnh, thành phố ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế.

PV: Thưa ông, tại sao Bộ Y tế lại quyết định tạm ngưng sử dụng vắc xin Quinvaxem trên phạm vi toàn quốc?

Ông Nguyễn Thanh Long: Thời gian qua đã xảy ra nhiều ca tai biến sau tiêm chủng, trong đó có 5 trường hợp đã tử vong. Tuy nhiên, sau khi Hội đồng xử lý tai biến sau tiêm chủng của Bộ Y tế nhóm họp và đưa ra kết luận là 4 trong số 5 trường hợp đó là không liên quan tới vắc xin, mà do nhiều nguyên nhân khác như nhiễm trùng huyết... còn 1 trường hợp chưa rõ nguyên nhân.

VN: Đang tìm kiếm vắc xin thay thế Quinvaxem - 1

Ông Nguyễn Thanh Long- Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam đang tìm kiếm loại vắc-xin thay thế Quinvaxem

Trước thực tế đó, Bộ Y tế Việt Nam quyết định mời Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vào Việt Nam để đánh giá, điều tra độc lập về chất lượng của vắc xin Quinvaxem. Do vậy, trong thời gian chờ đợi tổ chức WHO điều tra, Bộ Y tế đã quyết định tạm ngưng sử dụng loại vắc xin này trên phạm vi toàn quốc.

Vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem được đưa vào chương trình quốc gia tiêm chủng mở rộng từ tháng 6/2010, tiêm cho trẻ 2, 3 và 4 tháng tuổi. Vắc-xin này do Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam đến hết năm 2015. Trong hơn 2 năm qua, Việt Nam nhập về gần 15 triệu liều và đã sử dụng hơn 11 triệu liều.

Hiện WHO đã cử những chuyên gia vắc xin hàng đầu sang Việt Nam để xác minh làm rõ chất lượng của vắc xin Quinvaxem.

PV: Vậy những trẻ đến kỳ tiêm chủng và những trẻ đã tiêm chủng mũi 1 của loại vắc xin này sẽ xử lý ra sao?

Ông Nguyễn Thanh Long: Về việc Bộ Y tế tạm ngưng việc sử dụng vắc xin Quinvaxem trên phạm vi toàn quốc không phải là khẳng định chất lượng vắc xin này không đảm bảo chất lượng. Đó mới chỉ là "nghi ngờ", câu trả lời chỉ có sau khi WHO công bố kết quả kiểm định.

Vậy nên người dân cũng không nên hoang mang lo lắng. Với những trẻ đã tiêm mũi 1 loại vắc xin này vẫn có thể lui lại một thời gian sau mới tiêm mũi 2, không ảnh hưởng đến chất lượng của vắc xin. Với những trẻ đến kỳ tiêm chủng Bộ Y tế sẽ cân nhắc tính phương án sử dụng loại vắc xin nội như vắc xin "3 trong 1".

VN: Đang tìm kiếm vắc xin thay thế Quinvaxem - 2

Hiện tại, vắc-xin Quinvaxem tạm ngưng sử dụng trên toàn quốc

Hiện các cơ quan y tế đang làm hết sức mình để không ảnh hưởng đến kết quả tiêm chủng mở rộng trên phạm vi toàn quốc. Do vậy, người dân hãy yên tâm chờ đợi kết quả.

PV: Nếu WHO kết luận vắc xin Quinvaxem không đảm bảo chất lượng, Việt Nam có tính đến một phương án là dùng vắc xin khác thay thế không, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Long: Trường hợp tổ chức WHO công bố vắc xin Quinvaxem đảm bảo chất lượng thì Bộ Y tế sẽ tiếp tục cho tiêm lại vắc xin này. Trong trường hợp vắc xin Quinvaxem được kết luận là không đảm bảo chất lượng thì chúng ta có thể sử dụng vắc xin nội "3 trong 1".

Còn một phương án khác hiện Bộ Y tế cũng đang tính đến phương án trình Chính phủ Đề án sử dụng vắc xin vô bào. Tuy nhiên, đây là bài toán khó mà Bộ Y tế hiện vẫn chưa tìm ra lời giải do kinh phí để thực hiện khá lớn. Nếu dùng vắc xin vô bào, mỗi năm Việt Nam phải chi khoảng 700- 800 tỷ USD. Vì vậy, Bộ Y tế đang cân nhắc các phương án, thời điểm này vẫn chưa thể khẳng định là lựa chọn phương án nào.

Có một thực tế mà chúng ta vẫn phải thừa nhận là dù sử dụng loại vắc-xin nào thì khả năng tai biến vẫn có thể xảy ra, không vắc xin nào an toàn tuyệt đối.

Sau hàng loạt các ca tai biến "nghi" có liên quan đến vắc-xin Quinvaxem ngày 4/5, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) ra công văn khẩn yêu cầu tạm ngừng sử dụng vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem nhằm “đảm bảo an toàn cho người sử dụng”.

Cũng theo thông báo này, Văn phòng đại diện Công ty Berna Biotech Korea Corporation tại Việt Nam (công ty sản xuất vắc xin này) phối hợp với đơn vị nhập khẩu, phân phối phải gửi thông báo tạm ngừng sử dụng tới các nhà phân phối, đơn vị sử dụng.

Đây là vắc-xin có giá thành thấp (gần 100.000 đồng/liều), hiện đang sử dụng ở 90 quốc gia.

Quyết định trên của Cục Quản lý Dược được cho là dựa trên “kết luận của Hội đồng tư vấn sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế” đưa ra từ cuối tháng 4/2013.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo D.Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN